Nằm cách thành phố Bắc Giang 20km về phía đông bắc, Thổ Hà là một làng trù phú ven sông Cầu, nơi đây không chỉ nổi tiếng với nghề làm gốm, làm bánh đa nem truyền thống mà còn là vùng đất bảo lưu được khá nguyên vẹn những nét văn hóa đặc trưng của một làng Việt cổ, là điểm đến của du khách bốn phương. 
Nét cổ kính của Thổ Hà thể hiện từ chiếc cổng làng rêu phong trầm mặc, đến ngôi đình, mái chùa bề thế ‘‘trơ gan cùng tuế nguyệt” hàng trăm năm qua, những nếp nhà cổ nhỏ xinh hay hình ảnh ‘‘cây đa, bến nước, sân đình” vốn là hình ảnh thân thuộc của làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ.

Làng cổ Thổ Hà còn thể hiện trong từng dãy nhà, nếp nhà nằm san sát nhau ven bờ bắc sông Cầu, những mái nhà ngói, kết cấu gỗ hoặc xây gạch chỉ đã tồn tại ở đây hàng trăm năm nhưng không hề mất đi dáng vẻ cổ kính vốn có, đường làng ngõ xóm được lát gạch từ cổng làng đến các ngõ ngách nhỏ, tất cả đều khoác trên mình dấu ấn của thời gian.

Làng gốm cổ ven sông cầu
Thổ Hà, một ốc đảo được bao bọc bởi con sông Cầu

Đến Thổ Hà hôm nay, du khách có thể nhận biết diện mạo của một làng gốm cổ qua rất nhiều nền móng, phế tích của các lò nung gốm cổ ngày xưa cùng những phế liệu, mảnh vở của các sản phẩm gốm xung quang làng.

Làng gốm cổ ven sông cầu
Nơi đây giữ khá nhiều bức từng xây bằng tiểu sành, mảnh gốm

Với lịch sử nghề làm nghề gốm gần 800 năm, cùng với làng gốm Bát Tràng và Phù Lãng, Thổ Hà là một trong ba làng có nghề gốm nổi tiếng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến.

Ông tổ nghề gốm Thổ Hà là Đào Trí Tiến, vào thời Lý, ông được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc, ở đây ông đã học được nghề làm gốm, khi trở về ông đã truyền dạy cho nhân dân, ban đầu nghề được truyền cho nhân dân trong vùng núi Gốm ven Sông Cầu gần Phù Lãng, sau dó vì đất thấp lại hẹp nên đã chuyển về Thổ Hà, vùng này có nguồn đất làm gốm phong phú lại rất đẹp và thuận tiện cho giao thông đi lại.

Đến Thổ Hà thật dễ để có thể tìm thấy những sản phẩm gốm dân dụng như: chum, vại, ấm tích, bình vôi, tiểu sành… ngày nay, nhờ bàn tay khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân, làng gốm đã sáng tạo ra nhiều mặt hàng mỹ nghệ khác như các loại đôn, chậu cảnh, chậu hoa, các con giống bằng gốm như nghê, cá, rồng… được nhiều người yêu thích, chuộng dùng. Khác với gốm ở Phù Lãng và Bát Tràng, gốm Thổ Hà có những đặc điểm rất riêng biệt ở chỗ các sản phẩm gốm đều không có lớp men phủ, mà chủ yếu là men mộc tự nhiên màu nâu, cánh dán, bóng nhoáng, men mộc chảy ra từ nhựa đất trong quá trình nung, gốm Thổ Hà gõ vào kêu coong coong như thép, mảnh gốm cạo sắc như dao… với đặc điểm này khiến ta có thể nhận biết gốm Thổ Hà một cách dễ dàng.

Làng gốm cổ ven sông cầu
Tường phủ màu rêu phong

Sự nổi tiếng của gốm Thổ Hà đã lan đi khắp các vùng trong cả nước, các thương lái về lấy hàng đi bán khắp nơi, các con tàu thường xuyên cập bến Thổ Hà vào ăn hàng, cảnh tượng trên bến dưới thuyền tấp nập, đông vui, trước đây hầu hết nhà nào cũng có những loại đồ dùng từ gốm Thổ Hà và là những sản phẩm không thể thiếu trong mỗi gia đình. Nhưng thật tiếc thay cảnh tượng đó giờ đây chỉ còn trong ký ức của nhiều người, gốm Thổ Hà đã qua thời hoàng kim. Trong thời kinh tế thị trường, đầu ra cho sản phẩm, hình thức, mẫu mã, giá cả… đều không thể cạnh tranh và đứng vững được, không ít những lò gốm ở Thổ Hà đã phải nguội lửa, người dân bỏ nghề, gốm Thổ Hà dường như bị xóa sổ khỏi danh sách làng gốm sau gần 8 thế kỷ hưng thịnh.

Hiện nay, ở Thổ Hà vẫn còn một số người có tâm huyết với nghề gốm, mang hy vọng khôi phục lại nghề truyền thống nổi tiếng một thời này, đồng thời lấy lại vị trí cho thương hiệu gốm của quê hương, đã có những lò gốm đỏ lửa trở lại, đó cũng là những tín hiệu vui cho nghề gốm Thổ Hà dù cho con đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai…

Làng gốm cổ ven sông cầu
Ngôi làng còn lưu giữ được vài chục nóc nhà cổ nằm sâu trong những ngõ nhỏ cổ kính
Nguồn Mytour.vn

Du Lịch Độc Thân

Nhiều người xem

 
Top