Mỗi đứa trẻ một hoàn cảnh, một cảnh đời không giống nhau, kể cả cơ duyên để gặp cô Thích Nữ Minh Viên, trụ trì chùa Pháp Lạc cũng khác nhau. Nhưng có một điểm chung là chúng còn quá non nớt mà đã bị cha mẹ bỏ  bơ vơ giữa dòng đời như con chim non côi cút bị đẩy vào bão giông rồi nhờ tình yêu thương đã giúp chúng cùng hội ngộ tại chùa


          Cùng trong năm tái lập tỉnh 1997, ni cô Thích Nữ Minh Viên đã về trụ trì chùa Pháp 

Lạc tại thôn Tân Phú, xã Bù Nho, huyện Bù Gia Mập. Chùa nằm khuất trong con hẻm nhỏ, xa đường lộ, vừa nhỏ vừa sơ sài nên rất ít người ít đến. Lúc đầu, chùa chỉ là một căn nhà bằng ván ghép, nhiều đêm, kê ván ngủ mà sư cô cứ thấp thỏm sợ rắn, rết, bò cạp bò vào nhà. Trong lòng cô cũng chỉ vì ấp ủ hy vọng sẽ tìm những điều kiện có thể để giúp đỡ những trẻ lang thang cơ nhỡ nên lại ráng chịu đựng. Và mười năm sau, ước mơ đó đã thành sự thật nhờ vào sự hậu thuẫn của người chị gái.
          Đứa trẻ đầu tiên mà cô Minh Viên nhận về nuôi là từ một chuyến đi từ thiện giúp đồng bào gặp bão lụt tại Hòa Vang - Thừa Thiên Huế, năm 2008. Biết hoàn cảnh của bé thật đáng thương: mẹ tâm thần, ba bỏ rơi, sư cô đã đến UBND xã Hòa Sơn ( huyện Hòa Vang) xin nhận về nuôi. Cô kể: “Hôm đầu tiên gặp bé, khi dẫn đi ăn, vì đã bị bỏ đói rất lâu nên bé ăn ngấu nghiến, nhìn mà thấy thương muốn trào nước mắt.” Giờ thì bé đã học lớp 2 trường Tiểu học Long Phú, đóng gần chùa. Trường hợp thứ hai là một bé trai lang thang trên bãi biển Long Hải (Vũng Tàu). Sau này tìm hiểu cô mới biết bé chính là người từ thị xã Đồng Xoài bị mẹ đưa xuống bỏ rơi ở đấy. Rồi qua từng năm đi làm từ thiện, khi thì Bình Định, khi ra mãi tận Thanh Hóa, sư cô đã đưa từng bé về nuôi, nhỏ thì vài tháng tuổi, lớn nhất thì 10 tuổi. Hiện trong chùa đã nuôi 13 bé, từ hơn một tuổi đến 12 tuổi. Mỗi đứa được cô đặt cho một cái tên với biết bao nhiêu gửi gắm ý nghĩa như: An Hòa, An Tâm, Đức Nhân, Đức Hiếu, Đức An… Kể từ khi về đây, chúng luôn được cô dạy giáo lý nhà phật để sống như cái tên của mình, của bạn, biết sống nhân hậu, vị tha. Bé Đức An đang học lớp 4 trường tiểu học Long Phú cho biết: “Cháu ở đây rất vui, được học, được chơi với các bạn, các em cháu rất thích”. Cũng nhờ sự dạy bảo chu đáo của sư cô Minh Viên mà tất cả các bé đều rất ngoan ngoãn, đáng yêu. Mỗi cháu một cảnh đời nhưng đều biết nhường nhịn, chia sẻ cho nhau. Đứa lớn biết chăm em, quét chùa; đứa nhỏ biết vâng lời, tự chơi. Một bà mẹ nuôi một đứa con đã thấy vất vả, mình sư cô nuôi mười mấy đứa trẻ sẽ đối mặt với biết bao khó khăn, gian truân… Vì vậy, nhiều người biết đến đều không khỏi khâm phục tấm lòng sư cô.
Những đứa trẻ trước khi đến đây đều đã bị đưa đẩy, dập vùi ngoài đời nên các cháu luôn mang tâm lý né tránh, đề phòng như “chim bị bắn hụt sợ cành cong”. Đơn cử như bé Đức Hiếu, về đến chùa đã bị stress cả tháng, cứ thấy người lạ tới là co dúm lại, chỉ im lặng co ro trong bóng tối. Nhưng bằng sự yêu thương, sẻ chia, đùm bọc, sư cô đã tạo niềm tin, sự vui tươi cho Hiếu. Giờ thì bé rất hoạt bát, hiếu động, đặc biệt, có trí nhớ rất tốt.  
          Chùa Pháp Lạc vẫn còn ít người biết đến nên chỉ có vài phật tử thân thích đến phụ giúp cô việc chùa và chăm sóc trẻ, còn hầu hết mọi việc, một tay sư cô gánh vác. Có lần, tới 4 đứa bị bệnh một lúc, cô cho biết: “Xoay hết đứa này lại sang đứa kia, mệt muốn đứt hơi. Đến các bác sỹ, y tá mà còn thấy thương và ái ngại cho mình. Tuy vậy, tâm phát đã phát nguyện thì phải ráng, mệt lắm nhưng cũng thấy vui trong lòng”.
Tuy vất vả nhưng không vì thế mà cô muốn rời xa các bé. Đã có nhiều người tới xin cô không đồng ý. Theo cô, mình đã gắn bó với các cháu rồi thì thấy thương lắm. Một phần không nỡ rời xa, một phần cô sợ, cuộc đời bé đã khổ vì mồ côi, nếu không may các bé lại rơi vào cảnh không được chăm sóc tử tế thì bé sẽ thêm phần bất hạnh, đáng thương. Nhưng nếu cha mẹ, gia đình các bé nhận con cháu về nuôi thì cô sẽ sẵn sàng để bé về đoàn tụ với gia đình. Sư cô tâm sự: “Mình chỉ mong các cháu có được đầy đủ cơm ăn, áo mặc, được đến trường và sẽ cố gắng tạo cơ hội cho các cháu có một tương lai tốt đẹp hơn”. Chúng tôi cũng thấy lòng ấm áp khi nghe các bé ngồi quây quần bên sư cô, cùng hát vang, trong đó có những câu ca thể hiện chính tấm lòng bé muốn nói: “Con ráng tâm học hành để đáp đền mẹ yêu” hay “Biết thương nhau, cảm thông nhau, đời như thế mới thật là vui”
Được chăm sóc, được yêu thương như thế, với các bé chùa Pháp Lạc, đó là hạnh phúc quý giá biết bao. Với những số phận không may mắn, thiếu vắng tình cảm gia đình, các bé đã được sư cô Minh Viên bù đắp bằng tất cả tình yêu thương vô bờ bến. Các bé như được sống trong một đại gia đình luôn đầy ắp sự sẻ chia và niềm vui của tấm lòng vị tha.

Ảnh: 
                                       Bé hát những lời yêu thương gửi gắm tình yêu thương dành cho sư cô
Tình yêu thương đã giúp các trẻ mồ côi có một mái ấm 


Du Lịch Độc Thân

Nhiều người xem

 
Top