Khu di tích lịch sử Tân Trào - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nằm trên địa bàn các xã: Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện (huyện Sơn Dương); Kim Quan, Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh, Đạo Viện, Công Đa, Phú Thịnh (huyện Yên Sơn). Đây cũng là địa bàn giáp gianh giữa hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn.
Tổng diện tích tự nhiên của toàn khu là 561,1km
2, với 18 di tích và cụm di tích tiêu biểu, đã được xếp hạng di tích quốc gia:

Cụm di tích Nà Lừa gồm: 
Lán Nà Lừa là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945, để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/03/1945), cuộc khởi nghĩa ngày 10 /3/1945 tại Thanh La giành thắng lợi, Châu Tự Do được thành lập gồm các xã vùng thượng huyện Sơn Dương, có đủ điều kiện để Bác Hồ chọn làm nơi ở và làm việc, chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám.
Ngày 4/5/1945, Bác Hồ bắt đầu cuộc hành trình từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) theo con đường Nam tiến mà Bác đã vạch ra cho đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày trước. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đang công tác tại phía nam căn cứ địa được tin, lên đón Người ở Chợ Đồn (Bắc Kạn). Người yêu cầu “Cần phải chọn ngay trong vùng Tuyên Quang hoặc Thái Nguyên một địa điểm có dân tốt, địa hình tốt làm trung tâm liên lạc giữa miền xuôi, miền ngược, ra nước ngoài, làm nơi ở và làm việc”.
Nhận chỉ thị, đồng chí Võ Nguyên Giáp trở về Kim Quan Thượng  (thuộc huyện Yên Sơn, cách Tân Trào 10km) bàn với đồng chí Song Hào, quyết định chọn Tân Trào, Sơn Dương, làm nơi đặt đại bản doanh của đồng chí Hồ Chí Minh .
Trải qua 18 ngày đêm xuyên rừng vượt suối, ngày 21/5/1945 Bác đến Tân Trào, nơi dừng chân đầu tiên của Bác là đình Hồng Thái, sau đó Bác vào làng Tân Lập ở và làm việc tại gia đình ông Nguyễn Tiến Sự (chủ nhiệm Việt Minh làng Kim Long). Hai nhân viên điện đài theo Bác suốt hành trình bố trí vô tuyến điện dưới các tán cây trong vườn nhà ông Sự, giữ liên lạc với quân Đồng Minh.
Ít ngày sau, để đảm bảo bí mật và tiện làm việc, Bác bàn với các đồng chí cán bộ địa phương dẫn Bác đi chọn địa điểm để ở và làm việc. Qua vài địa điểm, đến nơi căn lán bây giờ Bác đồng ý dựng lán.
Nà Lừa là một căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Lừa, cách làng Tân Lập  500m về phía đông, được dựng theo kiểu nhà sàn của người miền núi, dưới các tán cây rậm rạp đảm bảo bí mật cũng như đáp ứng được yêu cầu của Bác đề ra: “Gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”. Lán có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian bên ngoài là nơi Bác làm việc và tiếp khách.
 Theo chỉ đạo của Bác và Tổng bộ Việt Minh, ngày 4/6/1945, Hội nghị cán bộ toàn Khu được tổ chức tại Tân Trào. Hội nghị đã quyết định thành lập Khu giải phóng; thống nhất các lực lượng vũ trang thành quân giải phóng; đề ra 10 chính sách lớn của Việt Minh. Tân Trào là Thủ đô lâm thời Khu giải phóng.
Một trong những chỉ thị của Bác khi đến Tân Trào là phải khẩn trương mở trường đào tạo cán bộ. Sau đó, ngày 25/6/1945, Trường Quân chính kháng Nhật khoá I khai giảng tại Khuổi Kịch, Tân Trào. Bác đến Trường thăm hỏi tình hình học tập và sinh hoạt của học viên.
Khi ở lán Nà Lừa, điều kiện làm việc của Bác hết sức gian khổ và khó khăn, những bữa ăn đạm bạc, chỉ có măng rừng chấm muối vừng, cơm chan nước chè xanh. Trước hoàn cảnh sống và làm việc như vậy, cộng với sự khắc nghiệt của núi rừng, sức khoẻ của Bác giảm sút. Cuối tháng 7/1945, giữa lúc tình hình trong nước cũng như thế giới đang tiến triển có lợi cho cách mạng, Bác ốm. Bác sốt liên miên, lúc tỉnh lúc mê, mọi người rất lo lắng, có người vào rừng tìm lá thuốc về sắc nước cho Bác, có người ra sông Phó Đáy bắt được con ba ba đem về cắt tiết nhỏ vào rượu cho Bác uống và cầu mong Bác mau khỏi bệnh.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp, lúc đó đang ở và làm việc tại gia đình ông Hoàng Trung Dân dưới làng Tân Lập, hàng ngày lên lán Nà Lừa báo cáo tình hình công việc với Bác. Một hôm, lên báo cáo công việc, thấy Bác rất yếu, đồng chí xin phép ở lại với Bác. Đêm ấy, tỉnh lại sau cơn sốt, Bác nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng cương quyết giành cho được độc lập”. Lúc khác Bác lại dặn: “ Lúc nào cũng phải chú trọng xây dựng chi bộ, bồi dưỡng cán bộ đảng viên và các phần tử trung kiên, trong chiến tranh du kích lúc phong trào lên ta phải hết sức phát triển, vừa phát triển vừa chú ý xây dựng căn cứ cho thật vững chắc đề phòng lúc khó khăn mới có chỗ đứng chân được”. Những lời dặn dò, khẳng định quyết tâm và tấm lòng khát khao giành độc lập của Bác.
Hôm sau, đồng chí Võ Nguyên Giáp cử người báo cáo tình hình sức khoẻ của Bác với Trung ương và tìm người chữa bệnh. Nhờ sự mách bảo của nhân dân, có một cụ lang già đến chữa bệnh cho Bác. Sau khi xem mạch, cụ lang  vào rừng và đem về một thứ củ gì đó, đốt cháy, hoà vào cháo loãng mời Bác uống. Sau một vài lần như vậy, Bác đỡ dần và tiếp tục làm việc ngay.
Cao trào kháng Nhật đang phát triển rất mạnh, cuộc chiến tranh Châu Á - Thái Bình Dương sắp kết thúc. Bác chỉ thị tổ chức gấp Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội. Người nói với Thường vụ Trung ương: “Nên họp ngay và không nên kéo dài Hội nghị, chúng ta phải tranh thủ từng giây phút. Tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng, không thể để lỡ cơ hội”.
Ngày 13/8/1945, tại khu rừng Nà Lừa Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng khai mạc trong không khí hết sức khẩn trương. Hội nghị quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Uỷ ban khởi nghĩa được thành lập, 23h ngày 13/8/1945, ra bản quân lệnh số I, hạ lệnh toàn dân đứng dậy giành chính quyền.
Ngày 15/8/1945, sau khi được tin Nhật chính thức đầu hàng quân Đồng Minh vô điều kiện, Bác Hồ đã đề nghị Hội nghị nên kết thúc sớm để đại biểu còn kịp về các địa phương lãnh đạo khởi nghĩa. Ngày 16 và 17/8, Bác dự Quốc dân Đại hội tại đình Tân Trào, được Đại hội bầu làm Chủ tịch Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam.
Ngày 22/8, Bác Hồ rời căn lán Nà Lừa về Hà Nội theo đường Đèo Khế, Cù Vân (Thái Nguyên). Bác cử một số đồng chí ở lại Tân Trào, trong đó có đồng chí Phạm Văn Đồng, Lê Giản, Hoàng Văn Thái, Trần Thị Minh Châu...
So với cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, ba tháng Người sống và làm việc tại Tân Trào là một khoảng thời gian rất ngắn. Nhưng chính từ căn lán đơn sơ trên khu rừng Nà Lừa, với  những nhận định đúng đắn, những quyết sách kịp thời, táo bạo về thời cơ cách mạng, Bác Hồ đã chỉ đường cho toàn dân vươn tới một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử vĩ đại. Từ bước ngoặt đó, dân tộc Việt Nam đã chấm dứt những ngày tháng nô lệ, bước sang kỷ nguyên độc lập, tự do.

Lán Cảnh vệ
                                                                                             Di tích Lán Cảnh vệ

Để đảm bảo an toàn cho Bác, các đồng chí cảnh vệ dựng một căn lán nhỏ để ở và làm việc ngay chân rừng Nà Lừa, cách lán Bác khoảng 20m về phía đông, án ngữ con đường mòn từ làng Tân Lập vào, từ Thái Nguyên sang. Đồng thời đặt nhiều trạm gác bí mật xung quanh khu vực Bác làm việc.
Lực lượng cảnh vệ  bảo vệ Bác và  các cơ quan Trung ương được biên chế thành các tiểu đội, đóng trong làng Tân Lập, tiểu đội cận vệ đặc biệt đóng tại khu rừng Nà Lừa làm nhiệm vụ bảo vệ Bác và Trung ương Đảng. Tiểu đội có 8 người do đồng chí Phạm Văn Quý làm tiểu đội trưởng, các đội viên gồm : Kim Anh, Văn Lâm, Giang Lâm, Nông Ngọc Tuấn, Đinh Đại Toàn... có nhiệm vụ kiểm soát tình hình an ninh trong khu vực, theo dõi người lạ mặt, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho Bác và Trung ương Đảng, đưa đón, dẫn đường cho các đại biểu về dự  Hội nghị cán bộ toàn Quốc của Đảng, Quốc dân Đại hội Tân Trào....
Trong những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, bảo vệ an toàn Khu căn cứ địa Tân Trào là việc đặc biệt quan trọng. Thời gian ở và làm việc tại đây, các đồng chí cảnh vệ vượt lên mọi khó khăn gian khổ, với tài, trí và lòng dũng cảm, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Nơi đây, đã chứng kiến sự trưởng thành và phát triển của lực lượng cảnh vệ.

Lán Điện đài
                                                                                            Di tích Lán điện đài

Cuối năm 1944, khi bay trên bầu trời biên giới Việt - Trung, do máy bay bị hỏng, viên trung uý phi công Mỹ có tên là Sao (Shaw) nhảy dù xuống Cao Bằng, được lực lượng Việt Minh cứu thoát. Bác Hồ nhận thấy đây là điều kiện tốt để tiếp xúc với quân Đồng Minh. Tháng 2/1945, Người lên đường đi Côn Minh (Trung Quốc) để trao trả trung uý Sao và gặp chỉ huy của quân Đồng Minh.
Ngày 29/3/1945, Bác hội đàm với tướng Sê Nôn Tư lệnh không đoàn 14 của Mỹ ở Hoa Nam, Trung Quốc, Người yêu cầu quân Đồng Minh công nhận Mặt trận Việt Minh là đại diện chính thức của tổ chức ủng hộ quân Đồng Minh chống phát-xít. Người cũng mong muốn quân Đồng Minh giúp Việt Minh về vũ khí, phương tiện kỹ thậut và huấn luyện quân sự.   
Ngay sau đó Sáclơphen đã cử người hợp tác với Mặt trận Việt Minh giúp đào tạo và sử dụng vô tuyến điện. Khi Bác về nước hai nhân viên điện đài là Mác Xim và Phăng Tan cũng về theo Bác.
Trong thời gian ở và làm việc tại khu rừng Nà Lừa, Phăng Tan là người chỉ huy, Mác Xim là người giúp việc. Cùng làm việc với hai người lính Đồng Minh còn có các đồng chí Kim Hùng, Lưu Minh Đức, Đoàn Hồng Sơn, Phạm Việt Bắc, Phạm  Văn Quý...
Lán Điện đài là nơi thông tin liên lạc giữa Mặt trận Việt Minh và quân Đồng Minh (tại Côn Minh - Trung Quốc). Sự có mặt của  những người bạn Đồng Minh tại Tân Trào đã tạo điều kiện thuận lợi cho ta nắm bắt những thông tin quan trọng về tình hình thế giới. Di tích thể hiện đối ngoại tài tình của Bác Hồ, Trung ương Đảng trong việc tranh thủ sự giúp đỡ của quân Đồng Minh tiến hành khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Lán Đồng Minh
                                                                                                Di tích land Đồng minh

Tháng 2/1945,  Hồ Chí Minh rời Cao Bằng tới Côn Minh (Trung Quốc) với một sứ mệnh đặc biệt quan trọng: vận động để Việt Minh vào phe Đồng Minh chống chủ nghĩa phát-xít.
Côn Minh là một trong những căn cứ quan trọng của lực lượng Đồng Minh trên đất Trung Quốc. Tại đây, chiều ngày 17/3/1945, Hồ Chí Minh gặp Sáclơphen, Trung uý Mỹ trong OSS, là người trực tiếp điều khiển nhóm tình báo Đồng Minh đang hoạt động trên đất Việt Nam lúc đó. Sau cuộc tiếp xúc này hai bên đã thoả thuận.
Phía Việt Minh: đảm bảo địa bàn cho quân Đồng Minh hoạt động, cung cấp thông tin về hệ thống phòng không, việc chuyển quân của quân Nhật trên  đất Việt Nam, những thông tin về khí tượng.
Phía Đồng Minh: cung cấp vũ khí đạn dược hạng nhẹ, thuốc men và huấn luyện quân sự, đào tạo nhân viên điện đài cho Việt Minh.
Đầu tháng 4/1945, Hồ Chí Minh về nước chuẩn bị địa bàn tiếp nhận quân Đồng Minh. Ngày 30/06/1945, qua hệ thống điện đài Người đã trả lời Party (đại diện tình báo Mỹ ở Côn Minh - Trung Quốc) đồng ý cho một nhóm quân Đồng Minh nhảy dù xuống Tân Trào. Theo thoả thuận, ngày 16/07/1945, một nhóm quân Đồng Minh mang mật danh “Con nai” gồm 5 người do thiếu tá Thô Mát chỉ huy đã nhảy dù xuống Tân Trào. Các đồng chí cảnh vệ dựng một căn lán nhỏ cách lán Bác khoảng 60m về phía suối cho những người lính Đồng Minh ở và làm việc.
Cuối tháng 7/1945, đội “Con nai” được bổ sung thêm 4 người, ngoài nhiệm vụ của họ, đội "Con nai" đã cung cấp cho Việt Minh một số vũ khí, trực tiếp huấn luyện cho các chiến sĩ quân giải phóng sử dụng súng cối, cacbin, tiểu liên, lựu đạn; huấn luyện quân sự cho đại đội Việt- Mỹ.
Ngày 7/08/1945 đội “Con nai” cùng đại đội Việt - Mỹ di chuyển đến Khuổi Kịch (Tân Trào) để huấn luyện.
Lán Đồng Minh tại khu rừng Nà Lừa trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đã ghi dấu sự hợp tác giữa Mặt trận Việt Minh và Đồng Minh. Với chính sách đối ngoại đa phương, tận dụng mọi sự ủng hộ, giúp đỡ của các lực lượng, đây thực sự là sách lược mềm dẻo, linh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lán họp Hội nghị cán bộ

Theo đề nghị của đồng chí Hồ Chí Minh, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng được tổ chức tại khu rừng Nà Lừa, từ ngày 13 đến 15/8/1945. Tham dự hội nghị có hơn 30 đại biểu, gồm các đồng chí: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng, Vũ Anh, Nguyễn Chí Thanh, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Hà Huy Giáp, Lê Giản , Chu Văn Tấn, Lê Thanh Nghị, Hoàng Văn Hoan, Song Hào, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Hữu Nam, Trần Huy Liệu, Trần Đăng Ninh, Vũ Oanh và một số đồng chí khác.
Sau khi phân tích điều kiện chủ quan và khách quan để một cuộc khởi nghĩa nổ ra thắng lợi, Hội nghị quyết định phải kịp thời phát động và lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát-xít Nhật và bè lũ tay sai, trước khi quân Anh, Tưởng kéo vào Việt Nam. Để đảm bảo lãnh đạo tổng khởi nghĩa thắng lợi, Hội nghị đề ra 3 nguyên tắc:
1.Tập trung: tập trung lực lượng vào những việc chính.
2.Thống nhất: thống nhất mọi phương diện, chính trị, hoạt động chỉ huy
3. Kịp thời: kịp thời hành động không bỏ lỡ thời cơ.
Hội nghị nhận định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới”, quyết định mục đích của cuộc chiến đấu là giành độc lập hoàn toàn cho đất nước, thành lập chính quyền nhân dân, thi hành 10 chính sách của Việt Minh, định chính sách với Đồng Minh, định ra nhiệm vụ quân sự cần thiết, những nguyên tắc của kế hoạch tác chiến. Đặt quốc ca và định quốc hiệu cho quốc gia Việt Nam. Trong Hội nghị này các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Võ Nguyên Giáp…được bầu bổ sung vào Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Hội nghị đã thành lập Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc gồm 5 đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Lê Thanh Nghị, Chu Văn Tấn, Trần Đăng Ninh do đồng chí Trường Chinh Tổng Bí thư trực tiếp phụ trách. 23giờ ngày 13/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa ra bản quân lệnh số I, hạ lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.
Ngày 15/8/1945, sau khi nhận được tin Nhật chính thức tuyên bố đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện, đồng chí Hồ Chí Minh đề nghị Hội nghị mau chóng kết thúc để các đại biểu trở về địa phương. Hội nghị toàn quốc của Đảng kết thúc cũng là lúc cả nước sôi nổi, khẩn trương bước vào cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Di tích cây đa Tân Trào: 
chiều ngày 16/8/1945, tại địa điểm này, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Uỷ ban Khởi nghĩa Toàn quốc đọc Bản Quân lệnh số 1 và hạ lệnh xuất quân tiến về Hà Nội.
Di tích đình Tân Trào: đình Tân Trào là nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội (ngày 16 và 17/8/1945) - đại hội được ví như Hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử nước ta.
Di tích đình Hồng Thái: đình Hồng Thái là địa điểm dừng chân đầu tiên của Bác Hồ khi từ Pắc Bó về Tân Trào (ngày21/5/1945). Địa điểm này cũng là trụ sở của Ban Bảo vệ An toàn khu, của bộ phận tiếp tế và là nơi đón tiếp đại biểu về dự các hội nghị của Đảng.
Cụm di tích trụ sở Phân khu Nguyễn Huệ: tháng 3 năm 1945, Khu uỷ Phân khu Nguyễn Huệ được chuyển về thôn Ao Búc, xã Trung Yên. Tại đây, Khu ủy đã quyết định thành lập chính quyền cách mạng (ngày 10/3/1945) và thành lập Uỷ ban Lâm thời Châu Tự Do - chính quyền cách mạng đầu tiên trong cả nước (ngày 16/3/1945).
Cụm di tích Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ: là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ đã bàn bạc và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước trong thời kỳ này, trên các lĩnh vực nội chính, kinh tế, tài chính, văn hoá - xã hội...
Di tích Ban Tổ chức Trung ương: Ban Đảng Vụ cùng Trung ương Đảng (sau này đổi tên thành Ban Tổ chức Trung ương) đã ở và làm việc tại đây vào cuối năm 1949 và từ tháng 4 năm 1951 đến cuối năm 1953.
Di tích Ban Nông vận Trung ương: tháng 5 năm 1952, Ban Nông vận Trung ương chuyển đến ở và làm việc tại khu Ao Rừm, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương.
Di tích Ban Tuyên huấn Trung ương: Ban Tuyên truyền của Đảng (sau này đổi tên thành Ban Tuyên huấn Trung ương) đã từng ở và làm việc trên một quả đồi tại thôn Thia.
Di tích Việt Nam Thông tấn xã: trong hơn hai năm (kể từ năm 1952), Việt Nam Thông tấn xã đã đóng tại thôn Hoàng Lâu, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương để tuyên truyền, khích lệ nhân dân diệt giặc đói, giặc dốt và thông tin liên lạc phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Di tích Bộ Nội vụ: năm 1948, Bộ Nội vụ chuyển đến ở và làm việc tại thôn Yên Thượng, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương và đã chỉ đạo công tác bảo vệ an toàn cho Trung ương Đảng, Bác Hồ và Chính phủ.
Di tích hầm và lán an toàn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng: đồng chí Tôn Đức Thắng đã ở và làm việc tại thôn Chi Liền, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương từ cuối năm 1952 đến tháng 7 năm 1954. Trong thời gian này, đồng chí đã chủ trì Hội nghị Liên tịch giữa Ban Thường trực Quốc hội với Ủy ban Liên Việt (tháng 02 năm 1953), Hội nghị Toàn quốc của Ủy ban Liên Việt (tháng 11 năm 1953), Kỳ họp lần thứ ba của Quốc hội Khóa I (từ ngày 01 đến ngày 04 tháng 12 năm 1953) và nhiều cuộc họp quan trọng khác...
Di tích Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: từ giữa năm 1952 đến tháng 8 năm 1954, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ở và làm việc tại thôn Cầu, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương.
Di tích Bộ Ngoại giao: một thời gian ngắn đầu năm 1947, Bộ Ngoại giao chuyển đến ở và làm việc tại làng Hản, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn. Sau đó, Bộ chuyển về xóm Dõn, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương.
Di tích Nha Công an: tháng 4 năm 1947, Nha Công an Trung ương chuyển từ Phú Thọ đến “Nhà ông cả Nhã”, thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh. Đây là nơi đóng quân đâu tiên và trong thời gian dài nhất của Nha Công an Trung ương trong kháng chiến chống Pháp.
Di tích Nha Thông tin: Nha Thông tin được đặt tại thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương năm 1951. Tại đây, những bản tin, bài thơ, bài hát cách mạng... đã được đăng tải trên đài phát thanh, phản ánh trung thực đời sống tinh thần, tình hình chiến sự của đất nước và tuyên truyền đường lối kháng chiến của Đảng, Chính phủ đến nhân dân.
Di tích Bộ Tư pháp: từ cuối năm 1949 đến tháng 9 năm 1950, Bộ Tư pháp đã ở và làm việc tại thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương.
Cụm di tích Kim Quan, thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn bao gồm: di tích lán ở, làm việc và hầm an toàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; di tích hầm an toàn của Chính phủ; di tích hầm an toàn của Trung ương Đảng; di tích Văn phòng Trung ương.
Ngoài ra, trong khu vực di tích hiện nay còn là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc, nơi lưu giữ nhiều hiện vật liên quan đến quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp...
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc biệt của khu di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử Tân Trào (huyện Sơn Dương và huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) là di tích quốc gia đặc biệt(Quyết định số 548/QĐ-TTg, ngày 10/5/2012).

Du Lịch Độc Thân

Nhiều người xem

 
Top