Ðộng Tiên trên lưng núi đá Chân Quỳ là thắng cảnh mê hồn nhất trong quần thể hang động vùng ba núi châu đầu - Chân Quỳ, Bạch Mã, núi Tọa, nay thuộc xã Yên Phú, huyện Hàm Yên. Danh thắng Việt Nam này chỉ cách thị xã Tuyên Quang gần 60 km.
Chuyện kể rằng xa xưa lắm, mặt trăng ở rất gần trái đất nên trăng tròn vằng vặc làm ngời gương mặt trẻ già. Bỗng đâu một mảnh trăng vỡ rơi vào bầu trời làm ánh trăng nhòa nhạt. Có chàng trai tuấn tú, sức lực phi thường gánh đá ngược sông lên vá lại mặt trăng.
Trăng lại ngời ánh bạc. Chàng trai một lần gánh đá ngồi nghỉ lấy sức, bỏ lại một hòn đá, thành ra núi Tọa. Lần kia đòn gánh gãy, chàng khuỵu chân lấy thăng bằng, một hòn đá văng ra, thành núi Chân Quỳ.
Những nhũ đá đa dạng hình dáng
Một lần tắm suối, bất chợt một nàng tiên ruổi ngựa qua, chàng cất tiếng gọi, nhờ giúp một tay gánh đá vá trăng. Hai người một ngựa, sọt đá sau yên, thúc ngựa bay lên. Ngựa hí rền ba tiếng, nhún mình, đâu ngờ đá nặng, bốn vó lún chìm bờ suối. Người, ngựa hóa đá tức thì thành hòn Bạch Mã.
Con đường uốn lượn mấy trăm bậc men theo vách núi, bóng mát cây xòe tán lá, dẫn khách lên cao mãi để thình lình bắt gặp một cửa hang thật rộng với luồng hơi mát lạnh như phả ra từ thời sơ sử. Một bên là khoảng trời đất bao la, núi biếc điểm những bông hoa chuối đỏ, cánh đồng xanh trải dài thung lũng, và làng mạc mái ngói ẩn trong vườn tược... ùa vào tầm mắt.
Những nhũ đá đa dạng hình dáng
Ðộng Tiên như tòa lâu đài thiên nhiên tác tạo trong lòng núi, theo kiến trúc phương Ðông, với tiền sảnh, trung đường, hậu tẩm, chỗ độc đáo là giật cấp đi sâu xuống mãi. Tiền sảnh vách hang dát bằng thạch nhũ óng ả, với những khối chắc khỏe như những cây cột nửa lộ nửa chìm, với những vách ngăn hờ hững trổ ô cửa sổ, với bức "cửa võng" buông rủ trông mềm mại tưởng như có thể đung đưa trước gió, trang trí cho cửa lớn trung đường. Gian giữa mở ra không gian phóng khoáng, đủ rộng chứa nghìn người, trong mờ ảo có thể nghe tiếng nước tí tách triền miên như giọt đồng hồ đá núi hàng triệu năm rồi đếm thời gian vĩnh cửu.
....Ngoài ra, còn rất nhiều màu sắc
Khi mắt quen với thứ ánh sáng nửa hư nửa thực, cả một công trình điêu khắc và sắp đặt tài tình của tạo hóa phô bày vô cùng lắm vẻ, trau chuốt tinh xảo và đẽo gọt sơ sơ, tả thực và trừu tượng, tuỳ theo luồng sáng rọi vào từ cửa hang đậm nhạt mà biến hóa hình thù, càng mê mải ngắm càng như lạc vào cõi động tiên.
Này là đám mây vờn gió, cơn gió chạy đi như sóng bỗng nổi phong ba dồn cánh đồng mây thành khối chất chồng. Này là cánh rừng yên ả với những chùm quả mọng triệu năm không rụng cho đàn khỉ chơi trò đuổi bắt không bao giờ mệt mỏi. Này là bà mẹ hơi thở sung mãn thổi bay xiên vạt áo, chìa bầu vú căng sữa đợi đàn con ham chơi đâu đó chưa về. Này là các thiếu nữ mơ màng dưới tấm sa-tanh óng mượt, buông hờ hững cánh tay trần trắng muốt. Ðằng kia, trong khoảng âm u như chốn tĩnh tu, tượng Phật Quan Âm tọa thiền, trầm mặc trên tòa sen tinh khiết bên các vị La Hán tĩnh lặng để thấu cảm lẽ huyền vi, đằng sau là bầy voi chầu hổ phục thiêm thiếp ngủ.
...Ngoài ra, còn rất nhiều màu sắc
Ðằng kia nữa, tán lọng che bàn đá cờ tiên phẳng lì, bóng loáng, vẻ như cuộc cờ bỏ dở đã vạn năm trần thế nhưng là khoảnh khắc cõi tiên, các tiên ông tạm ra ngoài ngoạn cảnh chưa trở lại...
Quần thể thắng cảnh trên ba núi, ngoài Ðộng Tiên còn những động Thiên Ðình, hang Thạch Sanh chứa nhiều bí ẩn, và hang đá vô danh nay dân gọi "Hang Quốc phòng" để ghi dấu một thời hang là nơi cất giấu pháo lớn và đạn pháo trước ngày đi chiến dịch Ðiện Biên Phủ.
Và hang vô danh nữa, mới đây được gọi "Ðộng người xưa" khi khảo cổ ta phát hiện dấu tích xương cốt hóa thạch người nguyên thủy...
Mới chỉ một Ðộng Tiên được mở đường quanh núi cho khách đến thăm, mà đã có sức thu hút du lịch không ngờ. Trong vùng đã mở Lễ hội mùa xuân, thăm thắng cảnh và hội chợ thương mại trưng bày sản vật địa phương, vui các trò dân gian truyền thống như thi trâu, ném còn, thi trang phục, thi chế biến món ăn và hát then, đàn tính... Thiên nhiên còn ẩn tàng vô tận những vẻ đẹp huyền diệu.