Chợ nổi Trà Ôn (thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), là một trong những chợ vùng sông nước đã đi vào ca dao: “Ô Môn, Bình Thủy, La Ghi/Trà Ôn, Trà Luộc đều thì chợ sung”.

Chợ nổi tồn tại lâu đời và mang nhiều nét văn hóa đặc trưng của người dân vùng sông nước. Dạo chợ nổi Trà Ôn, khách sẽ thấy một không khí nhộn nhịp, ngoài hoạt động mua bán còn có cuộc sống gia đình, lối xóm, cộng đồng.

Du khách thích thú chụp ảnh lưu niệm bên hàng trái cây tại chợ nổi Trà Ôn
Trà Ôn là tên của thị trấn nằm ở ngã ba sông Hậu và Măng Thít hiền hòa nước ngọt quanh năm, phù sa bồi đắp ruộng vườn màu mỡ phì nhiêu, cây trái oằn sai quả ngọt. Ngoài việc nhóm họp dọc bờ sông, bờ vàm, chợ nổi Trà Ôn còn nhóm trên sông, hoạt động trên bến dưới thuyền nhộn nhịp khác thường. Ba dòng sông như những mạch máu hội tụ về tim, xuôi ngược về Bình Minh, Tam Bình, chợ Mới Tân Dinh, Kế Sách, Cầu Kè, Sóc Trăng, Cà Mau…
Những ghe thuyền lớn nhỏ cặp kè nối đuôi nhau san sát mua bán đủ các loại hàng nông sản miệt vườn: mít, dừa, chuối, ổi, dứa, cam, cóc, bưởi…
 
Khi mọi người còn ngon giấc, chợ nổi Trà Ôn đã bắt đầu một ngày hoạt động mới từ lúc 2-3 giờ sáng, nhộn nhịp nhất là từ 5-6 giờ trở đi. Trong không gian lờ mờ sương mù lãng đãng trên mặt nước, ghe xuồng người đi thu mua, kẻ đem hàng đi bán dập dìu tụ hội về đây. Các loại sản phẩm được đem ra phân loại, cân đong đo đếm lại cho vựa, cho thương lái. Từ đây các ghe lớn chuyên chở hàng nườm nượp đi khắp các nẻo đường đất nước: Cần Thơ, Vĩnh Long, Châu Đốc, Sóc Trăng, Cà Mau, TP. Hồ Chí Minh…
Từ 5-6 giờ trở đi, chợ nổi Trà Ôn nhộn nhịp cảnh mua bán, vận chuyển hàng đi các nơi trong và ngoài tỉnh
 
Trên những ghe xuồng dập dềnh lắc lư sóng nước, bạn sẽ “no” mắt bởi đủ các loại trái cây của đồng bằng sông Cửu Long và có thể thưởng thức mỗi thứ một chút: này vị ngọt ngào của măng cụt Thiện Mỹ, Tích Thiện, chôm chôm, long nhãn Phú Thành, Hòa Bình; nào vị béo ngậy thơm lừng của sầu riêng, mít tố nữ Lục Sĩ, Ngãi Tứ; vị ngọt thanh của bưởi, cam sành Thầy Phó, Loan Mỹ…
 
Đó đây, những ghe xuồng chở nông sản như: bầu bí, đậu bắp, khoai, củ cải, cải bắp, khổ qua, mướp… mùa nào thức nấy, đầy ắp dưới khoang đợi chờ sang ghe tàu tiếp tục hành trình sông nước đến với người tiêu thụ phương xa.
 
Khung cảnh chợ càng thêm phần sinh động, rộn ràng bởi những chiếc xuồng nhỏ bán cà phê, nước đá, mì, hủ tíu, bánh mì, thuốc lá… len lỏi vào mọi ghe, thuyền lớn để phục vụ cho những người bán hàng.
 
Trên ngã sông này, bạn cũng thấy những “chợ thuyền bách hóa”, không thiếu bất cứ mặt hàng nào từ cây kim, ống chỉ, đến đường, muối, dầu ăn, đậu phộng, xăng dầu… Tiếng rao, gọi hàng ơi ới, tiếng sóng vỗ mạn thuyền ì oạp, tiếng mái chèo khua nước bì bõm, tiếng máy nổ xình xịch, tiếng “kỳ kèo bớt một thêm hai”… tạo nên một bản hòa âm ồn ã, náo nhiệt cả một vùng sông nước, chẳng khác nào cái chợ trên bờ.
 
Theo ông Nguyễn Văn Trạng, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn, chợ nổi Trà Ôn nhóm họp vào lúc ghe xuồng đông ken nên có cản trở phần nào lưu thông tàu thuyền qua lại; thuyền bè ngăn chặn dòng chảy, nguồn nước ô nhiễm do đồ vật, phế thải vứt xuống lòng sông. Nhưng đó là chuyện trước kia, còn hiện nay, chính quyền địa phương đã nhắc nhở bà con tiểu thương, khách thương hồ nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông, sắp xếp trật tự trên mặt sông, giữ nguồn nước trong lành, không vứt rác bừa bãi…
 
“Xét về mặt kinh tế, văn hóa, chợ nổi trên sông đã góp phần giúp cho hàng hóa của người dân có nơi trao đổi, tiêu thụ dễ dàng, không phải vận chuyển đi xa, hạn chế được nạn ép giá của thương lái. Những năm gần đây chợ nổi Trà Ôn còn là một điểm du lịch hấp dẫn, thu hút được nhiều du khách phương xa. Không ít du khách châu Âu đã về đây say sưa ngắm nhìn, thu vào tầm mắt, chụp ảnh nét nhộn nhịp, cởi mở của khu chợ nổi độc đáo này” - ông Nguyễn Văn Trạng cho biết thêm. 

Du Lịch Độc Thân

Nhiều người xem

 
Top