Chùa Phật Đà thường được gọi là chùa Lò Gạch, tọa lạc ở số 32, đường Mạc Cửu, phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Chùa nằm dưới chân núi Bình San, cạnh lăng Mạc Cửu. Xưa kia, nơi đây có cái lò gạnh bị bỏ hoang. Đến năm 1945, trên bước vân du hành đạo miệt Hà Tiên, Hòa thượng Thích Chí Hoà, (thế danh Nguyễn Văn Tịnh) đã dừng chân tại chỗ này và lập nên một ngôi chùa nhỏ bằng cây lá mang tên là Tịnh Xá Chí Hòa. Và vì cái lò gạch được sử dụng làm chánh điện, để tụng kinh bái sám, nên dân địa phương gọi là Chùa Lò Gạch.



Trong thời gian trụ xứ và giáo hoá tại bổn tự, Hòa thượng đã mở mang khu vực xung quanh và xây cất thêm nhiều am tranh tịnh thất để tiếp Tăng độ chúng.

Năm 1949, Hòa thượng cùng với vài đệ tử sang Campuchia để hoằng pháp. Một năm sau đó, Ngài trở về lại quê hương và tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, Hòa thượng viên tịch tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Người kế vị trụ trì là Hòa thượng Thích Quảng Tấn.



Ngài Quảng Tấn thế danh là gì, sanh năm nào, ở đâu, hành trạng ra sao, không ai rõ. Chỉ biết rằng sau khi Ngài Quảng Tấn tịch thì bà Dương Thị Thoàn, pháp danh Diệu Trí, người bí mật hoạt động cách mạng với bí danh là Trần Thị Thanh đã đến ở và coi sóc chùa.

Năm 1993, theo nguyện vọng của bà Diệu Trí và Phật tử ở đây, Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang đã bổ nhiệm Đại đức Thích Huệ Tâm, trú xứ chùa Phước Hưng (Sa Đéc) về trụ trì và đổi tên ngôi Tịnh xá thành Chùa Phật Đà. Do vì trải qua một thời gian dài không người tu bổ nên ngôi Tam bảo vốn hư cũ ngày càng thêm xuống cấp nặng. Thế nên vào tháng 9/1993, thầy trụ trì đã cho khởi công trùng tu, xây dựng mới lại ngôi đạo tràng này.



Năm 1998  với tâm thiết tha quy ngưỡng đường lối tu Thiền của Thiền sư Thích Thanh Từ, thầy xin nhập chúng tu học với Thiền sư tại Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng – Đà Lạt. Đến năm 2000, vì bệnh duyên nên thầy phải trở về trụ xứ. Cũng trong thời gian này, thầy được Tỉnh hội bổ nhiệm làm Chánh đại diện Phật giáo thị xã Hà Tiên cho đến nay.

Năm 2009, chùa được trùng tu lại rất khang trang với đầy đủ các phòng nhà cần thiết cho sự sinh hoạt của một Tòng lâm. Mặc dù cơ sở không qui mô nhưng với lối kiến trúc hài hòa, chùa Phật Đà đã góp vào cụm thắng tích “Bình San Điệp Thúy” một danh lam Phật tự thật trang nghiêm, thanh nhã.



Chùa Phật Đà là một công trình nghệ thuật kiến trúc Phật giáo rất độc đáo, giàu tính thẩm mỹ, vừa cổ kính, lại vừa hiện đại làm tăng thêm vẻ đẹp nên thơ của thắng cảnh Bình San điệp thúy ở vùng đất Hà Tiên thập cảnh.

Chùa có kiến trúc theo hình chữ “nhất” mang đậm bản sắc Á Đông, được phối hợp giữa nét kiến trúc cổ và kỹ thuật hiện đại. Quần thể kiến trúc chùa bao gồm chánh điện, nhà thờ tổ, đông lang và tây lang, nhà phương trượng và tăng phòng. Chánh điện chùa có kiểu lò nung gạch, bên trong có tượng một vị bồ tát cầm phương trượng, nét mặt từ bi, tự tại mang hình tượng ngài Mục Kiền Liên đi tìm mẹ ở chốn âm cung.



Khác với kiến trúc thông thường ở các ngôi chùa Việt, chùa Phật Đà không có cổng tam quan, thay vào đó là hai cánh cổng được thiết kế hai bên theo mô típ kiến trúc cổng chùa của xứ Hàn. Điểm nhấn nổi bật của chùa là cây bồ đề nằm chính diện trước sân có niên đại hơn 60 năm.

Dưới gốc bồ đề tôn trí pho tượng Phật Thích Ca với tư thế tọa thiền, điều kỳ lạ là cội rễ của cây bồ đề bao trùm lên bệ tượng và đưa pho tượng lên cao hơn so với vị trí ban đầu. Thân cây có đường kính khoảng 1,5m, nhánh và tán lá xum xuê nhưng toàn bộ cội rễ đều mọc ra phía trước và hai bên mà không hề mọc vào trong sân chùa. Nhiều nhà thực vật học phải thán phục và không hề giải mã được điều kỳ lạ này.



Quả là:

“Đây chùa Lò Gạch núi Bình San
Một thuở hoang vu gội gió ngàn
Núi nhỏ um tùm cây cỏ dại
Chùa quê quạnh quẽ bóng trăng tàn
Nhân duyên pháp Phật hoa thiền nở
Cảnh trí Không môn rợp nắng vàng
Sớm vọng chuông ngân tan niệm tục
Chiều vang mõ nhịp cõi lòng an.”
Du khách đến tham quan Hà tiên thập cảnh, hành hương chiêm bái danh lam thắng cảnh nơi đây thường ghé vào chùa viếng thăm lễ Phật.

Chùa Phật Đà không chỉ đẹp về lối kiến trúc độc đáo mà còn là một không gian thiền định, một chốn thiêng liêng của cõi Phật đường. Nơi đây, nền văn hóa Việt Nam nói chung và giá trị văn hóa, tín ngưỡng tâm linh Phật giáo nói riêng được tôn vinh và gìn giữ.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ báo Giác Ngộ, NTO

Du Lịch Độc Thân

Nhiều người xem

 
Top