Tháng 1/1959 Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) đã thông qua Nghị quyết về đường lối của cách mạng miền Nam. Trong đó tư tưởng chỉ đạo cực kỳ quan trọng để chuyển cách mạng miền Nam sang chuyển biến có tính nhảy vọt được đề ra trong NQ có tính lịch sử này là nhân dân miền Nam phải dùng con đường cách mạng bạo lực để tự giải phóng mình, ngoài ra không còn con đường nào khác.




Để thực hiện được nhiệm vụ chiến lược đó, chúng ta phải giải quyết được một bài toán khá hóc búa là bằng cách nào vận chuyển được người và vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Đầu những năm 60 của thế kỷ XX, tuyến đường giao liên Trường Sơn-559 đã thực hiện việc vận chuyển vũ khí vào với đồng bào miền Nam nhưng chủ yếu mới đưa được vào tới các tỉnh khu V, còn các tỉnh ven biển, đặc biệt là các tỉnh trong Nam Bộ thì chưa tới được. Thời kỳ này, phong trào cách mạng miền Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhu cầu về vũ khí cho chiến trường miền Nam đang đòi hỏi cấp bách, mang tính sống còn. Đồng bào miền Nam phải chiến đấu với Mỹ- ngụy bằng các loại vũ khí thô sơ và lạc hậu. Do vậy việc chi viện vũ khí cho miềnNam trong thời điểm này không còn con đường nào khác là bằng đường biển.
Chấp hành chỉ thị của TƯ Đảng về việc vận chuyển vũ khí vào Nam bằng đường biển, từ cuối năm 1961 đến đầu năm 1962, lần lượt 6 thuyền gỗ của 4 tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Bà Rịa, Trà Vinh ra miền Bắc an toàn. Ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định thành lập Đoàn vận tải thủy 759 có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Để đảm bảo bí mật của tuyến đường các đoàn tàu trước khi lên đường làm nhiệm vụ đều phải quán triệt các qui định như: phương thức vận chuyển là chủ động, bí mật, bất ngờ, lợi dụng sơ hở của địch để đưa vào hàng bến. Đồng thời phải có sẵn phương án thật linh hoạt, mưu trí, đối phó với địch, khi bị lộ thì kiên quyết chiến đấu bảo vệ hàng, nếu cần có thể cho hủy tàu để giữ bí mật con đường. Nói là tàu không số, nhưng thật ra mỗi con tàu đều có mang một số hiệu đăng ký tại sở chỉ huy. Chúng ta có thể tìm hiểu quá trình vận chuyển của các con tàu không số thông qua các giai đoạn sau:
- Giai đoạn vận chuyển bằng tàu gỗ, đi sát bờ (1962-1963): Ngày 11/10/1962, chiếc thuyền gỗ gắn máy Phương Đông 1 xuất phát từ bến Đồ Sơn- Hải Phòng do đồng chí Bông Văn Dĩa và Lê Văn Một chỉ huy chở 30 tấn vũ khí, sau 5 ngày cập bến Rạch Gốc (Cà Mau) thành công. Trong khoảng thời gian hơn 1 năm sử dụng thuyền gỗ gắn máy, đi sát ven biển (phương pháp địa văn) chúng ta đã vận chuyển được 178 tấn vũ khí chi viện cho đồng bào miền Nam.
- Giai đoạn vận chuyển bằng tàu sắt, đi xa bờ (1963-1965): Đoàn 759 được chuyển giao về Quân chủng Hải quân với phiên hiệu Đoàn 125. Đây là giai đoạn vận chuyển tích cực nhất, hiệu quả nhất của Đoàn 125. Với những con tàu sắt có trọng tải lớn, chở được nhiều hơn, đi xa bờ hơn, ta đã vận chuyển được 80 chuyến với hơn 4000 tấn vũ khí cho chiến trường, góp phần làm nên những chiến thắng lớn của quân dân miền Nam như chiến thắng Ấp Bắc (1963), Núi Thành, Vạn Tường (1965). Tháng 12/1964, tàu 56 của Đoàn 125 chở 44 tấn vũ khí vào Bà Rịa. Tại đây, một Trung đoàn bộ đội chủ lực tay không đã chờ sẵn, tiếp nhận vũ khí để tham gia chiến dịch Bình Giã và góp phần to lớn vào thắng lợi của chiến dịch, giải phóng một vùng rộng lớn phía Đông- Bắc Sài Gòn, góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ-ngụy.
- Giai đoạn vận chuyển từ năm 1965-1968: Công tác vận chuyển trên biển đang phát triển thuận lợi thì một việc không may xảy ra, ngày 16/2/1965, tàu 143 do thuyền trưởng Lê văn Thiêm và chính trị viên Phan Văn bảng chỉ huy chở 63 tấn vũ khí khi vào bến Vũng Rô- Phú Yên thì bị địch phát hiện. Trước đó tàu 41 đã chở 3 chuyến vào đây thành công. Lần này khi phát hiện ra tàu của ta chúng đã cho nhiều nhiều máy bay, tàu chiến và hai tiểu đoàn bộ binh đến bắn phá tấn công ác liệt. Thủy thủ tàu 143 được sự hỗ trợ của lực lượng bến, đã tổ chức chiến đấu bảo vệ tàu, nhưng do lực lượng quá chênh lệch, ta phải tổ chức rút lui và cho nổ bộc phá hủy tàu. Song phá không hết dẫn đến địch đã phát hiện ra con đường vận chuyển vũ khí bằng đường biển của ta.
- Vận chuyển gián tiếp VT5: Cuối năm 1968, đoàn 125 được giao nhiệm vụ tổ chức chiến dịch vận tải gián tiếp VT5, đưa vũ khí, hàng hóa từ Hải Phòng vào sông Gianh, để từ đó hàng theo đường bộ vượt Trường Sơn vào chiến trường. Từ tháng 11/1968 đến tháng 9/1969, đoàn đã huy động 542 lượt chuyến tàu, vận chuyển được hơn 30 nghìn tấn hàng chi viện chiến trường Miền Nam.
- Giai đoạn vận chuyển 1969-1972: Thời kỳ này, địch phong tỏa ngày càng nghiêm ngặt. Nhưng địch càng phong tỏa, ta càng tìm nhiều phương thức vận chuyển vũ khí vào chiến trường Miền Nam. Tháng 8/1969, tàu 42 được cải dạng thành tàu nghiên cứu biển, đã tổ chức chuyến trinh sát mở tuyến vận chuyển mới thành công. Theo tuyến đi này, các tàu chở vũ khí đi trên đường hàng hải quốc tế, vòng qua quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tiến sâu xuống vùng biển Xumatra (In đô nê xia), sau đó quay lại vịnh Thái Lan, rồi bất ngờ tàu chuyển hướng, đưa vũ khí vào vùng biển Tây Nam- Việt Nam. Đây là giai đoạn vận chuyển đầy khó khăn, gian khổ nhưng cũng rất hào hùng của Đoàn 125. Tiêu biểu là chuyến đi của tàu 645 vào Quân khu 9 ngày 24/4/1972. Khi chuyển hướng cập bến thì gặp địch tấn công. Tàu bị hỏng nặng, chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu ra lệnh cho anh em rời tàu, còn anh ở lại điểm hỏa các khối bộc phá cho tàu nổ tung và hy sinh anh dũng cùng với con tàu thân yêu của mình trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.
- Phối hợp vận chuyển với đoàn 371: Năm 1971-1972, công tác vận chuyển lại gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Bộ Quốc phòng giao cho Binh chủng Hải quân phối hợp với đoàn 371- Quân khu 9 bí mật chở vũ khí trên những con tàu đánh cá hợp pháp. Trong hai năm đã vận chuyển được 520 tấn vũ khí vào chiến trường khu 9, và đặc biệt còn đưa đón các đồng chí lãnh đạo cao cấp đi công tác, làm nhiệm vụ chỉ đạo cách mạng miền Nam.
Trải qua 14 năm (1961-1975) vận chuyển, chi viện cho chiến trường miền Nam, đoàn tàu không số của Binh chủng Hải quân đã thực hiện gần 2000 chuyến đi; vận chuyển 152.876 tấn vũ khí; 80.026 lượt người, với đoạn đường gần 4 triệu hải lý. Ngoài ra, các chiến sĩ trên đoàn tàu không số đã trực tiếp chiến đấu với 300 lượt tàu địch; 1200 lượt máy bay; khắc phục trên 4000 quả thủy lôi; bắn chìm 10 tàu và bắn rơi 5 máy bay và bắn bị thương nhiều chiếc khác, tiêu diệt hàng hàng trăm tên địch; vượt qua hơn 20 cơn bão để vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Với thành tích đó, các đơn vị và cá nhân của đoàn tàu không số được Đảng và Nhà nước hai lần tuyên dương đơn vị Anh hùng LLVTND (12/1967 và 6/1976). 5 tàu được phong đơn vị Anh hùng LLVTND, 6 cán bộ, chiến sĩ được phong tặng Anh hùng LLVTND, Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND - Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh được vinh dự đặt tên cho một hòn đảo trên quần đảo Trường Sa…
Đảo Phan Vinh - thuộc quần đảo Trường Sa mang tên người thuyền trưởng tàu không số Nguyễn Phan Vinh.
Lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta đã ghi nhận, tuyến đường vận chuyển vũ khí trên biển ( đường Hồ Chí Minh trên biển) là tuyến chi viện chiến lược, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Có thể khắng định, đường Hồ Chí Minh trên biển là một nét đặc sắc, độc đáo, sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành biểu tượng tự hào, mãi mãi lưu truyền trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Tour liên quan:

Tour du lịch lễ 30-4: Quy Nhơn- Đà Nẵng- Huế- Hội An- Tuy Hòa- Nha Trang(7 ngày 7 đêm)

Du Lịch Độc Thân

Nhiều người xem

 
Top