Nhắc đến dân tộc Thái là nhắc đến những nét văn hóa đặc sắc, những tinh hoa ẩm thực của một dân tộc vùng cao Tây Bắc. Mà trong đó, múa xòe được coi là một đặc trưng của nghệ thuật dân gian và trở thành biểu tượng văn hóa của dân tộc Thái.
Xoè được dịch ra theo tiếng Thái ghi trong cuốn “Quán tố mương" có nghĩa là "xé", nhằm chỉ một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian tập thể, trong tiếng việt gọi là múa. Nó bắt nguồn từ hình thức múa sơ khai trong dân vũ Thái với những động tác múa đơn giản và một bước chân vững chắc. Ngày ấy, con người phải liên kết lại với nhau để vượt qua thiên nhiên khắc nghiệt và đánh đuổi thú dữ về phá bản làng.
Truyền thống đoàn kết cộng đồng ấy tiếp tục được phát huy trong công cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, đánh đuổi giặc ngoại xâm. Sau mỗi trận thắng, cả làng lại đốt lửa ăn mừng chiến thắng. Họ nhảy múa quanh đống lửa, cùng nhau reo hò, nắm tay nhau không phân biệt nam nữ, trẻ, già, cả bản làng cùng nhau ca hát, nhảy múa theo nhịp trống, và cùng uống rượu để tận hưởng niềm vui chiến thắng.
Hoạt động ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần, dần dần được nâng lên cả về động tác lẫn ý thức, hình thành lên các điệu xoè. Ngày lễ tết, dịp hội hè, mừng nhà mới ... không thể thiếu không gian múa xoè của cộng đồng. Chính không gian ấy góp phần làm nên bản sắc tộc người. Ngày nay xoè đã phát triển thành nghệ thuật biểu diễn với các động phong phú như: xoè quạt, xoè nón, xoè khăn, xoè bướm, xoè đèn… Nghệ thuật xoè ngày càng thấm đậm trong đời sống tộc người và công chúng muôn phương.
Đệm cho múa xoè là các loại nhạc cụ như trống, chiêng và khèn. Trống có 2 loại Công va Cống. Cống là loại trống dài gần một mét, tang trống bằng cả thân gỗ, đục rỗng, hai đầu bịt bằng da trâu hay bò, có đường kính khoảng 4,5m, tiếng Cống đục và vọng gần. Còn Công là một loại trống lớn hơn, dài từ 1,5 đến 3m, đường kính 5 – 7m, bịt bằng da bò, tiếng trong, gọn và vang xa hơn. Với nét giai điệu linh hoạt, vui tươi và trên nền nhịp 2/4, hài hoà với các động tác chuyển động của điệu xoè đã tạo nên cái hồn ho ngày lễ hội cộng đồng.
Xoè Thái có 2 lối hát là hát thơ (khắp xư) và hát gọi (khắp chiệu). Đó là những lời hát mở đầu cho điêụ xoè, góp phần làm cho âm nhạc và điệu múa bay bổng, tràn đầy cảm xúc.
Phụ nữ Thái tham gia múa xoè bao giờ cũng gọn gàng, duyên dáng trong bộ váy đen, thắt lưng xanh, áo cóm cùng đôi hàng cúc bạc "mắc pém" lấp lánh, chiếc khăn Piêu sặc sỡ và các loại trang sức như vòng, xà tích bạc.
Từ xưa tới nay loại hình nghệ thuật xoè dân gian này được tích luỹ bằng trí nhớ và trao truyền cho thế hệ sau theo hình thức truyền miệng. Nhưng nó sống mãi với thời gian và tồn tại trong không gian bởi Xoè Thái mang đậm nét văn hoá của tộc người, chứa đựng tất cả các yếu tố thiên nhiên, lịch sử, con người cùng với đời sống tinh thần tộc người. Nó góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng một đời sống văn hoá vui tươi, lành mạnh, thúc đẩy sản xuất phát triển.