Chúng tôi đến bãi biển Hà Tiên để chiêm ngưỡng hòn Phụ Tử và còn để nghe kể về những câu chuyện huyền bí bao phủ ngôi tháp cổ. Hỏi thăm người dân địa phương, chúng tôi đã đến được phường Bình San, thị xã Hà Tiên “trên bến dưới thuyền”, tỉnh Kiên Giang mảnh đất tận cùng phía Tây Nam Tổ quốc.
Từ chân núi Đề Liêm, vượt qua một nghĩa địa rêu phong cũ kỹ, leo con dốc khá cao chừng 70m mới đến ngôi tháp cổ 7 tầng có trên 300 năm tuổi.
Ngôi tháp được ôm gọn lọt thỏm giữa cây bồ đề già nua nhằng nhịt thân rễ trông đã rất cổ kính và nhuốm màu huyền thoại. Bên trong tháp trống rỗng, các cụ già cao tuổi cho rằng tầng một, nằm sâu trong lòng đất vẫn còn ngọc vị của vị sư trụ trì đầu tiên.
Vị sư trụ trì hiện nay tiếp chúng tôi tuổi đã cao, da dẻ đỏ au, là một pho chuyện kể mãi không hết về những câu chuyện sắc sắc, không không đã trở thành thần linh trấn giữ phần đất phương Nam linh thiêng này.
Theo nhà sư cho biết, khi những cư dân đầu tiên tìm đến mở mang, khai khẩn vùng đất “trên núi, dưới biển” này đã thấy ngôi mộ tháp 7 tầng, trên đỉnh tháp mọc một cây bồ đề. Chính xác ngôi tháp có 9 tầng, nhưng trải qua thời gian mưa nắng, đất đá trên đỉnh núi trôi xuống lấp hết 2 tầng dưới, chỉ còn thấy 7 tầng, nên người ta gọi luôn là “tháp 7 tầng“. Trước cửa tháp có tấm bia đá khắc dòng chữ Hán: Lâm tế tam thập lục thế. Ẩn Đàm Lão hòa thượng chi tháp” (tháp mộ của Lão hòa thượng Ẩn Đàm, dòng Lâm Tế đời thứ 36). Cạnh đó lại có tấm biển xi măng khắc dòng chữ Việt “ Lâm Tế/1962/tháp 7 tầng/Ẩn Đàm/Lão hòa thượng”. Ngôi tháp hình bát giác trên núi Đề Liêm nên người xưa còn gọi núi Đề Liêm là Bát Giác sơn. Bên cạnh tháp còn có chùa của dòng Lâm Tế do hòa thượng Ấn Đàm trụ trì, gọi là chùa Phù Dung. Tuy nhiên tên chính của chùa vẫn được gọi là Tiêu Sơn tự.
Trước khi đến tìm hiểu ngôi tháp này, tôi đã được nghe kể về những câu chuyện kỳ bí quanh ngôi tháp 7 tầng này. Tôi hỏi nhà sư về những câu chuyện “truyền miệng” bao phủ lên ngôi tháp cổ. Nhà sư phóng tầm mắt xuống con dốc dài, nhưng có nhiều đoàn khách thập phương đang hành hương lên ngôi tháp cổ, thắp nén nhang, lâm râm khấn vái cầu xin những điều tốt lành, nhà sư tâm sự: “Nếu nói là chuyện “truyền miệng” thì có thể thật, có thể bịa, vì “ tam sao thất bản” cùng thời gian, hoặc do con người thêm mắm, thêm muối cho… thêm phần ly kỳ hấp dẫn.
Nhưng những câu chuyện tôi kể cho anh nghe là chuyện “đương đại” mới xảy ra không xa. Tin hay không là tùy ở anh. Nhà sư chỉ tay sang bên kia biên giới xót xa nói: “Những chuyện đau lòng bắt đầu xảy ra khi những sòng bạc mọc lên như nấm bên kia biên giới Xà Xía. Nhiều người vẫn không hiểu câu “đánh bạc là bác thằng bần” nên vẫn đua nhau vượt biên tìm miền đất hứa với hy vọng hốt bạc làm giàu. Nhưng giàu đâu chẳng thấy, đến khi “cháy túi”, nhiều người phẫn chí, tủi hổ đã tìm đến đây tự tử. Song, cửa từ bi hỉ xả, vị thần linh của ngôi tháp không muốn chứng kiến cảnh chết chóc diễn ra ở đây, đã ra tay cứu sống hoặc giúp họ bỏ ý định tìm đến cái chết trốn chạy cuộc đời.
Một ngày nọ, có một phụ nữ trung niên đến ngồi cạnh tháp khóc sướt mướt suốt một ngày, một đêm rồi bỏ đi. Người ta đã tìm thấy ở chỗ cô ngồi một bức thư tuyệt mệnh, cùng lọ thuốc diệt chuột. Đọc thư mới biết cô tên là H., ở miệt Rạch Giá đi buôn cá, mực khô ở Hà Tiên. Nghe lời bạn xúi giục, H. mang tiền sang nướng vào sòng bạc thử vận may. Sau những ngày thử vận đỏ đen, H. nhẵn túi. Quẫn chí, cô tìm đến ngôi tháp cổ để kết thúc cuộc đời. Nhưng khi ngồi dưới gốc cây bồ đề, H. đã tĩnh tâm nghĩ lại nên đã bỏ ý định tự vẫn để về với cuộc đời.
Lại có một anh thanh niên tên là H ở Tô Châu thua bạc bên Casino, Campuchia liền leo lên đỉnh tháp, xé áo làm thòng lọn treo cổ. Nhưng khi anh ta chui đầu vào thòng lọng để kết thúc mọi chuyện thì thòng lọng bị đứt, anh ta rơi xuống đất, nằm quay lơ bất tỉnh nhân sự, may được người dân phát hiện đưa đi bệnh viên cấp cứu kịp thời nên thoát chết…
Đang trong câu chuyện với chúng tôi, một người đàn ông chạc tuổi “ xưa nay hiếm” bước vào, nhà sư tạm dừng câu chuyện mời ông ngồi xơi nước. Nhà sư giới thiệu: “Đây là ông Lương Phềnh Cang, cán bộ ngành bưu điện đã nghỉ hưu, ngụ tại khu phố 1, phường Bình San, người trong cuộc, cùng 10 nạn nhân khác thoát chết một cách kỳ lạ trong vụ diệt chủng của bọn “cướp ngày” Pôn Pốt khi chúng lấn chiếm sang đất Hà Tiên năm 1978. Tôi xin nhường lời cho “nhân chứng lịch sử”.
Nghe nhà sư nói vậy, ông Cang trầm ngâm một lúc như để sống lại câu chuyên xưa, rồi ông chậm rãi kể: “Còn nhớ khi đó là vào nhập nhoạng chiều 13-3- 1978, một số người dân biên giới Xà Xía và chợ Hà Tiên hay tin quân Pôn Pốt tràn sang lãnh thổ nước ta, vội dọn đồ đạc chạy lánh nạn. Những người không chạy kịp bị bọn Pôn Pốt giết hại rất dã man. Dưới chân núi Đề Liêm hồi đó còn thưa người, chỉ có 4 gia đình của ông Trần Kim Sáu, bà Thìn, ông Niêng và tôi sinh sống. Khi nghe thấy tiếng súng AK và tiếng kêu cứu thất thanh của người dân xóm ngoài thì đã muộn. Cả mấy gia đình, trong đó có 5 trẻ em vội chui vào lòng tháp ẩn nấp. Một toán lính Pôn Pốt choai choai 16- 17 tuổi ôm súng AK kéo nhau lên tháp cổ.
< Bên trong tháp cổ.
Nghe tiếng trẻ khóc, chúng vây kín tháp. Một tên bước đến cửa tháp ngó nghiêng vào bên trong, khẩu súng lăm trong tay. Mọi người nép vào nhau run lên bần bật. Ai cũng nhìn thấy đôi mắt lạnh tanh của hắn. Mọi người nhắm mắt chờ chết. Bình thường đứng ở vị trí của tên lính nhìn vào hang thấy rất rõ mọi thứ. Song không hiểu vì lý do mờ mắt, hay lóa mắt mà tên lính Pôn Pôn mặt còn non choẹt lom khom nhìn vào lòng tháp mà… không thấy gì? Bỗng có tiếng chó sủa vang, tên lính giật mình quay súng xả cả “băng” đạn vào con chó rồi bỏ đi cùng đồng bọn. Mọi người lúc đó mới hoàn hồn. Ai cũng nghĩ được thần linh che chở. Phải chờ đến hôm sau, bộ đội ta phản công tiêu diệt địch, cứu 11 người kiệt sức ẩn nấp trong hang đem về tuyến sau cấp cứu.
Nhà sư cho biết, cách đây mấy năm, bọn lâm tặc ngang nhiên đến chặt cây bồ đề. Khi lưỡi cưa máy ngập sâu vào thân cây mấy phân thì mắc kẹt. Cưa tiếp không được, lấy ra cũng không xong. Một tên trong nhóm hùng hổ lấy búa nện vào thân cây để lấy lưỡi cưa ra. Song khi nhát búa đầu tiên nện vào cây thì bị hút chặt vào thân cây. Cả nhóm hợp lực hò nhau kéo búa ra mà không được. Cuối cùng chúng phải nhờ nhà sư trụ trì đến đốt nhang, đọc kinh, khấn xin. Nhà sư chỉ kéo nhẹ là cả lưỡi cưa lẫn búa đều rơi ra(?). Bọn lâm tặc từ đấy cạch, không dám bén mảng đến đây nữa.
Ngôi tháp cổ trên núi Đề Liêm là một điểm đến của khách du lịch khi dừng chân tại Hà Tiên, chuẩn bị đi tàu thủy tốc hành qua thăm đảo Phú Quốc. Ngôi tháp 7 tầng cần được bảo vệ, tôn tạo cùng những câu chuyện cũng giống như truyền thuyết tồn tại song song với lịch sử luôn hấp dẫn thế hệ trẻ.
Du lịch, GO!
Núi Đề Liêm còn có tên gọi khác là núi Phù Dung. Trong “Gia Định thành thông chí” xác nhận, núi Đề Liêm còn tên gọi khác là Bát Giác Sơn. Có lẽ do ngôi tháp có hình bát giác nên người xưa đặt tên núi theo. Bên cạnh ngôi tháp có một ngôi chùa dòng Lâm Tế do Hòa thượng Ấn Đàm trụ trì, gọi là chùa Phù Dung. Tuy nhiên, tên chính của chùa là Tiêu Sơn Tự. Các sử liệu có ghi, từ khoảng năm 1820 (là năm sách “Gia Định thành thông chí” ra đời) trở về sau, trấn Hà Tiên đã trải qua 3 cuộc tao loạn lớn do quân Xiêm xâm lược, gồm: năm 1833 (Minh Mạng thứ 14); tháng 2/1842 (Thiệu Trị năm thứ 2); năm 1845 (Thiệu Trị năm thứ 5).
< Chùa Phù Dung ngày nay.
Ngôi chùa Phù Dung bị quân Xiêm phá sập vào khoảng năm 1833-1834, tức lần tao loạn đầu tiên. Năm 1969, người ta phát hiện ra di tích này. Khi đào sâu xuống nền đất khoảng 3 tấc, người ta bắt gặp rất nhiều vật dụng còn nguyên vẹn, như: cái lư hương bằng đồng, nhiều lọ sành sứ, một cái chum còn nguyên số gạo đã ẩm nát... Sự cố chùa bị sập với các loại gia dụng còn nguyên, cho thấy chiến tranh đã ập đến bất ngờ.
Cách ngôi tháp 40 mét về ở hướng tây nam, bây giờ vẫn còn hiện hữu một giếng xưa gọi là giếng chùa Tiêu. Trong sách “Monogaphie de la povince de Ha Tiên” của Hội Nghiên cứu Đông Dương ấn hành năm 1901 khẳng định ngôi chùa này đúng là Tiêu Sơn Tự - 1 trong 10 cảnh đẹp của Hà Tiên lúc bấy giờ và đã được Mạc Thiên Tứ ca ngợi trong bài thất ngôn bát cú "Tiêu Tự hiểu chung".
Khi những cư dân đầu tiên tìm đến khai khẩn vùng đất này đã thấy ngôi mộ tháp 7 tầng sừng sững với ngọn cây bồ đề trên đỉnh tháp. Mưa làm xói mòn, đất đá trên đỉnh núi trôi xuống lấp dần 2 tầng dưới nên người ta chỉ thấy có 7 tầng trên. Người ta gọi luôn đó là tháp 7 tầng. Xung quanh ngôi mộ tháp, hiện nay vẫn còn những trụ đá móng nền - Dấu tích của một ngôi chùa bị tàn phá. Thời gian dần trôi, cây bồ đề ngày càng lớn. Rễ cây dần phủ kín ngôi tháp cổ theo từng bậc trông rất đẹp mắt. Bên trong lòng tháp trống rỗng. Người ta cho rằng, dưới tầng một vẫn còn ngọc vị của vị sư trụ trì. Tất cả những cứ liệu lịch sử đều khẳng định giá trị ngôi tháp cổ ấy.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bao ngày nắng đêm mưa ngôi tháp cổ đã tròm trèm 300 tuổi. Ngôi tháp không chỉ là một phần của lịch sử khai khẩn phương Nam mà còn là một di tích đánh dấu sự tồn sinh mãnh liệt của ông cha ta, đáng để hậu thế chiêm ngưỡng, tự hào...
Theo CAND
Dulichgo