Làng
gốm Thanh Hà (Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam )
của cụ Lành nằm cách Đô thị cổ Hội An gần 3 cây số với lịch sử hình thành hơn
500 năm qua. Vốn dĩ theo chân những lưu dân Thanh Hóa Nam tiến thời Trịnh
Nguyễn phân tranh, tổ tiên nghề gốm của làng đã dừng lại ở đây sinh cơ lập
nghiệp.
Bằng sự kết hợp giữa kỹ thuật làm
gốm xứ Bắc với phong thổ, tố chất đất Quảng, họ đã hình thành một làng nghề
Thanh Hà với các sản phẩm phong phú, sắc sảo.
Các sản phẩm của làng là gốm thô,
nung không men với các chủng loại như con thổi, nồi, chậu, ấm, hũ, cối, trả,
chum vại, bình hoa, chậu kiểng, chân đèn… nhờ tính đất nhẹ hơn hàng đất nung ở
các nơi khác nên được nhiều người ưa chuộng. Những người thợ gốm Thanh Hà còn
làm ra ngói âm dương, ngói móc để lợp và gạch để lát nền cho các ngôi nhà cổ ở
Hội An và quanh vùng.
Tuy mang màu đỏ đặc trưng, nhưng
tùy theo kỹ thuật, thời gian và nhiệt độ nung, gốm Thanh Hà có thể chuyển đổi
sang màu hồng, hồng vàng hay gạch nâu và xám đen. Đây là những yếu tố làm phong
phú chất liệu, màu sắc các sản phẩm gốm Thanh Hà xưa. Cộng hưởng thêm địa thế
phía trước trông ra sông Thu Bồn nằm sát biển, bến sông thoáng rộng, thuận tiện
cho thuyền bè vào ra, làng gốm Than Hà theo đó, từ thế kỷ 16, 17 đã trở thành
một làng nghề thịnh đạt, sản phẩm được trao đổi, bán buôn khắp nơi. Các nghệ
nhân gốm Thanh Hà cùng các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng (Hội An) từng được các
vua triều Nguyễn mời ra Huế để chế tác những sản phẩm phục vụ cho sinh hoạt
cung đình, có người được phong quan tước, hàm Bát phẩm, Cửu phẩm.
Tuy nhiên, cùng với thời gian, sự
phát triển của kinh tế xã hội, nghề gốm Thanh Hà sau những giai đoạn chiến
tranh, biến động xã hội dần đã bị mai một. Nhiều nghệ nhân phải đổi nghề hoặc
tha phương kiếm sống, tạm gác bỏ nghề cha truyền con nối bao năm.
Rất may từ khi Hội An trở thành
điểm phát triển du lịch rồi di sản văn hóa thế giới tại miền Trung, chính quyền
và người dân nơi đây đã nhìn nhận lại thực trạng làng nghề để tiến đến phục hồi
làng nghề truyền thống. Các nghệ nhân tâm huyết của làng gốm Thanh Hà theo đó
cũng ra sức vực làng nghề sống dậy. Lò nung gốm Thanh Hà từng bước đỏ lửa quanh
năm theo tiến độ phát triển văn hóa du lịch. Nghệ nhân Lê Trọng, một người khá
tâm huyết với nghề nói: “Từ hướng phát triển du lịch làng nghề, bà con làng gốm
chúng tôi không chỉ giữ được lửa, sống lại nghề truyền thống mà nhiều nghệ
nhân, nhiều bạn trẻ còn sáng tạo ra các mẫu mã phục vụ trang trí cung cấp cho
các công trình xây dựng mới”. Thực tế cho thấy hiện nay, làng gốm đã có thêm
những sản phẩm mới như đèn lồng gốm đỏ, gạch hoa gốm, nhiều hình mẫu, con vật,
phù điêu, mặt nạ… dùng để trang trí trên tường, hàng rào… được đông đảo khách
hàng mua hoặc đặt làm.
Đến với làng gốm Thanh Hà hôm nay,
những du khách gần xa sẽ được tiếp cận, làm quen với toàn bộ quy trình sản xuất
các sản phẩm truyền thống. Chị Linda Jenne ( Ire Land ),
một du khách nhận xét: “Vào đây, chỗ nào chúng tôi la liệt các sản phẩm gốm để
xem, chụp hình, quay phim. Nhiều nhất là các con thổi đã thấy bày bán trước các
Hội quán trong Phố cổ. Thú vị hơn, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những thao
tác điêu luyện từ đôi bàn tay của các nghệ nhân. Những thỏi đất sét vô hồn qua
tay nhào nặn của người thợ bỗng trở thành những sản phẩm xinh xắn, đẹp mắt,
tinh xảo và có hồn. Thật tuyệt vời”. Không chỉ được xem, mọi du khách còn có
thể cùng ngồi vào bàn chuốt để nhào nặn ra những sản phẩm gốm đơn giản làm kỷ
niệm. Vì thế, không có gì lạ khi đoàn du khách nào rời khỏi làng gốm Thanh Hà
cũng lích kích mang theo đủ loại vật phẩm làm lưu niệm.
Cũng cần nói, những năm gần đây
gốm Thanh Hà đã theo chân du khách và các nhà thiết kế mô túy nhà cổ lan tỏa đi
khắp nơi trong nước và cả nước ngoài. Hình ảnh làng gốm cổ QuảngNam vì
vậy càng vượt xa khung cảnh bình dị của mình để đóng góp vào tiến trình phát
triển kinh tế và văn hóa du lịch của thành phố cổ Hội An và Việt Nam .
Nguồn:Báo
kinh tế hợp tác Việt Nam