Không chỉ dân địa phương, người Hindu từ các nơi trên thế giới khi tới Tampak Siring đều ước nguyện được tắm mình qua 12 dòng chảy thiêng liêng, mong muốn được gột rửa bụi trần.
Tampak Siring là một ngôi đền Hindu nằm trong một thung lũng giữa hai quả đồi ở làng Manykaya quận Tampak Siring, Gianyar cách thủ phủ Denpasar (đảo Bali, Indonesia) khoảng 40 km về phía Đông Bắc.

Ngôi đền nằm trên trục đường chính tới Kintamani, một điểm du lịch nổi tiếng trên đảo Bali và rất gần với ngôi đền rừng già bí ẩn Gunnung Kawi.
Đền suối thiêng Tampak Siring.
Đền suối thiêng Tampak Siring.
Đền suối thiêng còn có tên gọi khác là Tirtha Empul có vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân địa phương, đây được coi là nơi làm tan biến những ảnh hưởng xấu trong cuộc sống và làm thanh lọc tâm trí, linh hồn con người.
Ở khu vực trung tâm của Tirtha Empul có một ao nước thánh không bao giờ cạn do nước được cung cấp liên tuc từ những mạch ngầm dưới đáy, vốn là dòng nước suối từ trên núi cao chảy về.
Phía trước ao thánh có hai hồ nước, và trong hai hồ nước này có những vòi dẫn nước được xếp thành dãy liên tục từ đông sang tây, quay mặt về hướng đông và chúng đều có tên riêng như Pengekulatan, Sudamala, Cetik hay Perbesihan…
Dân địa phương hay người Hindu đến từ các nơi trên thế giới khi tới Tampak Siring đều có ước nguyện được tắm mình qua mười hai dòng chảy thiêng liêng, với mong muốn được gột rửa bụi trần, gột rửa những điều không may mắn trên cơ thể và linh hồn, muốn được thần linh ban phước, vuốt ve và che chở, mang lại cho họ một cơ thể mạnh khỏe, một tâm hồn thanh tịnh và một trí tuệ minh mẫn.
Đặc biệt vào ngày mồng một và ngày rằm hàng tháng theo lịch mặt trăng, người dân đến đền Tirtha Empul để cầu nguyện và xin ban phước rất đông.
Gia đình nhiều thế hệ bồng bế nhau xếp hàng chờ đến lượt được tắm mình trong dòng nước thánh, dâng lễ và cầu nguyện, thậm chí, xin nước thánh mang về nhà đã làm nên một bữa tiệc thực sự ở miền đất này.
Bình thản xếp hàng và trầm mình trong làn nước.
Bình thản xếp hàng và trầm mình trong làn nước.
Mặc dù đã được chứng kiến nhiều lễ hội độc đáo ở Bali, chúng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên và choáng ngợp trước nét văn hóa kỳ lạ ở Tampak Siring và nhận thấy quyết định đến với đền suối thiêng vào ngày rằm quả là một quyết định sáng suốt.
Ngay bên ngoài khu chuẩn bị đồ lễ, đã thấy rất đông tín đồ đạo Hindu trong trang phục truyền thống vô cùng đẹp và quyến rũ đang chậm rãi chuẩn bị đồ dâng lễ, vốn dĩ cũng là một tác phẩm nghệ thuật được chuẩn bị cầu kỳ và tinh xảo.
Phụ nữ thường đội những khay lễ đẹp đẽ trên đầu đi bộ vào đền để dâng lễ lên khu thờ chính, sau khi cầu nguyện, họ sẽ chờ đợi những người có chức sắc coi sóc khu đền tới và ban phước lộc, với thái độ vô cùng thành kính và niềm tin toát ra trong từng ánh nhìn, cái cúi đầu hay vòng tay dâng lễ.
Vé vào đền Tampak Siring là 15.000 Rupiah (khoảng 30.000 đồng), để vào đền ai cũng phải mặc sarong và phụ nữ trong kỳ kinh sẽ không được phép tới đền.
Ở hồ nước không quá lớn bên tay trái đền và với số lượng người đến “xin nước thánh” khá đông, họ lập tức nối nhau xếp thành nhiều hàng dài trầm nửa mình trong làn nước. Trẻ con thường được bố mẹ bế trên tay, chúng bình thản đợi chờ đến lượt và vui vẻ đùa nghịch.
Một cô gái trẻ đang xin lộc để lấy may mắn.
Một cô gái trẻ đang xin lộc để lấy may mắn.
Tôi đứng rất lâu để quan sát một vòng cầu nguyện, ai cũng lần lượt đi theo vòng từ đông sang tây, lần lượt qua 12 vòi nước, dâng lễ là những khay hoa nhiều màu nếu có.
Họ nhúng cả người xuống dưới vòi nước hoặc dùng tay để vã nước vào mặt, vào đầu tóc, vào ngực, thành kính chắp tay cầu nguyện, rồi chậm chạp di chuyển để nhường chỗ cho người tiếp theo. Một số người mang theo cả can nhựa để xin nước mang về.
Trong gian đền chính, nơi người ngoại đạo không được phép bước vào, cùng nhiều khách du lịch đang lóng ngóng trong chiếc sarong quấn chân, chúng tôi cùng nhau chia sẻ khoảng trống bên ngoài bức tường bao để quan sát người bản địa (thường là đi thành nhóm, gia đình) dâng lễ, quỳ khấn nguyện, và được ban nước thánh như bồ tát rẩy cành dương liễu.
Ở bên ngoài khu hồ nước, có một ao nuôi rất nhiều cá, cũng là ao được dẫn nước từ mạch suối ngầm trên núi.
Cá ở đây được người dân quan niệm là cá thần nên không ai bắt và ăn thịt, vì vậy chúng sinh sôi nảy nở rất đông, béo mầm và láng mượt, ao cá trở thành một điểm dừng chân thú vị của nhiều người.

Du Lịch Độc Thân

Nhiều người xem

 
Top