Xét địa danh trong địa bàn Ninh Thuận hiện tại, chúng ta có thể thấy nhiều sự thay đổi qua nhiều lớp thời gian, và nếu nhắc lại chỉ riêng phần tên núi đồi, sông hồ, tên làng xóm thôi thì cũng có nhiều điều thú vị. Với một diện tích không lớn, song lại chứa đựng bao truyền thống quý báu, bao tình đất, tình người trong lịch sử. Một trong sự quý báu đó là tên đất, tên làng xa xưa mà đôi khi tìm hiểu, ta lại nhớ các bậc tiền nhân khai sơn, phá thạch, kiến tạo nước non nhà.

Đi dọc từ Du Long vào Cà Ná, có thể thấy mấy tên xưa nay hoặc còn lưu lại, hoặc đã thay đổi
.
Bộ ảnh xưa về Ninh Thuận mời các bạn xem ở phía cuối bài
+ Kiền Kiền và Du Long: Tên thường gọi chung cả vùng Bắc tỉnh, nguyên xưa nhất là thời Nhà Nguyễn, có tên là Du Lai. Kể thêm tên Kiền Kiền: hiện nay có thôn Kiền Kiền, xã Lợi Hải, ở phía Đông của vùng Bắc tỉnh, liên quan có dãy núi Kiền Kiền, trong có khe nước, từ xưa đặt tên là khe Kiền Kiền. Sách xưa ghi: “Khe Kiền Kiền: ở huyện Yên Phước, nguồn ra từ núi Ba Tiêu, chảy về phía Đông 5 dặm làm suối Du Lai đổ vào đầm làng Đăng“. (Quốc sử quán Triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, tập 3, NXB Thuận Hóa – 2006, trang 162).
+ Đầm Nại: Xưa gọi là đầm Hương Cựu (bên cạnh làng Hương Cựu, làng Đăng), cũng gọi là Phương Cựu, thông ra biển bằng sông Tri Thủy, xưa gọi là cửa biển Ma Văn.
+ Kể thêm tên Hòn Thiên: Hiện nay là địa chỉ hấp dẫn các nhà nhiếp ảnh nghệ thuật, nằm ven Đầm Nại. Sách xưa ghi: “Phía Bắc núi kề đầm Hương Cựu, gần đấy có núi Bình Thiên [Hòn Thiên], núi Ni Cô, núi Bà Tu [Cà Đú?], núi Dư Khánh, núi Mậu Trường, núi Dốc Liệt“ Trang 154. 
+ Cà Đú: Nay là một địa danh có tiếng trên ngã ba quốc lộ 1A Bắc – Nam đi Ninh Chử, nằm bên núi Cà Đú có độ cao 318m. Cà Đú là gọi trại tiếng Chăm: Chơk Du’, nghĩa là núi có hình giống con vích; quả thật nếu đứng từ Gò Đền nhìn núi, ta thấy như con vích, con rùa đang bò ra phía biển.
+ Thái An: Tên xưa là Lũng Lúa, Bãi Lúa, theo Nguyễn Đình Tư trong Non nước Ninh Thuận thì có 3 sự giải thích. Thứ nhất: “dân chúng ở đây hay làm rẫy và gặt lúa thuê“. Hằng năm cứ đến mùa gặt, họ lên gặt thuê ở các làng dọc quốc lộ 1, “Khi về đến đây thì đã mệt, họ ngồi tụ lại nghỉ chân, chia nhau lúa trước khi về nhà“. Thứ hai: “Trước kia Thái An có thờ một vỏ lúa rất to, vỏ lúa của thời loài người chưa phải trồng trọt khó nhọc, tự lúa mọc ngoài đồng, khi chín thì tự lăn về... y như truyện cổ tích“. Quá mơ hồ. Thứ ba: “Xưa có đoàn ghe bầu của Triều đình chở lúa đi dọc biển, đến vùng này chẳng may bị chìm, viên tải lương bèn ra lệnh vớt lúa đem lên bãi phơi. Khi lúa khô và được thu góp lại, một số bị rớt lại trên bãi và sau một trận mưa, lúa mọc lên xanh cả bãi“.
+ Ninh Chử: Nguyên xưa đặt tên là Ninh Chử là do vùng vịnh biển này đẹp, sóng lặng, yên bình, nghĩa chữ Hán, Ninh: bình yên, thái hòa, Chử: bờ bãi, (lưu ý Chử dấu hỏi ?), như La Chử, Hải Chử, thậm chí cả Minh Chử, được ghi trong Địa bạ Triều Nguyễn 1836.
+ Vũng Tàu: Lại kể ra, nguyên xưa ghe thuyền vào đậu tránh sóng gió, trao đổi, mua bán tại Mỹ Thành, Mỹ Hòa ở phường Đông Hải nên dân gian gọi là Vũng Tàu, cũng như thành phố Vũng Tàu, nguyên xưa cũng thế.
+ Sông Dinh: Sông Cái (Sông Dinh): phát nguồn từ Tô Hạp (Khánh Hòa) chảy qua địa phận Khánh Hòa vào xã Phước Tân huyện Bác Ái tiếp nhận một phụ lưu là sông Ma Lâm, sau đó tiếp nhận thêm các phụ lưu: sông Pha (Krông Pha, sông Ông), sông Ta Mo/Cho Mo, sông Chá tại huyện Ninh Sơn, sau đó chảy vào đồng bằng Phan Rang, cuối sông ra đến biển Đông ở cửa biển phường Đông Hải. Tổng chiều dài 119 km. Sông Cái có nhiều tên gọi khác nhau qua mỗi đoạn sông và qua mỗi thời kỳ lịch sử: sông Mai Lung ở Đắc Nhơn, Sông Dinh. Trong sách Đại Nam nhất thống chí gọi là sông Phan Rang, ngày xưa tên là sông Mai Lang, Mai Nương, Man Rang, nguồn ra tự 2 núi Tham Lý và Tà Trú, chảy qua thôn Thịnh Mỹ, chảy về phía Nam 14 dặm đến xã Đắc Nhân gọi là sông Mai Lung. Càng về biển, sông Dinh tiếp nhận thêm 2 phụ lưu: sông Quao, sông Lu trước khi ra cửa biển Đông Hải.
+ Sông Quao: Phát nguồn từ núi Tà Mú (còn gọi Tà Trú, Tha Thu) từ 2 suối Nung Tá (còn gọi Tà Cai, Trại Thịt) và suối Ya Hac (hay suối Tầm Ru), cuối sông ra đến Sông Dinh với tổng chiều dài 47 km. Sông chảy qua các địa phận có tên sông Lanh Ra, sông Trí, sông Tà Câu, sông Na Lung. Qua khỏi quốc lộ 1A mới gọi là sông Quao. Trong sách Đại Nam nhất thống chí gọi là sông Ma Nê/ Ma Nãi từ trong núi chảy ra.
+ Sông Lu: Còn gọi là sông Biêu/ Viêu. Trong sách Đại Nam nhất thống chí gọi là sông Ma Bố: “Có sông Ma Bố từ thôn Đại Định chảy về phía Đông Bắc 37 dặm đến hợp vào [sông Dinh] lại chảy về phía Nam 3 dặm mà đổ ra cửa biển Phan Rang“
+ Mũi Dinh: Có ngọn Hải đăng xây thời Pháp, thuộc thôn Sơn Hải là thắng cảnh của tỉnh, mũi dinh nôm na là lớn, ca dao xưa người đi ghe bầu dọc biển có câu:
Mũi Nậy bảy bị còn ba,
Mũi Dinh chín bị không tha bị nào.

Nghĩa là mùa gió chướng, ghe bầu đi qua Mũi Nậy (Phú Yên), bảy bị gạo ăn bốn còn ba mới qua được, đến Mũi Dinh thì ăn cả chín bị chưa chắc đã qua được, do sóng, nước ngầm chảy xiết. Địa danh này hơi khó giải, bởi trong sách Đại Nam nhất thống chí xưa ghi là: Diên/ Diên Chủy. “Núi Mũi Diên: Diên Chủy [nay là núi Mũi Dinh trong phần đất thuộc Ninh Thuận], ở phía Đông Nam huyện Tuy Phong [lúc này phần đất Nam sông Ma Bố trở vào sông Duồng tên huyện là Tuy Phong thuộc phủ Ninh Thuận]. Chân núi có 9 khúc hình như các ngón tay, nằm ngang trên bãi biển, chỗ ấy nước biển chia đường, một đường chảy về Bắc, một đường chảy về Nam, chảy rất xiết, thuyền ghe qua đấy phải cẩn thận. Phía Nam có đầm Vũng Diên [vịnh bãi Cà Ná], gặp gió Nam thì thuyền có thể đỗ yên được. Năm Tự Đức 13 liệt vào hành danh sơn, ghi vào điển thờ.“ Trang 153-154. Như vậy nếu chúng ta thống nhất theo mô tả của sách xưa thì Diên = Dinh. Hiện nay tra cứu các tên núi có xuất hiện núi Diên nằm giáp ranh hai tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận. Tây Nam tỉnh Ninh Thuận, có một chi núi thuộc Cao Nguyên Di Linh chạy dài ra biển tới Mũi Dinh nhưng phần lớn các ngọn núi này nằm trên địa bàn Bắc tỉnh Bình Thuận, chỉ một ít nằm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Ngọn cao nhất là núi Hòn Điều (Hòn Diên 1.528m).
+ Núi Chà Bang 432m: Sách xưa gọi hòn Tam Sơn, bởi cả dãy có 3 đỉnh núi nổi bật, còn sách Đại Nam nhất thống chí xưa ghi: “Núi Trà Na: ở phía Đông huyện [Tuy Phong], bên đường có trạm, trong có một đỉnh cao vọt, tả hữu có hai đỉnh như mũi gươm [theo chúng tôi có thể là núi Chà Bang, chùa Trà Cang hiện nay]“. Người Chăm gọi Chơk Chabbang (núi chẻ 2 nhánh), do trên đỉnh chẻ ra 2 nhánh và truyền thuyết Pô Nai yêu Dũng sĩ Kay Kamau kèm theo. Đã có Tam Sơn, trong tỉnh cũng có địa danh núi Thất Sơn (566m) nhưng ở xa, đó là phần núi các xã Phước Trung, Phước Chính huyện Bác Ái và Phước Kháng của huyện Thuận Bắc tạo nên vùng rừng núi rộng lớn.
Chuyện địa danh xưa nay còn quá nhiều điều thú vị, nay xin trình bày vài địa danh nêu trên để mà thêm yêu, thêm mến quê hương.
 Chổ này chắc là UBND tỉnh
 Đây là trường THCS Lê Hồng Phong
 UBND phường Phước Mỹ
 Sân vận động tỉnh “Buổi diểu hành ngày 16 tháng 4″
 Cầu Mống xưa nay vẫn kiêm cường
 Đường Thống Nhất xưa nhìn rất cổ. Các bạn hãy để ý cây me tây kia đi hình như bây giờ vẫn còn thì phải
 Cầu Đạo Long xưa nhìn rất cổ kính và thơ mộng
 Phan Rang từ trên không gian. Ảnh do NASA chụp ngày 08/12/1983 .
 Phan Rang từ trên cao, thực ra là cả tỉnh Ninh Thuận, núi nhiều hơn đồng bằng, trông cũng đẹp chứ nhỉ (?).
 Bờ biển Phan Rang từ trên cao .
 Phan Rang từ trên cao , cầu bắc qua sông dinh là cầu Đạo Long đó (?) . Ảnh này rất đẹp , ta thấy mặt nước của dòng sông Dinh in hình của mây trời , nghệ thật chứ nhỉ !
 Bãi biển Ninh Chữ đẹp , vẻ hoang vu tự nhiên nay không còn
 Đây là một làng chài phía nam tỉnh Ninh Thuận, hình như là Phước Dinh – Sơn Hải thì phải (?), làng chài ven biển này tuyệt đẹp và thanh bình. Con đường đất nối từ thị trấn Phước dân ( An Phước cũ ) về Sơn Hải đã được tu sửa lại; dải đất đồi hai bên đường nay không còn hoang vu , vắng vẻ như trong ảnh mà nó đã được phủ kín bởi bạt ngàn các đồi cây soan ( Neem ) chịu hạn . Dọc bờ biển nay phủ kín các đìa nuôi tôm . Năm 2015 nơi đây sẽ mọc lên nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam đấy! Phía bên trái ảnh là Mũi Dinh có một ngọn hải đăng rất đẹp .

 Một bưu thiếp từ năm 1907 được gởi từ Campuchia , có dấu xoá tem của bưu chính Phan Rang và Ninh Chữ . Không biết cái nhà dây thép Ninh Chữ hồi đó nằm ở đâu nhỉ ?
 Hình này thật quí. Tín phiếu mệnh giá 2 đồng phát hành tại Ninh Thuận (chắc khoảng năm 1945). Ở đây ta thấy có chữ ký của “Đại biểu quân sự Ninh Thuận” và “Đại biểu UBKC – Uỷ Ban Kháng Chiến – kiêm hành chánh Ninh Thuận“. Hai người này là ai, hiện có còn sống không nhỉ (?)… Chỉ biết rằng nó đang được bán đấu giá trên mạng Internet. Chú ý cái dấu đô la “$” hồi ấy đã dùng .
 Tháp chàm POKLONGARAI , tháp nay đã được trùng tu lại.
 Địa danh Ba Tháp ở phía bắc Phan Rang có 3 tháp cổ, qua chiến tranh và thời gian tàn phá nay chỉ còn 2 tháp, đã được chính phủ trùng tu lại nhưng chưa hoàn chỉnh. Bạn có dịp qua Phan Rang thì nhớ ghé thăm để chiêm ngưỡng nền văn hoá kiến trúc cổ, đặc biệt là kiến trúc tháp của người Chăm rất nổi tiếng đấy !
 Một dãy phố Thống Nhất gần chợ Phan Rang ; hiện nay vẫn vậy . Xe xích lô và ba gác ngày càng hiếm . Cây Me tây đằng sau toà nhà đã đổ , bây giờ là khuôn viên trồng hoa . Cái nhà này đẹp chứ nhỉ ?
 Quảng trường trước Chợ Phan Rang mát mẻ nhưng vắng vẻ. Nay khu này mọc lên thêm dãy kioque, sầm uất, đông đúc nhưng nắng vì các cây đa không còn. Trụ đèn kiểu xưa, có chụp đèn phía trên đầu trụ ở giữa quảng trường nay không còn. Chú ý người du hành bằng xe mobilet – thập kỷ 60 – chạy bằng dây cua roa, nay rất quí hiếm.
 Hồi xưa đi chợ bằng xích lô là sang lắm đấy, bà già tôi đi chợ toàn đi bộ.Chú ý có một khách du hành bằng xe Gôben, trông ngồ ngộ
 Góc phố bán đồ kim khí đối diện chợ Phan Rang, một số nhà nay đã được xây mới.
 Góc phố bên trái chợ Phan Rang. Kẻ đứng, người ngồi và đặc biệt là tập quán đội thúng của đồng bào Chăm thì không dễ gì tìm thấy trên thế giới này.
 Góc phố Thống Nhất thị xã Phan Rang Tháp Chàm đoạn gần Cầu Nước Đá 1966
 Đây là phố Tháp Chàm nhưng ở đâu thì tôi không xác định được (?), hình như phố hàng xén trước Chợ Tháp Chàm thì phải (?) . Nếu đúng thì nay đã thay đổi hoàn toàn rồi!
 Đây là hình ảnh một người Chăm (nam) trong y phục dân tộc, hình như ông ấy đang đi chợ Tháp Chàm. Ngày nay rất hiếm thấy đàn ông Chăm ăn mặc y phục dân tộc khi ra phố 
 Hình như đây là chợ Tri Thuỷ thì phải (?). Góc phố chợ bên trái là của người hoa kiều nay vẫn vậy. Nón lá nhiều quá nhỉ, chợ chồm hổm đặc thù quê ta vậy !

 Phố này trước rạp hát Việt Tiến. Rạp thì còn nhưng các dãy nhà liền kề rạp đã được xây mới. Hồi xưa tôi thường hay trốn học đi xem xi nê ở rạp này.
 Hình này hình như trước chợ Phan Rang thì phải? Tôi không xác định được !
 Góc phố này hình như gần CLB bida ( Rạp hát Việt Tiến cũ ) , quá đẹp ! Dãy nhà bên phải nay có sửa đổi đôi chút , hàng cây phượng vĩ không còn nữa , tiếc thật !
 Tại ngã 3 Thống Nhất – Lê Hồng Phong năm 1966
 Góc phố trước chợ Phan Rang , nay là Công ty cổ phần dược phẩm Ninh thuận .
 Đây là đâu? Hình như là đường lên Tháp Chàm ?
 Đàn dê qua công viên Phan Rang, khúc đường này trước Khách Sạn Ninh Thuận ngày nay.Cây đa trước khách sạn Ninh Thuận nay vẫn còn, tán cây rộng mát lắm và quí lắm!
 Xe bò, bình yên chứ nhỉ ! Xa xa là dãy núi giáp thôn Trường Xanh – Đá Trắng đấy. Chú ý rằng xe bò hiện nay ở nông thôn vẫn còn nhưng không còn dùng bánh xe gỗ nữa.
 Đồng muối Ninh Chữ, nay vẫn vậy nhưng tươm tất, sạch sẽ hơn.
 Đồng muối Ninh Thuận , phong cảnh thanh bình chứ nhỉ !
 Hình như đây là con sông Đầm nại (?). Nếu đúng thì bữa nay sạch sẽ và sầm uất hơn, tàu bè nhiều hơn.

 Chùa Thánh ở Phủ Hà, Phan Rang. Chùa này có cái cổng chính bên ngoài rất đẹp (không có trong ảnh ). Chùa này nay vẫn đẹp, chỉ khác ở chỗ có thêm cái quán cà phê bên cạnh không phù hợp lắm !
Chùa Thánh Phủ Hà Phan Rang , ở đây ta thấy có hồ bán nguyệt đặc trưng kiến trúc truyền thống nhà chùa. 
 Nhà thờ Phan Rang 1966, trông đẹp chứ nhỉ, vừa rồi mới được trùng tu lại khang trang hơn. Các cây me tây đằng sau nhà thờ nay vẫn còn.
 Dùng quạt gió bơm nước biển vào ruộng muối, giỏi thật, rất phù hợp với chủ trương bảo vệ môi trường hiện nay.


 Loại đầu máy xe lửa chạy than này được sản xuất tại Thuỵ Sĩ và Pháp năm 1913 , đưa sang Việt Nam năm 1920 bây giờ không còn nữa. Năm 1976 Thuỹ Sĩ đã mua lại 4 đầu, khôi phục được 3 đầu, hiện nay họ vẫn khai thác phục vụ du lịch. Cũng xin thông tin thêm rằng Tỉnh Ninh Thuận đã có chủ trương xin chính phủ xây dựng lại tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt .






 Một đoạn đường sắt vượt đèo Sông Pha (Krông Pha) tuyến Tháp Chàm – Đà Lạt. Chú ý có thêm đường ray răng cưa ở giữa để tàu có thể vượt đèo. Vừa rồi (khoảng bán niên đầu 2004 thì phải), cái cầu xe lửa ở Đơn Dương đã bị dỡ đi, nhiều người dân đã khóc, tôi cũng buồn…! ( Báo Tuổi Trẻ ) .
 Ga Tháp Chàm dưới chân tháp cổ
 Đầu máy xe lửa được chở về lại Thuỵ Sĩ , chú ý tấm băng rôn có ghi
“ Back to Switzerland” và cờ Thụy Sĩ .
 Cầu đường xe lửa qua sông Cái ở đầu thị trấn Sông Pha; nay vẫn còn đó .
 Ga Tháp Chàm cũ và mới
 Trường Duy Tân Phan Rang, nay vẫn vậy, vẫn cái cổng năm xưa, duy chỉ những cây phượng đỏ hai bên đường trước trường nay không còn nữa. Bạn có nhớ… ngày xưa có cái bến xe ngựa chở học sinh ở góc đầu duới của trường không (?), nay không còn vì học sinh bây giờ đi bằng xe máy (hoặc xe đạp) cả. Cái hình ảnh học sinh đi học bằng xe ngựa in mãi trong tâm trí tôi, bây giờ khó mà tìm lại những hình ảnh đó.
 Sân trường Duy Tân nay được lát xi măng sạch sẽ hơn, cái phòng thí nghiệm của trường ở cuối dãy lớp đầu trên trong ảnh nay không còn; nó đã được xây dựng mới.
 Trường Nam nay vẫn vậy, vẫn đẹp. Đây là ngôi trường truyền thống của cả tỉnh, ngày xưa ai mà học ở trường này thì tự hào lắm đấy.
 Cái cây đa trong sân Trường Nam vẫn còn đó. Ngôi trường có sân chơi, có cây đa thì tuyệt nhỉ! Bạn có bao giờ ngồi một mình buổi chiều trong sân trường để nghe tiếng lá rơi, tiếng sào sạc của lá, nhìn lại lớp học với bàn ghế dọc ngang và bảng đen đầy chữ nguệch ngoạc của học trò chưa? 
 Trường xây theo kiểu xưa thật là đẹp, tường dày, 2 lớp cửa, trần cao học mát lắm!
 Cổng Chợ Phan-Rang ngày xưa. Trước 1975 cho đến khoảng năm 1996, quốc lộ 1 đi qua trước cổng chợ. Vui nhất là những dịp chuẩn bị đón Tết. Các hàng, quán bày biện ra ven đường, người người tấp nập chen chân sắm tết. Thích nhất là được Mạ chở đi sắm Tết vào những ngày này.
 Cầu Mống ngày xưa được xây dựng vừa sử dụng cho hỏa-xa vừa có đường cho phương tiện giao-thông lưu thông qua lại. Cứ mỗi lần chờ tàu đến là phải chờ trên 15 phút, sau đó lại tiếp tục chờ chen nhau qua cầu vì cầu chỉ đủ một làn xe ô-tô qua lại.

Sân Vân động Phan Rang ngày xưa là nơi diễn ra các hoạt động quan trọng của Ninh Thuận. Ảnh trên là một cuộc diễu binh trước năm 1970. 
 Cổng vào sân bay Bửu Sơn (Thành Sơn) ngày xưa. Đây là căn cứ không quân phòng thủ Sài-Gòn từ xa của Quân-lực VNCH.
 Nhà thờ Phan Rang trước 1975. Lúc này chánh xứ là Cha Giu-se Đinh Tường Huấn, Cha quản xứ đến khoảng năm 1996 thì qua đời và Cha được chôn cất ngay sau nhà thờ Phan Rang.


 Con đường trước Rạp Việt-Tiến. Đây là một rạp chiếu phim tư nhân. Sau 1975 rạp hoạt động cầm chừng, đến khoảng năm 1990 thì ngưng hoạt động vì thua lỗ, hiện nay cho thuê mướn hội trường tổ chức tiệc, hội nghị (Do Cty Chiếu bóng Ninh Thuận quản lý)



 Con phố trước rạp Việt-Tiến, các ngôi ngà ngày xưa giờ vẫn còn nhưng những cây phương gần như đã vắng bóng.




Du Lịch Độc Thân

Nhiều người xem

 
Top