Hai chữ "Chợ tình" đã đi vào cách hiểu của người dưới xuôi như một phạm trù xã hội về tình yêu, hôn nhân. Giải thích thì có thể, nhưng chưa có cách nào định nghĩa thấu đáo về hai từ lắp ghép này
54 dân tộc trên đất nước Việt Nam mang những sắc màu văn hoá khác nhau. Sự phong phú ấy đã khiến đời sống văn hoá của các dân tộc như tấm áo váy của cô gái Lô Lô, rực rỡ sắc màu mà vẫn hài hoà. Ðẹp lạ thường! Một trong những "sắc màu trên tấm áo váy" ấy là Chợ tình của một số dân tộc ở vùng núi phía Bắc...
Hai chữ "Chợ tình" đã đi vào cách hiểu của người dưới xuôi như một phạm trù xã hội về tình yêu, hôn nhân. Giải thích thì có thể, nhưng chưa có cách nào định nghĩa thấu đáo về hai từ lắp ghép này. Bởi lẽ, gọi là chợ thì ở đó phải có mua có bán. Nhưng cái tình ở đây không ai bán, cũng chẳng ai mua. Vậy, đâu gọi là chợ!
Trớ trêu, những người yêu nhau lại lấy chợ làm nơi hò hẹn. Bởi vậy, nôm na có thể hiểu, Chợ tình là nơi hò hẹn, trao gửi tình cảm, có những cử chỉ yêu đương diễn ra ở chợ theo phong tục, tập quán tuỳ từng địa phương. Cũng đương nhiên và dễ hiểu vì chợ là đầu mối, là điểm nút của hầu hết những sinh hoạt văn hoá của đồng bào vùng cao.
Các đôi nam nữ hẹn hò tại chợ tình Sapa
Chợ tình nhiều người biết đến nhất là chợ tình Sapa - một điểm du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch cả trong và ngoài nước khi tham gia tour du lịch Sapa. Cái thị trấn nhỏ bé này nằm lọt trong một vùng tiểu khí hậu ôn đới, mát mẻ quanh năm. Có những năm mùa đông tuyết rơi nên thật lãng mạn, hấp dẫn du khách. Mỗi tuần, chợ họp một lần vào tối thứ Bảy. Ðây là chợ của người Dao. Từ chiều, dưới phố và ở sân nhà thờ đã thấy rất nhiều phụ nữ đầu quấn khăn đỏ và mặc trang phục thêu hoa văn lộng lẫy cùng với những vòng bạc, khuy bạc, những đồng tiền nhỏ đính trên vai áo.
Hấp dẫn hơn nữa là có những tiếng reo theo mỗi bước chân, từ những chùm lục lạc đồng xinh xắn đính trên những chiếc khăn choàng đầu. Ðối tượng của họ là những chàng trai người Dao trong trang phục áo Chàm, khăn cùng màu, tay đeo đồng hồ và vai khoác chiếc đài cassette. Ở một góc nọ, dăm bảy chàng trai xúm quanh một cô gái, họ đưa những chiếc máy catssette của họ vào gần cô gái để ghi âm những khúc hát tỏ tình bằng tiếng dân tộc. Thấy có người lạ, cô gái xấu hổ cúi đầu hoặc lấy tay che mặt, nhưng vẫn hát với giai điệu run run.
Các cô gái dân tộc Dao đi chợ tình Sapa
Rồi màn đêm xuống. Sau những bụi cây và cả trên ngọn núi cao tít kia là những âm thành mời gọi lúc trầm, lúc bổng của khèn lá, khèn môi bồng bềnh trong đêm. Phong tục của người Dao không ngăn cản người đã có vợ có chồng đi tìm bạn tình. Con gái 13, 14 tuổi đi theo các chị để làm quen. Những cô gái trẻ, đẹp thường được rất nhiều chàng trai để ý. Họ vây quanh, mở cassette cho cô gái nghe hoặc tán tỉnh rồi tặng quà kỷ niệm. Cô gái không ưng thì bỏ quà chạy và bị nắm tay giữ lại. Ðộng tác này gọi là "kéo", một biểu hiện đặc trưng cho sự tỏ tình quyết liệt. Cho tới lúc "chấm" được một chàng, cô gái dúi vào tay người đó một vật đính ước. Vật đính ước ấy có thể là một chiếc nhẫn, chiếc vòng tay hay chiếc lược... Thế là đám đông ồ lên, tản ra. Cô gái quay về với các bạn gái. Một lúc sau khi yên tĩnh trở lại, 2, 3 cô bạn đưa cô gái này đến "gửi gắm" cho người đàn ông cô đã chọn. Rồi đôi bạn tình đưa nhau tới đâu chỉ có rặng Samu xào xạc kia mới biết...
Tuy nhiên bây giờ....
Chợ đậm thêm, tình nhạt bớt
Chợ chủ yếu diễn ở khu vực trước mặt nhà thờ thị trấn. Đó là điểm hẹn tình, nơi giao duyên của những chàng trai, cô gái người Mông, Dao...
Hơn 8 giờ tối, Sapa đã chìm nghỉm lớp sương mù dày đặc và giá lạnh, một thứ đặc sản của vùng núi cao. Cũng thời điểm đó, những ngả đường đổ về khu vực nhà thờ trở nên đông vui, tấp nập hơn bao giờ hết. Du khách (trong đó có nhiều du khách nước ngoài) ở các nhà nghỉ, khách sạn và bà con dân bản kéo về khu vực trung tâm.
Điều thu hút sự tò mò của chúng tôi cũng như đông đảo du khách là tiếng khèn của các chàng trai nhí người Mông. Đội khèn có đến gần chục người, tuổi từ 12- 14. Tiếng khèn “hòa tấu” làm vang lên cả một góc chợ trước mặt nhà thờ. Du khách ai cũng cố len người vào để được tận mắt thấy các chàng trai Mông thể hiện tài năng, quyến rũ với bạn tình.
Nhưng điều thấy lạ là rất ít “bóng hồng” người Mông xuất hiện gần đó. Cứ xong mỗi đợt “hòa tấu” đội khèn lại cúi chào rất chuyên nghiệp, và liền sau đó mỗi người cầm mũ tản đi tứ phía... xin tiền du khách. Có anh chàng vì chìa mũ vẫn chưa kiếm được nên nhảy ra “độc tấu” một mình rồi vội vã xin tiền.
Lúc đầu còn nhiều du khách tán thưởng và mở hầu bao mỗi khi họ biểu diễn xong, nhưng khi thấy kiểu trông múa khèn xong để xin tiền thì nhiều du khách không hài lòng và tản đi chỗ khác.
Anh bạn tôi, đi cùng người yêu vừa đứng gần đấy một lúc, các chàng Mông “hỏi” đến...4 lần, ngại quá nên lần nào cũng phải cho. Các du khách nước ngoài khi yêu cầu nhảy để họ chụp ảnh, quay phim thì đội khèn khưng lại có ý “ra giá”, cho thêm tiền mới biểu diễn tiếp...
Chạy dài theo mép sân trước mặt nhà thờ là dãy hàng bán đồ lưu niệm. Nhiều mặt hàng được bày như đồ thổ cẩm: quần áo, mũ, khăn, túi xách, túi đựng điện thoại di động, ví...vòng bạc đeo tay, đeo cổ...với cái giá “treo” cao vót.
Nhiều mặt hàng giá thách đội lên gấp nhiều lần so với giá bán. Một cái ví thách đến 20 nghìn nhưng trả 7 nghìn...bán luôn. Vòng bạc đeo tay giá chỉ 25-30 nghìn thì thách lên đến 90 nghìn. Một số mặt hàng như mật ong, rượu Bắc Hà, Shan Lùng...được bày bán nhưng chất lượng khó mà kiểm chứng.
Dạo quanh khu vực chợ diễn ra, chúng tôi còn bắt gặp những cảnh không đẹp mắt lắm. Nhiều em bé người Mông chừng 8 - 9 tuổi, tay mang cả chuỗi vòng bạc đeo cổ, tay...bám riết khách du lịch để nài mua bằng được. Có chị khách khó xử khi có tới 4-5 em xúm lại...chờ mua.
Điều đáng tiếc cho những du khách ưa phám phá khi đến chợ tình có tiếng như Sapa mong “bắt” được một cảnh tỏ tình của các chàng trai, cô gái người Mông, Dao lại hơi hiếm.
Hình ảnh các chàng trai Mông, Dao tay đeo đồng hồ, vác cassette... thổi kèn lá; thổi, múa khèn...thể hiện say đắm hết mình với bạn tình có lẽ còn sót lại đâu đó. Chợ tình Sapa bây giờ tấp nập hơn với cảnh mua bán và trong đó những tiếng khèn, điệu nhảy... cũng đã bị tính thương mại lấn át.
Chợ vãn dần cho đến khoảng 12 giờ đêm, lúc chỉ còn lại những du khách sưởi ấm bên bếp than rực hồng với khoai nướng, trứng gà nướng...ấm nồng bên chén rượu Bắc Hà, Shan lùng để xua đi cái lạnh vùng Tây Bắc...