Sơn La tuy không có nhiều cảnh đẹp như các khu vực khác của vùng Tây Bắc nhưng vẫn là địa điểm thu hút khách du lịch bởi ở đây có cây đào Tô Hiệu, Di tích cách mạng Nhà tù Sơn La được coi như là "ngôi sao đỏ" trong hệ thống di tích cách mạng thời kháng chiến của Việt Nam, được xếp hạng di tích quốc gia năm 1962.
Thành phố Sơn La bé nhỏ, tĩnh lặng nhưng khi đặt chân đến khu di tích Nhà tù Sơn La - nằm trên ngọn đồi Khau Cả, thì cảm xúc như chùng lại. 
Bước qua cánh cổng sắt đã gỉ của Nhà tù Sơn La, khung cảnh dù không còn nguyên vẹn, nhưng từ những bức tường vỡ nối liền nhau, ai cũng có thể nhận ra rằng, nơi đây từng là một nhà tù kiên cố không ai có đủ sức mạnh để vượt qua, ngoài tinh thần của những người chiến sĩ cách mạng. Cô hướng dân viên bảo tàng cho biết: Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng năm 1908 với diện tích ban đầu là 500 m2, chủ yếu để giam tù thường phạm. Sau đó vào năm 1930, thực dân Pháp đã mở rộng Nhà tù Sơn La thêm 1.500m2 và 1.700m2 vào năm 1940 để giam cầm những người cộng sản. 

Trong giai đoạn từ 1930 - 1945, tại đây có hơn 1.000 tù chính trị, trong đó có những cán bộ ưu tú của Đảng như các đồng chí: Lê Duẩn, Trường Chinh, Văn Tiến Dũng, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Lương Bằng, Song Hào, Xuân Thủy... Đến với nhà tù Sơn La, khách du lịch còn được thấy hàng trăm hiện vật, những công cụ tra tấn - những chứng tích sống về tội ác dã man của kẻ thù như còng tay, xích sắt, bàn kẹp sắc nhọn, những chiếc bát sứt mẻ dùng cho tù nhân ăn uống hàng ngày… Trong gian trưng bày, có những bức phù điêu mô tả các tù nhân bị thực dân Pháp giam cầm, hành hạ chỉ còn da bọc xương. Cô hướng dẫn viên bảo: Sở dĩ Nhà tù Sơn La hiện nay chỉ còn là một bãi gạch đá tan hoang vì trải qua hai trận đánh phá bằng bom của kẻ thù. 

Lần thứ nhất vào năm 1952. Khi rút khỏi Sơn La, thực dân Pháp cho máy bay thả bom phá nhà tù nhằm xóa dấu vết tội ác. Đến năm 1965, đế quốc Mỹ đánh phá thị xã Sơn La đã thả bom phá hủy phần còn lại của Nhà tù Sơn La... Sau ngày nước nhà thống nhất, Bảo tàng Sơn La đã phục chế lại 2 tháp canh và một phần nhà tù, còn để nguyên trạng các xà lim ngầm, xà lim chéo, trại hai gian, trại ba gian cùng những phòng giam đặc biệt chỉ rộng hơn 1m2, nơi từng giam hãm những người cách mạng. Việc phục chế này đã giúp du khách phần nào hình dung ra cuộc sống khổ cực cũng như khâm phục ý chí kiên cường của những người cộng sản trong cuộc đấu tranh chống thực dân đô hộ. Thật xúc động khi cô hướng dẫn viên kể về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Tô Hiệu, một lãnh tụ kiên cường và bất khuất của cách mạng Việt Nam trong thời gian bị giam cầm ở đây. Đồng chí bị đày lên Sơn La năm 1940 và được giao nhiệm vụ Bí thư chi bộ Đảng nhà tù Sơn La, lãnh đạo anh em tuyệt thực, kiên trì đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù. Giặc điên cuồng, tức tối biệt giam ông vào ngục tối và tra tấn dã man. Ngày 7/3/1944, đồng chí Tô Hiệu hy sinh tại Nhà tù Sơn La lúc mới 33 tuổi. Để tưởng nhớ tới công lao to lớn của đồng chí Tô Hiệu, Chi bộ nhà tù Sơn La đã cho khắc tấm bia đá có chữ Tô Hiệu, bí mật đặt dưới mộ đồng chí. Cây đào mà đồng chí thường ngày chăm sóc hiện nay vẫn xanh tươi. Sau này, một cành của cây đào này đã được chiết và đưa về trồng bên Lăng Bác. 

Cùng với di tích Nhà tù Sơn La, khu vực thành phố Sơn La còn có nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác như Cây đa bản Hẹo là địa điểm liên lạc bí mật giữa Trung ương Đảng với Chi bộ Nhà tù Sơn La. Từđịa điểm liên lạc này, Chi bộ nhà tù Sơn La nhận được sự chỉ đạo thường xuyên của Trung ương Đảng để tổ chức lãnh đạo đấu tranh đưa các cán bộ trung kiên của Đảng trở về với phong trào cách mạng, góp phần to lớn vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945. Suối nước nóng bản Mòng (xã Hủa La); hang Tát Toòng với những nhũ đá kỳ thú ở Bản Bó, bia Quế Lâm Ngự Chếđược khắc năm 1440 trong hang Thẩm Ké (xã Chiềng An), bản văn hóa dân tộc: Bản Hìn (xã Chiềng An), bản Mé Ban (xã Chiềng Cơi)… Minh Ngọc
Tour du lịch liên quan

Tour du lịch Hà Nội-Sơn La-Điện Biên-Sapa-Mù Cang Chải (5 ngày 4 đêm)

Du Lịch Độc Thân

Nhiều người xem

 
Top