Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chi chít sông ngòi kênh rạch, được mệnh danh là vùng đất “Chín Rồng” có con nước lớn tràn bờ, nước ròng phơi bãi; có ghe thuyền sinh hoạt ngày đêm xuôi ngược trên sông… hình ảnh đó tự ngàn xưa, hôm nay vẫn vậy. Sông nước là đặc thù của miền Tây, vùng đất của hàng ngàn dòng sông, cửa sông đan xen như mạng nhện. Có sông ngòi, kênh, rạch, có phương tiện vận tải thủy, có người sinh hoạt mua bán trao đổi hàng hóa, tựu trung lại tất cả cảnh mua bán ngộ nghĩnh trên sông, người ta gọi là chợ nổi.
Về Long Xuyên để khám phá chợ nổi còn nét nguyên sơ, đến Trà Ôn để thưởng bún bò viên rau chuối hay ghé Sóc Trăng nghe những câu vọng cổ đậm chất miền Tây.
Dưới đây là 6 khu chợ nổi đặc sắc của miền Tây bạn nên khám phá nếu có dịp về vùng đất Cửu Long.
1. Chợ nổi Ngã Bảy – Hậu Giang
Chợ nổi Ngã Bảy còn gọi là chợ nổi Phụng Hiệp, thuộc thị xã Ngã Bảy được hình thành từ năm 1915. Đây là một khu chợ nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang, nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ vậy đây còn là địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch.
Chợ nổi Ngã Bảy, nét duyên của cô gái miệt vườn sông nước. Ảnh:Saigonstartravel.
|
Du khách sẽ được thấy cảnh bạt ngàn màu sắc của trái cây, rau quả, các đồ dùng sinh hoạt miền sông nước. Đặc biệt là màu đỏ tươi của chôm chôm, măng cụt, vị thơm của sầu riêng. Mỗi thuyền chỉ bán một loại trái cây hay mặt hàng thì nó sẽ được treo lơ lửng trên một cây sào cao gọi là cây bẹo như là một cách quảng cáo.
Có dịp đến đây du khách hãy thử lênh đênh trên mặt nước thưởng thức ly cà phê sóng sánh, nghe câu vọng cổ miên man và ngắm những tà áo bà ba nườm nượp mua bán trên ghe vô cùng thú vị. Xem tiếp bài viết về: Chợ nổi ngã Bảy
2. Chợ nổi Ngã Năm – Sóc Trăng
Là tên gọi của khu chợ nổi tiếng ở thị trấn Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, nằm ở vị trí giao nhau của năm con sông: Cà Mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thạnh Trị và Phụng Hiệp. Đây là chợ nổi khá lâu đời và cũng nhộn nhịp nhất đồng bằng sông Cửu Long.
Khác với những khu chợ nổi khác, chợ Ngã Năm bắt đầu họp từ lúc 3h sáng, đến 5h thì chợ đông đúc hơn nhưng 8h phiên chợ bắt đầu tan. Từ xa xa du khách sẽ thấy những cây bẹo treo lủng lẳng hàng hóa như cải bắp, khoai tây, cà chua, hành, tỏi, ớt…
Với 10.000 – 20.000 đồng du khách sẽ được ngồi trên ghe dạo toàn cảnh khu chợ. Ảnh: Saigonphoto.
|
Có thể nói chợ nổi Ngã Năm có hầu hết sản vật của đồng bằng sông Cửu Long từ các loại gạo nổi tiếng của vựa lúa miền Tây đến các loại rau củ quả của miệt vườn Nam Bộ đến tôm, cua, cá sản vật đặc trưng của vùng sông nước. Chợ đông vui với những lời mời gọi của các bạn ghe, những hàng quán bồng bềnh di động như cháo, hủ tiếu, bún cá, cà phê…phục vụ nhu cầu cho du khách tham quan thưởng thức.
Chợ nổi Ngã Năm vẫn còn mang nét nông thôn bình dị hấp dẫn, vẫn giữ được cái hồn đặc trưng của chợ nổi miền Tây trong những chiếc áo bà ba, những điệu hát ngọt ngào của ca cổ miền Tây, những câu nói thân thương đậm chất Nam Bộ.Xem tiếp bài viết về Chợ Nổi Ngã Năm
3. Chợ nổi Cái Răng – Cần Thơ
Là khu chợ nổi tiếng của mảnh đất Tây Đô thu hút đông đảo lượng du khách ghé đến mỗi khi có dịp du lịch Cần Thơ. Chỉ cách bến Ninh Kiều khoảng 4 km, du khách mất chừng 30 phút cho một hành trình bằng đường thủy từ bến Ninh Kiều.
Chợ nổi Cái Răng là điểm đến đặc biệt ở Cần Thơ. Ảnh: Hương Chi.
|
Chợ bắt đầu từ 5h sáng, đến 6h ghe thuyền các nơi đã đậu tấp nập và sầm uất. Nét đặc biệt ở chợ này chính là buôn bán các loại trái cây nổi tiếng của vùng đất phương Nam từ bưởi năm roi Vĩnh Long đến quýt hồng Lai Vung hay sầu riêng Cái Mơn…
Cũng như các chợ nổi khác người ta sẽ treo lên cây bẹo những loại hàng mà họ bán để du khách biết và mua. Đến đây du khách sẽ được hòa mình với thiên nhiên, sông nước, buổi sáng sớm bồng bềnh trên những chiếc ghe, ngắm bình minh lên dần sau những mái ghe và cảm nhận khung cảnh nhộn nhịp độc đáo của chợ nổi trên sông. Xem tiếp bài viết về Chợ Nổi Cái Răng
4. Chợ nổi Cái Bè – Tiền Giang
Chợ nổi Cái Bè thuộc huyện Cái Bè, Tiền Giang, ở cù lao Tân Phong trên sông Tiền rộng lớn giáp ranh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Chợ là nơi mua bán trao đổi hàng hóa, làm trạm trung chuyển trái cây, sản vật đi khắp mọi miền và đồng thời cũng là điểm tham quan hấp dẫn của tỉnh Tiền Giang.
Chợ nổi Cái Bè vựa trái cây của đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Mientay.
|
Khác với những chợ nổi bình thường chỉ họp buổi sáng, chợ nổi Cái Bè bắt đầu buôn bán từ lúc tinh mơ cho đến tối khuya. Khi bình minh vừa lên cũng là lúc chợ nổi đã nhộn nhịn như một phố nhỏ trên sông. Những chiếc xuồng bán hàng rong như phở, hủ tiếu, bún, các loại tạp hóa…chạy luồn lách theo các mạn ghe, tàu trông rất sinh động. Ngồi trên thuyền lênh đênh, thưởng thức tô hủ tiếu hay ly cà phê thơm phức vào buổi sáng là một trải nghiệm khó tả.
Khi mặt trời khuất sau rặng cây đàng xa cũng là lúc “phố nổi” lên đèn, những ánh đèn lung linh đổ bóng làm cho cả một đoạn sông trở nên sống động, rực rỡ đầy sắc màu. Đến đây du khách chắc chắn sẽ cảm nhận được nhiều điều mới lạ của chốn sông nước miền Tây. Xem tiếp bài viết về Chợ Nổi Cái Bè
5. Chợ nổi Long Xuyên – An Giang
Chợ nổi Long Xuyên không lớn như các khu chợ khác nhưng là một điểm du khách nên đến trong chuyến tham quan chợ nổi để tìm về nét bình dị, yên ả, nguyên sơ của con người và sông nước nơi đây. Chợ cách thành phố Long Xuyên khoảng 2 km, nằm dọc theo một bên của dòng sông Hậu đỏ nặng phù sa.
Chợ nổi Long Xuyên, điểm đến cho những ai thích khám phá chợ nổi nguyên sơ, chân chất. Ảnh: Dulichhanhtrinhviet.
|
Hàng hóa chủ yếu ở đây là các loại hoa màu như: rau, dưa, cà, cải, bí, khoai…và các món ăn vặt nổi tiếng của vùng đất An Giang như bún cá, bánh tầm, bánh da lợn…
Điểm đặc biệt là hàng hóa mua bán không thách đố, trả giá, nói sao bán vậy bởi chợ nổi nơi đây còn ít du khách ghé thăm, người dân thân thiện, thật thà, không bị tác động bởi thương mại hóa du lịch. Do đó đây là nơi thích hợp cho các du khách muốn khám phá nét hoang sơ, nguyên bản trong những khu chợ nổi ở miền Tây. Xem thêm bài viết về Chợ nổi Long Xuyên
6. Chợ nổi Trà Ôn – Vĩnh Long
Chợ nổi Trà Ôn là khu chợ nổi cuối cùng nằm trên dòng sông Hậu của huyện Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long. Đây là một trong những khu chợ tồn tại lâu đời nhất cũng như gắn liền với nhiều nét sinh hoạt văn hóa của người dân trong khu vực.
Chợ nổi Trà Ôn, ngôi chợ lâu đời và đậm nét văn hóa vùng sông nước. Ảnh:Blogspot.
|
Điểm đặc biệt của chợ nổi Trà Ôn là nhóm họp theo con nước, buổi sáng chợ đông đúc nhưng tấp nập hơn là lúc con nước bắt đầu lên, nước càng lớn thì ghe, thuyền càng đông.
Do đó du khách dễ dàng khám phá khu chợ này vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Đến đây du khách đừng bỏ quên món ăn đặc sản nổi tiếng là bún bò viên ăn kèm với rau chuối và nghe những điệu hát ngọt ngào củaTình anh bán chiếu, Dạ cổ hoài lang trên quê hương của nghệ sĩ lừng danh Út Trà Ôn.Xem bài viết về Chợ Nổi Trà Ôn
Theo vnexpress.net