Sông Hương – dòng sông gắn liền với Huế, trải qua bao biến thiên, thăng trầm cùng thời gian, dòng sông của lịch sử, dòng sông của thơ ca, dòng sông đã đi vào tâm thức của những con đất Huế như là dòng sông của Vua Chúa…Hãy cùng trải nghiệm cảm giác bồng bềnh trên dòng Hương để khám phá một Huế khác, trầm lặng hơn, giản dị hơn…
Như một quy luật từ xa xưa, con người và các dòng sông luôn song hành với nhau, nơi nào có sông, nơi đó con người sinh sống và phát triển, nhiều nền văn minh đã ra đời gắn liền với những dòng sông chẵng hạn nền văn minh Trung Hoa gắn liền với con sông Hoàng Hà và Trường Giang, Ai Cập gắn liền với sông Nile, Ấn Độ với Sống Ấn và sông Hằng…hay ở nước Việt ta thì có Cổ Loa với con sông Hoàng Long, Thăng long với sông Hồng… và Huế là dòng Hương.
Tuy không quá dài như những dòng sông ở trên, tổng chiều dài nếu tính cả nguồn dài nhất thì sông Hương chỉ dài khoảng 100km, thượng lưu của dòng sông là hai nguồn Tả trạch có chiều dài khoảng 67km, bắt nguồn từ dãy trường Sơn Đông, chảy qua khu vườn quốc gia Bạch Mã với 55 ngọn thác, dòng này chảy ngang qua thị trấn Nam Đông sau đó hợp lưu với dòng Hữu Trạch ở ngã ba Bằng Lãng, dòng Hữu Trạch cũng bắt nguồn từ dãy Trường Sơn nhưng từ phía Nam và chảy ngược về phía Bắc với chiều dài 60km. Bắt đầu từ đây dòng Hương đã trở nên rộng hơn, đổ ra cửa biển Thuận An với chiều dài 33km, nước chảy chậm do độ dốc thấp.
Trước khi xuôi theo hạ nguồn để khám phá một Huế nên thơ thì chúng ta cũng nên tìm hiểu xem vì sao dòng sông có tên sông “Hương”. Theo các tài liệu cổ trong lịch sử thì dòng sông mang nhiều tên khác nhau, như trong “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi sông có tên là sông Linh…sau đó lại được mang tên Lô Dung, Yên Lục…và theo truyền thuyết sở dĩ có tên là sông Hương là do sông chảy qua những cánhrừng nguyên sinh bạt ngàn với hàng trăm loài hoa, cây gỗ mang mùi thơm nhẹ nhàng, vì thế mà nhân dân gọi là sông Hương.
Từ ngã ba Bằng Lãng, dòng sông trôi chầm chậm qua những thằng cảnh của Huế, qua điện Hòn Chén, qua đồi Vọng Cảnh, qua Võ Miếu, Văn Miếu, qua chùa Thiên Mụ… rồi qua kinh thành Huế. Mỗi lần đi qua một nơi nó lại làm cho nơi đó trở nên trầm mặc, cổ kính, nên thơ hơn, mềm mại hơn…
Dòng sông mềm mại uốn quanh, như ôm trọn kinh thành, khi chọn đất đóng đô, vua Gia Long đã khéo lẹo lựa chọn dòng sông làm minh đường với hai cái cồn Hến và Giả viên làm tả Thanh Long và hữu Bạch Hổ, ông đã cho nắn hai dòng phụ lưu là Kim Long và Bạch Yến thành hộ thành hà cho kinh thành.
Một điều khác biệt so với các kinh đô khác của Việt Nam ở chỗ, dòng Hương chính là nguồn mạch tâm linh, một con đường nối giữa hai thế giới của những vị Vua đang tại vị với các Tiên đế đã băng hà, hầu như các khu lăng mô của các vua đầu triều đều nằm ở thương nguồn Hương giang. Không kể những làng mạc xòm làng, những ngôi nhà vườn, những vườn cây ăn trái xanh mướt…
Vào các dịp đầu xuân ngày xưa, dòng sông trở thành nơi cho một cuộc biểu diễn đầy màu sắc và trang nghiêm của những chiếc Long thuyền, Phượng thuyền của hoàng gia trên bến Phu Văn lâu. Vua cùng cả hoàng gia ngự trên những con thuyền lộng lẫy ấy xuôi dòng sông để đến với các lăng Tiên đế cũng như đến với ngôi quốc tự Thiên Mụ trên đồi hà khê, hay điện Hòn Chén…và cũng chính dòng sông là ranh giới giữa hai chế độ trong thời gian Pháp xâm lược nước ta: bờ bắc dòng sông là kinh thành uy nghi cổ kính thể hiển uy quyền của Nam Triều, bờ Nam là tòa khâm sứ khiêm tốn nhưng lại đè bẹp cái kinh thành kia, rồi dòng sông cũng là nơi chứng kiến bao cảnh binh đao, bao biến đổi, màu cờ trên Kỳ đài thay đổi bao phen…
Trải qua thời gian, thăng trằm cùng lịch sử, có những công trình đã mất cùng thời gian, những con người chỉ còn trong quá khứ, ngay cả một triều đại cũng tàn lụi thì dòng Hương vẫn ở đó, vẫn hàng ngày làm xanh thêm cho Huế, một dải lụa mềm vắt ngang thành phố Huế, còn biết bao điều phải nói về dòng sông một thời huy hoàng cùng Vương triều Nguyễn này, hẹn các bạn lại kỳ sau!