Nha Trang là một thành phố ven biển và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch của tỉnhKhánh Hòa, Việt Nam. Trước khi trở thành phần đất của Việt Nam, Nha Trang thuộc về Chiêm Thành. Các di tích củangười Chăm vẫn còn tại nhiều nơi ở Nha Trang. Nha Trang được Thủ tướng chính phủ Việt Nam công nhận là đô thị loại 1 vào ngày 22 tháng 4 năm 2009. Đây là một trong các đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh của Việt Nam. Nha Trang được mệnh danh là hòn ngọc của biển Đông, Viên ngọc xanh [1] vì giá trị thiên nhiên, sắc đẹp cũng như khí hậu của nó.
Địa lý
Vị trí
Thành phố Nha Trang hiện nay có diện tích tự nhiên là 251 km², dân số 392.279[4](2009). Phía Bắc giáp thị xã Ninh Hòa, phía Nam giáp huyện Cam Lâm, phía Tây giáp huyện Diên Khánh, phía Đông giáp Biển Đông.
Địa hình
Địa hình Nha Trang khá phức tạp có độ cao trải dài từ 0 đến 900 m so với mặt nước biển được chia thành 3 vùng địa hình. Vùng đồng bằng duyên hải và ven sông Cái có diện tích khoảng 81,3 km², chiếm 32,33% diện tích toàn thành phố; vùng chuyển tiếp và các đồi thấp có độ dốc từ 3⁰ đến 15⁰ chủ yếu nằm ở phía Tây và Đông Nam hoặc trên các đảo nhỏ chiếm 36,24% diện tích, vùng núi có địa hình dốc trên 15⁰ phân bố ở hai đầu Bắc-Nam thành phố, trên đảo Hòn Tre và một số đảo đá chiếm 31,43% diện tích toàn thành phố.[5]
Đồng bằng Diên Khánh - Nha Trang
Nha Trang nằm ở phía Đông Đồng bằng Diên Khánh - Nha Trang. Một đồng bằng được bồi lấp bởi sông Cái Nha Trang có diện tích gần 300 km², địa hình đồng bằng bị phân hóa mạnh:
- Phần phía Tây dọc sông Chò từ Khánh Bình đến Diên Đồng bị bóc mòn, độ cao tuyệt đối khoảng 10–20 m
- Phần phía Đông là địa hình tích tụ độ cao tuyệt đối dưới 10m, bề mặt địa hình bị phân cắt mạnh bởi các dòng chảy.
Thủy văn
Thành phố có nhiều sông suối tập trung ở 2 hệ thống sông chính là sông Cái Nha Trang và sông Quán Trường.
Sông Cái Nha Trang (còn có tên gọi là sông Phú Lộc, sông Cù) có chiều dài 75 km, bắt nguồn từ đỉnh Chư Tgo cao 1.475 m, chảy qua các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh và thành phố Nha Trang rồi đổ ra biển ở Cửa Lớn (Đại Cù Huân). Đoạn hạ lưu thuộc địa phận Nha Trang có chiều dài khoảng 10 km. Sông là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho sản xuất công-nông nghiệp, du lịch-dịch vụ và sinh hoạt dân cư cho thành phố và các huyện lân cận.
Sông Quán Trường (hay Quán Tường) là 1 hệ thống sông nhỏ có chiều dài khoảng 15 km, chảy qua địa phận các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thái, Phước Đồng và 3 phường Phước Long, Phước Hải, Vĩnh Trường rồi đổ ra Cửa Bé. Sông chia thành 2 nhánh: nhánh phía Đông (nhánh chính) có chiều dài 9 km và nhánh phía Tây (còn gọi là sông Tắc) dài 6 km.
Thủy triều vùng biển Nha Trang thuộc dạng nhật triều không đều, biên độ trung bình lớn nhất từ 1,4 - 3,4 m. Độ mặn biến thiên theo mùa từ 1 - 3,6%.[5]
Khí hậu
Nha Trang có khí hậu nhiệt đới xavan chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương. Khí hậu Nha Trang tương đối ôn hòa, nhiệt độ trung bình năm là 26,3⁰C. Có mùa đông ít lạnh và mùa khô kéo dài.Mùa mưa lệch về mùa đông bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 12 dương lịch, lượng mưa chiếm gần 80% lượng mưa cả năm (1.025 mm). Khoảng 10 đến 20% số năm mùa mưa bắt đầu từ tháng 7, 8 và kết thúc sớm vào tháng 11. So với các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, Nha Trang là vùng có điều kiện khí hậu thời tiết khá thuận lợi để khai thác du lịch hầu như quanh năm. Những đặc trưng chủ yếu của khí hậu Nha Trang là: nhiệt độ ôn hòa quanh năm (25⁰C - 26⁰C), tổng tích ôn lớn (> 9.5000C), sự phân mùa khá rõ rệt (mùa mưa và mùa khô) và ít bị ảnh hưởng của bão.[5]
Nhiệt độ trung bình/tháng | Một | Hai | Ba | Tư | Năm | Sáu | Bảy | Tám | Chín | Mười | Mười một | Mười hai | |
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Trung bình cao (°C) | 27 | 28 | 29 | 31 | 32 | 32 | 32 | 32 | 32 | 30 | 28 | 27 | |
Trung bình thấp (°C) | 22 | 22 | 23 | 25 | 26 | 26 | 26 | 26 | 25 | 24 | 24 | 22 | |
Lượng mưa (cm) | 2.4 | 0.56 | 2.07 | 1.98 | 5.08 | 3.48 | 2.62 | 3.23 | 13.38 | 25.43 | 25.12 | 12.21 | |
Nguồn:[6] |
Dân cư
Theo điều tra dân số năm 2009 thì dân số toàn thành phố có 392.279 người[4], trong đó dân số thành thị chiếm 74,6%, dân số nông thôn chiếm 25,4%. Về tỉ lệ giới tính, nam chiếm 48,5% và nữ chiếm 51,5%. Tuy nhiên theo cách tính quy mô dân số trong phân loại đô thị (bao gồm cả dân số thường trú và dân số tạm trú quy đổi) thì quy mô dân số Nha Trang hiện nay khoảng 480.000-490.000 người (bao gồm cả học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, lao động tạm trú thường xuyên, tạm trú vãng lai...nhưng không tính khách du lịch).[5]
Mật độ dân số trung bình toàn thành phố là 1.562 người/km2. Dân cư phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở các phường nội thành. Khu vực trung tâm thành phố thuộc các phường Vạn Thắng, Vạn Thạnh, Phương Sài, Phước Tân, Phước Tiến, Tân Lập có mật độ dân cư rất cao với gần 30000 người/km².Tuy nhiên một số xã như Vĩnh Lương, Phước Đồng với địa hình chủ yếu là núi cao có mật độ dân số thấp, chỉ vào khoảng 320-370 người/km2.[7]
Lịch sử hình thành
Từ năm 1653 đến giữa thế kỷ XIX, Nha Trang vẫn là một vùng đất còn hoang vu và nhiều thú dữ thuộc Hà Bạc, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh. Chỉ qua hai thập niên đầu thế kỷ XX, bộ mặt Nha Trang đã thay đổi nhanh chóng. Với Nghị định ngày 30 tháng 8 năm 1924 của Toàn quyền Đông Dương, Nha Trang trở thành một thị trấn (centre urbain)[8]. Thị trấn Nha Trang hình thành từ các làng cổ: Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài, Phước Hải.
Thời Pháp thuộc, Nha Trang được coi là tỉnh lỵ (chef lieu) của tỉnh Khánh Hòa. Các cơ quan chuyên môn của chính quyền thuộc địa như Tòa Công sứ, Giám binh, Nha Thương chánh, Bưu điện… đều đặt tại Nha Trang. Tuy nhiên, các cơ quan Nam triều như dinh quan Tuần vũ, Án sát (coi về hành chánh, tư pháp), Lãnh binh (coi việc trật tự trị an) vẫn đóng ở Thành Diên Khánh (cách Nha Trang 10km về phía Tây Nam).
Đến Nghị định ngày 7 tháng 5 năm 1937 của Toàn quyền Đông Dương, Nha Trang được nâng lên thị xã(commune)[9]. Lúc mới thành lập, thị xã Nha Trang có 5 phường: Xương Huân là phường đệ nhất, Phương Câu là phường đệ nhị, Vạn Thạnh là phường đệ tam, Phương Sài là phường đệ tứ, Phước Hải là phường đệ ngũ.
Ngày 27 tháng 1 năm 1958, chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành Nghị định 18-BNV bãi bỏ quy chế thị xã, chia Nha Trang thành 2 xã là Nha Trang Đông và Nha Trang Tây thuộc quận Vĩnh Xương.
Ngày 22 tháng 10 năm 1970, sắc lệnh số 132-SL/NV của chính quyền Việt Nam Cộng hòa lấy 2 xã Nha Trang Đông, Nha Trang Tây và các xã Vĩnh Hải, Vĩnh Phước, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên, các ấp Phước Hải (xã Vĩnh Thái), Vĩnh Điềm Hạ (xã Vĩnh Hiệp), Ngọc Thảo, Ngọc Hội, Lư Cấm (xã Vĩnh Ngọc) thuộc quận Vĩnh Xương cùng các hải đảo Hòn Lớn, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Miễu, Hòn Tằm tái lập thị xã Nha Trang, tỉnh lỵ tỉnh Khánh Hòa. Thị xã Nha Trang chia làm 2 quận: quận 1 và quận 2. Quận 1 gồm các xã Nha Trang Đông, Vĩnh Hải, Vĩnh Phước, các ấp Ngọc Thảo, Ngọc Hội và Lư Cấm thuộc xã Vĩnh Ngọc, ấp Vĩnh Điềm Hạ thuộc xã Vĩnh Hiệp; Quận 2 gồm các xã Nha Trang Tây, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên (kể cả các đảo Hòn Tre, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Tằm), ấp Phước Hải của xã Vĩnh Thái.
Tiếp đó, nghị định số 357-ĐUHC/NC/NĐ ngày 5 tháng 6 năm 1971, chia thị xã Nha Trang thành 11 khu phố: quận 1 có các khu phố Vĩnh Hải, Vĩnh Phước, Ngọc Hiệp, Vạn Thạnh, Duy Tân; Quận 2 có các khu phố Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Phương Sài, Tân Phước, Tân Lập, Phước Hải. Đến Nghị định số 553-BNV/HCĐP/NV ngày 22 tháng 8 năm 1972 đổi các khu phố thành phường. Nghị định số 444-BNV/HCĐP/26.X ngày 3 tháng 9 năm 1974 sáp nhập các đảo Hòn Một, Hòn Cậu, Hòn Đụn, Hòn Chóp Vung, Hòn Đỏ vào phường Vĩnh Hải (quận 1) và Hòn Ngọc vào phường Vĩnh Nguyên (quận 2) thị xã Nha Trang.
Ngày 2 tháng 4 năm 1975, Quân giải phóng tiếp quản Nha Trang[10]. Ngày 6 tháng 4 năm 1975, Ủy ban Quân quản Khánh Hòa chia Nha Trang thành 3 đơn vị hành chính: quận 1, quận 2 và quận Vĩnh Xương.
Tháng 9 năm 1975, hợp nhất hai quận: quận 1 và quận 2 thành thị xã Nha Trang.
Ngày 30 tháng 3 năm 1977, theo quyết định số 391-CP/QĐ của Hội đồng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thị xã Nha Trang được nâng lên cấp thành phố trực thuộc tỉnh và là tỉnh lỵ tỉnh Phú Khánh (bao gồm hai tỉnh Phú Yên vàKhánh Hòa hiện nay). Phần đất 7 xã của huyện Vĩnh Xương cũ trước đây là Vĩnh Thái, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Lương, Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phương được cắt ra khỏi huyện Khánh Xương sáp nhập vào Nha Trang.[11]
Quyết định số 54-BT ngày 27 tháng 3 năm 1978 thành lập xã Phước Đồng thuộc Nha Trang.[12]
Ngày 1 tháng 7 năm 1989, tái lập tỉnh Khánh Hòa từ tỉnh Phú Khánh cũ, Nha Trang là tỉnh lỵ tỉnh Khánh Hòa.[13]
Ngày 19 tháng 11 năm 1998, chia phường Phước Hải thành 2 phường: Phước Hải và Phước Long.[14]
Ngày 15 tháng 3 năm 2002, chia phường Vĩnh Hải thành 2 phường: Vĩnh Hải và Vĩnh Hòa.[15]
Ngày 22 tháng 4 năm 1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 106/1999 công nhận Nha Trang là đô thị loại 2.[16]
Ngày 22 tháng 4 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định công nhận thành phố Nha Trang là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa.[17]
Các tên gọi
Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên "Nha Trang" được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang hay Ea Trang(có nghĩa là "sông Lau", tiếng người Chăm, tức là gọi sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay, con sông này đổ ra biển đúng chỗ có nhiều cây lau). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.
Về địa danh "Nha Trang", trong Toàn tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư, tập bản đồ Việt Nam do nho sinh họ Đỗ Bá soạn vào khoảng nửa sau thế kỷ 17 đã thấy có tên "Nha Trang Môn" (cửa Nha Trang)[18]. Trong một bản đồ khác có niên đại cuối thế kỷ 17 mang tên Giáp Ngọ Niên Bình Nam Đồ của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt cũng thấy ghi tên "Nha Trang Hải môn" (cửa biển Nha Trang)[18]. Trong thư tịch cổ Việt Nam, đây có lẽ là những tài liệu sớm nhất đề cập đến địa danh nổi tiếng này.
Trong Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn đã có nhiều tên gọi Nha Trang như "đầm Nha Trang, dinh Nha Trang, nguồn Nha Trang, đèo Nha Trang".
Hành chính
Nha Trang gồm 27 đơn vị hành chính, gồm có:
|
Từ năm 1998 đến nay, do tốc độ phát triển đô thị gia tăng, nhiều khu quy hoạch mới đã được hình thành như: Hòn Rớ, Bắc Việt, Thánh Gia, Đường Đệ, Hòn Khô, An Viên... Ngày 22 tháng 4 năm 2009, thành phố Nha Trang được công nhận là Đô thị loại 1 thuộc tỉnh Khánh Hòa[17]
Khoa học và Giáo dục
Hoạt động nghiên cứu khoa học ở Nha Trang đã được đặt nền móng từ thời Pháp thuộc với việc hình thành hai cơ sở khoa học thực nghiệm là Viện Pasteur Nha Trang vào năm 1891, nghiên cứu về vệ sinh dịch tễ và Sở Ngư nghiệp Đông Dương năm 1922 (tiền thân của Viện Hải dương học Nha Trang) chuyên nghiên cứu về biển và động vật biển. Lĩnh vực khoa học từ đó dần dần được mở rộng sang các ngành khoa học ứng dụng.[19]. Giáo dục đại học tại Nha Trang bắt đầu phát triển từ năm 1971 với cơ sở đào tạo bậc đại học đầu tiên là Đại Học Cộng Đồng Duyên Hải [20]. Sau ngày thống nhất đất nước, Trường Đại học Thủy sản Nha Trang, được chuyển từ Hải Phòng vào[21] cùng với một số trường quân sự như Trường Sĩ quan không quân từ Cát Bi và Trường Sĩ quan Hải quân II (tiền thân của Học viện Hải quân chuyển vào từ Quảng Ninh. Hiện nay, Nha Trang có nhiều trường đại học quân sự và dân sự, cao đẳng phục vụ cho việc đào tạo nhân lực cho địa phương tại tất cả các bật học
Đại học | Cao đẳng | Viện Nghiên cứu |
---|---|---|
Trường Đại học Nha Trang | Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang | Viện Pasteur Nha Trang |
Trường Đại học Thái Bình Dương | Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật và du lịch Nha Trang | Viện Hải dương học |
Trường Đại học Tôn Đức Thắng (cơ sở Nha Trang) | Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa | Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) |
Trường Sĩ quan Thông tin | Trường Cao đẳng Sư phạm trung ương Nha Trang | Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Nha Trang |
Học viện Hải quân | Trường Cao đẳng nghề Nha Trang | Liên đoàn Địa chất Thủy văn - Địa chất công trình miền Trung |
Trường Sĩ quan không quân | Trường Cao đẳng nghề Du Lịch Nha Trang | Trung tâm nghiên cứu Thủy sản III |
Trường Cao đẳng Nghề Quốc tế Nam Việt | Phân viện thú y miền Trung | |
Trường Cao Đẳng Nghề Việt Mỹ | Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga (chi nhánh ven biển) | |
Đài Khí tượng - Thủy văn Nam Trung Bộ | ||
Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp miền Trung |
Về giáo dục phổ thông, toàn thành phố có 116 trường với gần 68.000 học sinh trong đó có 41 trường tiểu học [22], 24 trường Trung học cơ sở [23] và 12 trường Trung học phổ thông. 27/27 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.
Trung học phổ thông (công lập) | Trung học phổ thông (tư thục) |
---|---|
THPT chuyên Lê Quý Đôn | THPT iSCHOOL Nha Trang* |
THPT Lý Tự Trọng | THPT Nguyễn Thiện Thuật |
THPT Nguyễn Văn Trỗi | THPT Lê Thánh Tôn |
THPT Hoàng Văn Thụ | THPT Hermann Gmeiner* |
THPT Hà Huy Tập | THPT Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương* |
THPT dân tộc nội trú tỉnh Khánh Hòa | THPT Đại Việt |
Ghi chú: * trường có nhiều cấp học
Giao thông
Đường bộ
Về giao thông tĩnh, Nha Trang có 2 bến xe liên tỉnh đang hoạt động: Bến xe phía Nam nằm trên đường 23/10 chủ yếu phục vụ hành khách đi liên tỉnh. Bến xe phía Bắc trên đường 2/4 có phục vụ hành khách đi liên tỉnh và nội tỉnh. Hệ thống giao thông tĩnh phục vụ vận tải công cộng còn bao gồm 7 tuyến xe buýt nội thành với khoảng 150 điểm dừng đỗ dọc đường phục vụ cho nhu cầu đi lại trong thành phố và huyện Diên Khánh, huyện Khánh Vĩnh. Ngoài ra còn có 3 tuyến xe buýt liên huyện Nha Trang – Cam Lâm - Cam Ranh, Nha Trang – Ninh Hòa – Vạn Ninh và Nha Trang - Ninh Hòa - Ninh Tây nối Nha Trang với khu vực phía Nam và phía Bắc Khánh Hòa [24].
Tuyến | Lộ trình | Độ dài (km) | Số trạm và điểm dừng | Ghi chú |
---|---|---|---|---|
Tuyến 1 | Thành (Thị trấn Diên Khánh) - Lê Hồng Phong - Vĩnh Trường | 18 | 2 trạm và 33 điểm dừng | |
Tuyến 2 | Thành (Thị trấn Diên Khánh)- Trần Phú - Bình Tân | 18 | 2 trạm và 28 điểm dừng | |
Tuyến 3 | Chợ Đầm - Ngô Gia Tự - Sông Lô | 13.1 | 2 trạm và 20 điểm dừng | |
Tuyến 4 | Hòn Xện - Nguyễn Thiện Thuật - Vinpearl | 15.5 | 2 trạm và 28 điểm dừng | |
Tuyến 5 | Cầu Trần Phú - Tô Hiến Thành - Hòn Rớ 1 | 12 | 2 trạm và 21 điểm dừng | |
Tuyến 6 | Bến xe phía Nam - Bến xe phía Bắc - Chợ Lương Sơn | 15.3 | 2 trạm và 23 điểm dừng | |
Tuyến 7 | Diên Khánh - Khánh Vĩnh | 25 | 2 trạm |
Đường hàng không
Trước đây các chuyến bay đến Nha Trang và hạ cánh ngay trong thành phố tại sân bay Nha Trang tuy nhiên do nằm trong trung tâm thành phố, gây nhiều khó khăn trong hoạt động, nên sân bay đã được chuyển mục đích sử dụng để phục vụ phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ và du lịch. Hoạt động bay thương mại được chuyển đến sân bay quốc tế Cam Ranh cách trung tâm Nha Trang 35 km về phía Nam. Phương tiện đi lại giữa Nha Trang và sân bay Cam Ranh là xe buýt hoặc taxi. Vé xe buýt được bán ngay cửa ra sau khi lấy xong hành lý.
Các Tuyến bay đến sân bay Cam Ranh
Hãng hàng không | Điểm đến |
---|---|
Jetstar Pacific Airlines | Hà Nội, Theo mùa: thành phố Hồ Chí Minh |
S7 Airlines | Theo mùa: Novosibirsk |
Vietnam Airlines | Đà Nẵng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Moskva, Incheon |
Vladivostok Air | Theo mùa: Khabarovsk, Vladivostok |
VietJetAir | Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh |
Asiana Airlines | Incheon |
Nordwind Airlines | Ulan-Ude[25] |
Đường sắt
Nha Trang nằm trên tuyến đường sắt Bắc Nam với tổng chiều dài đường sắt đi ngang qua thành phố là 25 km thuận lợi cho việc liên kết với các tỉnh còn lại của Việt Nam. Ga Nha Trang là một trong những ga lớn trên tuyến đường sắt Bắc Nam của Việt Nam, tất cả các tuyến tàu lửa Thống Nhất đều dừng ở đây.[26] Ngoài các tàu Thống Nhất, còn có các chuyến tàu SNT1-2, SNT3-4, SQN1-2 và chuyến tàu 5 sao đầu tiên chạy tuyến Sài Gòn-Nha Trang. Ngoài ga Nha Trang thành phố còn có 1 ga phụ là Ga Lương Sơn, nhưng ga này ít khi đón khách
Đường thủy
Thành phố có nhiều bến cảng phục vụ cho nhu cầu đi lại bằng đường thủy. Trong đó cảng Nha trang là một cảng biển tương đối lớn nằm trong vịnh Nha Trang với độ sâu trước bến -11,8m, có khả năng tiếp nhận tàu hàng có trọng tải lớn đến 20.000 DWT và tàu khách du lịch cỡ lớn. Cảng được sử dụng như một cảng đa chức năng phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa [27], là đầu mối vận chuyển hàng hóa và hành khách quan trọng bằng đường biển của thành phố Nha trang, tỉnh Khánh Hoà nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung.[28]. Các cảng nhỏ khác bao gồm cảng Hải Quân: phục vụ học tập cho Học viện Hải Quân và huyện đảo Trường Sa. Cảng cá Hòn Rớ phục vụ cho ngành khai thác thủy sản và chợ hải sản đầu mối Nam Trung Bộ. Ngoài ra, Nha Trang còn có một số cảng phục vụ du lịch như cảng du lịch Cầu Đá, cảng du lịch Phú Quý, cảng du lịch Hòn Tre...[27]
Văn hóa - Du Lịch
Các bãi biển dài của thành phố này đã biến nó thành một thành phố du lịch. Nơi đây cũng đã được chọn làm nơi tổ chức các sự kiện lớn như Festival Biển (Nha Trang), hay các cuộc thi sắc đẹp lớn như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Thế giới người Việt 2007, Hoa hậu Hoàn vũ 2008, Hoa hậu Trái Đất 2010...
Vịnh Nha Trang
Vịnh Nha Trang có diện tích khoảng 507 km² bao gồm 19 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó Hòn Tre là đảo lớn nhất, với diện tích 3.250 ha; đảo nhỏ nhất là Hòn Nọc chỉ khoảng 4 ha. Vịnh có khí hậu hai mùa rõ rệt Mùa khô kéo dài từ tháng giêng đến tháng 8, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12; nhiệt độ bình quân hàng năm là 26⁰C; nóng nhất 39⁰C, lạnh nhất 14,4⁰C. Về mặt sinh thái, vịnh Nha Trang là một trong những hình mẫu tự nhiên hiếm có của hệ thống vũng, vịnh trên thế giới bởi nó có hầu hết các hệ sinh thái điển hình, quý hiếm của vùng biển nhiệt đới. Đó là hệ sinh thái đất ngập nước, rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, hệ sinh thái cửa sông, hệ sinh thái đảo biển, hệ sinh thái bãi cát ven bờ. Đặc biệt khu vực Hòn Mun của Vịnh Nha Trang có đa dạng sinh học cao nhất với 350 loài rạn san hô chiếm 40% san hô trên thế giới[29]. Trong số các đảo trong vịnh có nhiều đảo là các thắng cảnh nổi tiếng như:
- Hòn Mun là một đảo nhỏ trong Vịnh, sở dĩ có tên là "Hòn Mun" vì phía đông nam của đảo có những mỏm đá nhô cao, vách dựng hiểm trở tạo thành hang động, đặc biệt đá ở đây đen tuyền như gỗ mun, rất hiếm thấy ở những nơi khác. Kết quả khảo sát đa dạng sinh học Khu bảo tồn biển cho thấy Hòn Mun là nơi có rạn san hô phong phú và đa dạng nhất Việt Nam. người ta cũng đã tìm thấy 340 trong tổng số hơn 800 loài san hô cứng trên thế giới[29]. Từ năm 2001, Khu bảo tồn biển Hòn Mun ra đời bao gồm các đảo như Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Cau, Hòn Vung, Hòn Rơm, Hòn Nọc và vùng nước xung quanh. Diện tích khoảng 160km2 bao gồm khoảng 38 km2 mặt đất và khoảng 122 km2 vùng nước xung quanh các đảo. Đây là khu bảo tồn biển duy nhất tại Việt Nam hiện nay.
- Hòn Miễu (còn gọi đảo Bồng Nguyên) nơi có Thủy Cung Trí Nguyên với những sinh vật biển kỳ lạ. Cách hồ là bãi sỏi đủ màu, đủ dáng, trải thành từng lớp trên bờ thay cho cát trắng
- Hòn Tằm một điểm du lịch sinh thái biển đảo hấp dẫn, nơi đây vẫn còn lưu lại vẻ hoang sơ của thiên nhiên với thảm rừng nhiệt đới xanh mướt, bờ cát dài lãng mạn. Phía sau đảo này có một hang đá rất đặc biệt, kỳ bí mới được ngành du lịch phát hiện và đưa vào khai thác. Đó là hang Dơi, nơi có rất nhiều đàn dơi cư trú trên những vách đá cheo leo ở độ cao 60m. Đảo được đầu tư phát triển nhiều loại hình thể thao bãi biển như dù bay, bóng chuyền bãi biển, đua xuồng Kayak, leo núi….
- Hòn Tre đảo lớn nhất trong vịnh Nha Trang với diện tích trên 32.5 km², nằm cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 5 km về phía Đông, cách cảng Cầu Đá 3,5 km vị trí tương đối biệt lập, có bãi tắm thiên nhiên đẹp vào bậc nhất Việt Nam, thảm thực vật trong khu vực còn nguyên sơ, khí hậu ôn hoà, ít gió bão, rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng biển. Khu vực quy hoạch đảo bao gồm 2 khu vực chức năng: Khu Vũng Me - Bãi Trũ - Đầm Già - Bãi Rạn được quy hoạch hướng tới một quần thể các dự án du lịch cao cấp bao gồm 7 dự án hiện có: Khu du lịch Con sẻ tre, Vinpearl resort & spa, Khu du lịch sinh thái và Thế giới nước Vinpearl, Công viên văn hóa Vinpearl, Công viên văn hóa Hòn Tre, Khu du lịch sinh thái Bãi Sỏi, Khu biệt thự và sân golf Vinpearl, giao thông đối ngoại của phân khu chủ yếu thông qua 2 cảng du lịch tại Vũng Me và tuyến cáp treo Vinpear (tuyến cáp treo vượt biển dài nhất thế giới[31]). Khu Đầm Bấy được quy hoạch theo mô hình khu du lịch cộng đồng bao gồm khu vực dự án Khu du lịch thế giới biển và dự án Làng du lịch sinh thái Đầm Bấy [32].
- Hòn Chồng-Hòn Vợ gồm 2 cụm đá lớn nằm bên bờ biển dưới chân đồi Lasan. Dưới chân đồi là bãi đá ngổn ngang có thể là do sự xâm thực của thủy triều lên ngọn đồi này. Cụm đá lớn ở ngoài biển gọi là Hòn Chồng, gồm một khối đá lớn vuông vức nằm trên một tảng đá bằng phẳng và rộng hơn, phía mặt đá quay ra biển có một vết lõm hình bàn tay rất lớn Cụm đá thứ hai có hình dáng một người phụ nữ ngồi trông ra biển - được đặt một cái tên có ý nghĩa gần gũi với Hòn Chồng - đó là Hòn Vợ, cụm đá này ít được du khách để ý hơn.
- Đảo yến: đây không phải là tên riêng của một đảo nào, mà cứ đảo nào có yến làm tổ thì gọi vậy. Nhưng trong 19 hòn đảo ở Vịnh Nha Trang thì Hòn Nội và Hòn Ngoại là nơi có nhiều yến nhất. Hòn Nội là đảo nằm phía trong, còn Hòn Ngoại nằm phía ngoài. Hòn Nội có bãi tắm đôi (có hai bờ biển một mặt hướng ra Vịnh Nha Trang mặt còn lại hướng vào một vũng lớn bị cô lập trong đảo mùa nước lên, nước sẽ tràn qua doi cát vào vũng) với cát trắng rất đẹp nhưng ít dùng cho du lịch chủ hoạt động chủ yếu trên đảo là khai thác Yến sào
Chạy dọc theo bờ biển Vịnh Nha Trang dài khoảng 7 km, trải dài từ xóm Cồn đến cảng Cầu Đá là đoạn đường Trần Phú con đường đẹp nhất Nha Trang nằm lượn theo bờ biển với rất nhiều ngôi biệt thự xinh xắn, những khách sạn cao cấp, nhà hàng sang trọng nối liền nhau. Xen vào đó là một hệ thống dịch vụ gồm bưu điện, nhà bảo tàng, thư viện, câu lạc bộ, các cửa hàng bán đồ lưu niệm.
Các danh thắng trong trung tâm thành phố
- Chợ Đầm, chợ trung tâm của thành phố biển Nha Trang, là một công trình kiến trúc đẹp, độc đáo. Đây là chợ lớn nhất và cũng là biểu tượng thương mại của thành phố biển này. Đây là trung tâm thương mại mua sắm và cũng là điểm tham quan du lịch. Chợ có tên chợ Đầm là vì chợ nằm trên một cái đầm cũ rộng đến 7 mẫu tây, ăn thông ra cửa sông Nha Trang dưới chân cầu Hà Ra nay đã bị lấp. Chợ hiện nay bán rất nhiều sản phẩm gia dụng lẫn những mặt hàng lưu niệm, hải sản... rất phong phú. Ngay tại cửa ra vào, bãi đậu xe là tới khu vực chợ, tại các cánh cung bọc 2 bên chợ là bán hải sản, khô, nem nướng và các mặt hàng lưu niệm. Trung tâm chợ bán các mặt hàng thiết yếu.
- Chùa Long Sơn hay còn gọi là Chùa Phật trắng trước có tên là Đăng Long Tự, tọa lạc ở số 22 đường 23 tháng 10, phường Phương Sơn dưới chân đồi Trại Thủy ở Nha Trang. Ngôi chùa này được xây dựng cách đây hơn một trăm năm, trải qua nhiều lần trùng tu, và đến nay là ngôi chùa nổi tiếng nhất Khánh Hòa. Trên đỉnh đồi là bức tượng Kim Thân Phật tổ (còn gọi là tượng Phật trắng) ngồi thuyết pháp, tượng cao 21 m, đài sen làm đế cao 7 m, rất dễ nhìn thấy tại một khu vực rộng xung quanh Chùa. Tượng được xây từ năm 1963 do sự đóng góp của tăng ni phật tử của vùng lân cận. Xung quanh đài sen là chân dung bảy vị hòa thượng, đại đức đã tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của Ngô Đình Diệm trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 năm 1963[33]. Dưới chân đài sen là bức tường chia thành những ngăn nhỏ để chứa hài cốt do các gia đình Phật tử gửi.
- Nhà thờ Núi (tên chính thức là: Nhà thờ Chánh tòa Kitô Vua) là một nhà thờ Công giáo ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Nhà thờ này còn có nhiều tên gọi bình dân như: Nhà thờ Nha Trang (vì trước đây nó thuộc họ đạo Nha Trang); Nhà thờ Ðá (vì nó được xây bằng đá); Nhà thờ Ngã Sáu (vì nó tọa lạc gần một xòng xoay giao thông); nhưng phổ biến hơn cả là tên gọi Nhà thờ Núi (vì nó được xây trên một núi nhỏ)Nhà thờ này được xây dựng theo phong cách kiến trúc nhà thờ phương Tây. Nhìn tổng thể, công trình có bố cục chắc khỏe với những khối lập thể nhỏ dần từ thấp vươn cao, nổi bật giữa trời xanh. Ðiểm cao nhất là nơi đặt thánh giá trên đỉnh tháp chuông, cao 38 mét, tính từ mặt đường.
- Viện Hải dương học Nha Trang là một viện nghiên cứu đời sống động thực vật hải dương. Viện Hải dương học được người Pháp thành lập năm 1922, được xem là một trong những cơ sở nghiên cứu sớm nhất ở Việt Nam và là nơi có bộ sưu tầm các hiện vật về cuộc sống hải dương lớn nhất Đông Nam Á. Hiện nay viện không những là một viện nghiên cứu mà còn là điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách yêu thích sinh vật biển[34].
- Diamond Bay (Wonderpark Resort), một resort trên đại lộ Nguyễn Tất Thành, Nha Trang, Khánh Hòa là nơi diễn ra lễ đăng quang của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008, được hoàn thành chỉ sau bốn tháng xây dựng, khánh thành vào ngày 30 tháng 6, 2008[35].
- Biệt thự Cầu Đá (Lầu Bảo Đại) tọa lạc trên đỉnh núi Chụt (núi Cảnh Long), là một di tích lịch sử văn hóa khá nổi tiếng, nằm cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 6 km. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo, có sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc phương Tây với nghệ thuật hoa viên phương Đông. Lầu Bảo Đại được người Pháp đã xây dựng năm 1923 ban đầu là một cụm 5 biệt thự trên núi Chụt để làm nơi ăn ở cho các nhà hải dương học đến nghiên cứu vùng biển Đông Nam Á tại Viện hải dương học Đông Dương (hiện là Viện hải dương học Nha Trang) người Pháp đặt tên cho các ngôi biệt thự này theo tên các loài cây và hoa trồng xung quanh. Lần lượt từ mỏm núi trở vào là biệt thự Xương Rồng, Bông Sứ, Bông Giấy, Phượng Vĩ, Cây Bàng. Từ năm 1940 đến 1945, hoàng đế Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương thường đến nghỉ ngơi ở biệt thự Xương Rồng và Bông Sứ nên từ đó cụm di tích này được gọi là Lầu Bảo Đại[36].
Khu phố Tây
Nằm bên cạnh bờ biển Nha Trang có một khu phố nhỏ ven theo các con đường Hùng Vương, Trần Phú, Biệt Thự, Trần Quang Khải, Nguyễn Thiện Thuật... Nó không quá ồn ào, nhộn nhịp nhưng tập trung đông khách du lịch nước ngoài và người nước ngoài sinh sống tại Nha Trang.
Phố Tây ở Nha Trang tuy không sầm uất và ồn ào như Phố Tây Phạm Ngũ Lão ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lại mang những nét đặc trưng riêng. Con đường hẹp của khu Quân Trấn đã được mở rộng, với những dãy hàng, quán mang tên Tây, Việt lẫn lộn. Mỗi quán ăn đều mang một cái tên, một quốc tịch khác nhau, với nhiều màu sắc văn hóa, từ Á đến Âu đã tạo nên một khu phố Tây rất Nha Trang.
Để có thể sống dễ dàng hơn giữa một cộng đồng người Việt, người nước ngoài ở khu phố Tây này hầu hết trang bị cho mình một vốn tiếng Việt, thậm chí có người nói rất sõi. Họ còn có một cái tên Việt Nam do những người bạn, những người hàng xóm Việt đặt cho, và họ rất thích cái tên Việt ấy.
Hiện nay cùng sự phát triển mạnh mẽ của nền du lịch tại Nha Trang, khu phố Tây đang trở thành quê hương thứ 2 của những người nước ngoài chọn Nha Trang làm nơi sinh sống và làm việc.[37]
Tháp Bà
Tháp Bà do vua Chămpa là Harivácman xây dựng vào những năm 813 - 817. Trải qua mưa nắng của thời gian, tháp bị hư hại nhiều. Thời Pháp thuộc, trường Viễn Đông Bác Cổ đã tổ chức dùng gạch xây lại nhiều phần và đắp một số tượng lên thân tháp. Mặt bằng thứ nhất của tháp được lát gạch, có 14 trụ và các bậc liên tiếp. Mặt bằng thứ hai là một cụm gồm bốn tháp, cả bốn tháp đều được xây dựng theo kiểu tháp của người Chăm gạch xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính. Lòng tháp rỗng tới đỉnh, cửa tháp quay về hướng Đông. Mặt ngoài thân tháp có nhiều gờ, trụ và đấu. Trên đỉnh các trụ thường đặt gạch trang trí hoa văn hình vòm tháp, trông như chiếp tháp nhỏ đặt trên một tháp lớn trên thân tháp còn có nhiều tượng và phù điêu bằng đất nung, trong đó có hình thần Ponagar, thần Tenexa, các tiên nữ, các loài thú như nai, ngỗng vàng, sư tử...Tháp chính thờ thần Ponagar, tượng trưng cho sắc đẹp, nghệ thuật và sự sáng tạo. Các tháp khác thờ thần Siva, thần Sanhaka và thần Ganeca. Hàng năm, vào tháng 3 âm lịch người dân đến lễ bái ở Tháp Bà rất đông
Đặc sản ẩm thực
Ngoài các sản vật biển, Nha Trang có nước yến/yến sào (hay tổ chim yến được chúng làm từ nước dãi của mình) và nem nướng Ninh Hòa. Ngoài ra, nói đến các món dân dã Nha Trang còn nổi tiếng qua món bún cá hay bánh căn. Với món bánh canh Nha Trang thì không giống với bất kỳ ở một địa phương nào khác, nước lèo được làm từ chất ngọt của cá cộng với bột bánh canh tạo nên một hương vị khó quên. Ngoài ra tại Nha Trang còn có bong bóng cá, vi cá, nước mắm, khô cá thu được xếp vào loại ngon. Hải sản Nha Trang đa dạng và phong phú với rất nhiều loại và vô số những món ăn khác nhau, nổi tiếng có món nhum - còn gọi là cầu gai hay nhím biển ăn sống với cải bẹ xanh.
Kinh tế
Nha Trang là thành phố có nền kinh tế tương đối phát triển ở khu vực miền Trung. Năm 2011, GDP bình quân đầu người của thành phố đạt 3184 USD [27], tốc độ tăng trưởng GDP tăng bình quân hàng năm từ 13- 14%.Cơ cấu kinh tế chuyển đổi tích cực theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. năm 2011, tỷ trọng công nghiệp-xây dựng chiếm 32%, du lịch-dịch vụ 63,77% và nông nghiệp là 4,23%[5]. trong đó công nghiệp tăng 7,97%, dịch vụ tăng 7,01% so với năm 2010, Ngược lại ngành nông nghiệp tiếp tục suy giảm 12,46% do quá trình đô thị hóa khiến quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Là trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa, Nha Trang có nhiều đóng góp đáng kể, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn Khánh Hòa. Tuy diện tích chỉ chiếm 4,84%, Nha Trang chiếm đến hơn 1/3 dân số và hơn 2/3 tổng sản phẩm nội địa của Khánh Hòa. Ngoài ra Nha Trang cũng đóng góp 82,5% doanh thu du lịch-dịch vụ và 42,9% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Là trung tâm khai thác, chế biến thủy-hải sản lớn, sản lượng thủy-hải sản của thành phố cũng chiếm 41,7% tổng sản lượng toàn tỉnh[5]
Thương mại - Du lịch - Dịch vụ
Thương mại- Dịch vụ- Du lịch là ngành kinh tế đóng vai trò quan trọng tạo động lực phát triển đô thị và mang lại vị thế quan trọng cho Nha Trang. Đặc biệt các hoạt động du lịch, văn hóa, vui chơi giải trí phát triển đa dạng, phong phú, nhờ đó Nha Trang thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan -nghỉ dưỡng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2010 ước đạt 9350 tỷ đồng, tăng 20,54% so năm 2009.[27] Hoạt động thương mại tư nhân phát triển mạnh, tạo nên một thị trường cạnh tranh. Xu hướng kinh doanh hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi...phát triển nhanh. Việc coi trọng khách hàng, phong cách phục vụ văn minh, lịch sự ngày càng được chú trọng hơn. Các khu thương mại trên các tuyến phố chính được đầu tư xây dựng tạo nên bộ mặt đô thị và thu hút nhiều khách đến mua sắm. Một số tuyến phố chuyên doanh bước đầu được hình thành như phố xe máy- điện lạnh (đường Quang Trung), phố trang trí nội thất (đường Thống Nhất), phố thời trang (đường Phan Chu Trinh, Lý Thánh Tôn), phố dịch vụ ăn uống- khách sạn (Trần Phú, Biệt Thự, Trần Quang Khải, Hùng Vường, Nguyễn Thiện Thuật...), Tài Chính-Ngân Hàng (Yersin, Lê Thành Phương)...Nha Trang hiện có 24 chợ, trong đó 3 chợ loại I, 2 chợ loại II, 18 chợ loại III và một số siêu thị, trung tâm thương mại lớn nhưNha Trang Center, Fahasa, Co.opmart, Maximark, Metro và các hệ thống cửa hàng tiện lợi như A-Mart, Thế giới di động... Mặc dù hiện nay nhiều loại hình mua bán hiện đại, tiện ích ra đời nhưng các chợ truyền thống vẫn là nơi thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, mua sắm đặc biệt là chợ Đầm.
Trong ngành Du lịch, toàn thành phố hiện có 455 khách sạn, với tổng số gần 10.000 phòng[27]. năm 2011, Nha Trang đón hơn 2 triệu lượt khách du lịch (tăng 18,54% so với năm 2010), trong đó hơn 440.000 lượt khách quốc tế (tăng 13,5%), số ngày lưu trú bình quân của du khách là 2,09 ngày/khách; tổng doanh thu du lịch và dịch vụ ước đạt 2.142,9 tỷ đồng (tăng 20,28%)…Ngành du lịch cũng thu hút khoảng gần 9.000 lao động trực tiếp.[38]
Về Xuất khẩu, năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn thành phố đạt 424 triệu USD với khoảng 50 loại sản phẩm xuất đến trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, may mặc, thủ công mỹ nghệ... trong đó thủy sản là mặt hàng đóng góp giá trị xuất khẩu lớn, năm 2010 đạt khoảng 215 triệu USD, chiếm 50,7% tổng kim ngạch.[5]
Công nghiệp
Công nghiệp cũng là một ngành kinh tế quan trọng của thành phố. Năm 2011, Nha Trang có 1.694 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhà nước là 12 cơ sở, tập thể 06 cơ sở, tư nhân hỗn hợp 400 cơ sở, cá thể 1.269 cơ sở và 9 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2010 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 7.546 tỷ đồng, tăng 10,16%, năm 2011 tăng 9,5% so năm 2010 đạt 8.107 tỷ đồng [39]. Tuy Nha Trang là thành phố chủ yếu phát triển về du lịch và dịch vụ, giá trị sản xuất công nghiệp của riêng thành phố vẫn cao hơn giá trị công nghiệp toàn tỉnh của nhiều tỉnh lớn trong cùng khu vực Đồng bằng duyên hải miền Trung như Thừa Thiên Huế [40], Bình Định[41], Bình Thuận[42]...Cơ cấu công nghiệp chủ yếu là các ngành chế biến thực phẩm, thuốc lá, dệt may, đóng tàu.... Một số sản phẩm phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu duy trì được tốc độ tăng cao như thủy sản đông lạnh, dệt may, nước mắm, hàng mỹ nghệ. Chế biến thủy sản là ngành công nghiệp thế mạnh của Nha Trang, tạo ra nhiều việc làm và đạt kim ngạch xuất khẩu cao. Trên địa bàn thành phố có 35 xưởng chế biến thủy sản xuất khẩu, trong đó 18 xưởng chế biến đông lạnh, 3 phân xưởng chế biến đồ hộp và 13 cơ sở chế biến thủy sản khô [5]
Nông - Lâm - Ngư nghiệp
Sản xuất nông, lâm nghiệp không phải là thế mạnh của thành phố, chủ yếu tập trung tại 6 xã phía Tây. Ngành nông nghiệp đang trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung trồng hoa, cây cảnh, rau thực phẩm cao cấp tạo được hàng hóa phục vụ cho tiêu thụ của dân cư và du khách, đồng thời cải thiện môi trường và trang trí cảnh quan đô thị. Công tác bảo vệ rừng cũng được thực hiện hiệu quả. Diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng hiện nay là 2332,7 ha, vào thời điểm cuối năm 2010 độ che phủ rừng của thành phố đạt 9,2%. Thảm thực vật rừng Nha Trang đang được phục hồi xanh trở lại, góp phần tạo phong cảnh Nha Trang xanh sạch đẹp. Đặc biệt là dự án trồng phục hồi cây Dó trầm, loài cây đặc sản của Khánh Hòa.
Ngược lại, khai thác Thủy sản có xu hướng rất phát triển nhầm phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến và du lịch, ngư dân tập trung chủ yếu ở các phường Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Vĩnh Thọ và 2 xã Phước Đồng, Vĩnh Lương. Tổng sản lượng thủy sản năm 2010 đạt 38926 tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt 38621 tấn, tăng bình quân 6,4% mỗi năm. Khai thác và đánh bắt xa bờ được khuyến khích đầu tư phát triển. Toàn thành phố hiện có 2.893 tàu thuyền với tổng công suất 166.000 CV, trong đó tàu thuyền có công suất lớn (≥ 90CV) đủ điều kiện khai thác xa bờ là 480 chiếc với 85.000 CV. Tuy nhiên tàu nhỏ khai thác ven bờ (≤ 20CV) vẫn còn chiếm tỷ lệ khá cao với gần 1.500 chiếc.
Diện tích nuôi trồng thủy sản có chiều hướng giảm do thực hiện các dự án di dời lồng bè ra khỏi Vịnh Nha Trang để tập trung phát triển Du lịch. Sản lượng tôm nuôi năm 2012 đạt 295 tấn. Nghề nuôi cá lồng trên biển bước đầu góp phần tăng thu nhập cho ngư dân. Nghề đăng - một nghề truyền thống của ngư dân Nha Trang có sản lượng hàng năm đạt 200-250 tấn, trong đó cá thu xuất khẩu chiếm khoảng 60%. Thành phố đã hoàn thành dự án quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản vịnh Nha Trang tại 5 khu vực: Bích Đầm, Đầm Bấy, Vũng Ngán (đều thuộc Hòn Tre), Hòn Một và Hòn Miễu.
Văn thơ viết về Nha Trang
Đã có nhiều tác phẩm văn học và nghệ thuật lấy Nha Trang làm chủ đề vì tính thơ mộng, lãng mạn và xinh đẹp của vùng địa phương này.
- Ca dao:
- Anh về Bình Định thăm cha
- Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em
- Khánh Hòa là xứ trầm hương
- Non cao, biển rộng, người thương đi về
- Ca khúc:
- Nha Trang ngày về của Phạm Duy
- Nhớ Nha Trang của Minh Kỳ
- Nha Trang thu, Ta nghe Nha Trang của Phó Đức Phương
- Những đứa con thành phố
- Nha Trang mùa thu lại về của nhạc sĩ Văn Ký, bài hát được dùng làm nhạc mở đầu trên làn sóng phát thanh của Đài Phát thanh
- Truyền hình Khánh Hòa.
- Sách:
- Xứ Trầm Hương, Quách Tấn, Lá Bối 1970.