Lý Sơn là một huyện đảo của tỉnh Quảng Ngãi, nằm cách bờ khoảng 30km, với diện tích gần 10km2 và dân số hơn 20.000 người. Đảo Lý Sơn để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách với những ngày nắng ấm mênh mang, những bãi biển trong vắt và người dân vô cùng dễ mến.
Từ phía cầu tàu đi thẳng khoảng 200m nữa vào sâu trong đất liền sẽ đến cổng chào: “Huyện đảo Lý Sơn”. Từ cổng chào rẽ bên tay phải là hướng đi Chùa Hang và lên đỉnh ngọn Thới Lới, còn rẽ trái sẽ đến Âm Linh Tự, Chùa Đục và đỉnh Giếng Tiền…

Các điểm nên đến trên đảo Lý Sơn

1. Núi Thới Lới: Chùa Hang (chân núi) – Đập thủy điện (lưng chừng núi) – Đường lên đỉnh núi.
Chùa Hang: Men theo con đường nhựa chạy thẳng lên núi, bạn sẽ đến Chùa Hang. Đi lên núi khoảng 3 cây số đến kịch đường là một bãi đất trống nhỏ với vài ba quầy nước của người dân, khách du lịch sẽ để xe máy lại và đi bộ theo các bậc thang đi xuống dưới chùa. Chùa Hang (tên chữ là Thiên Khổng Thạch Tự, tức Chùa đá trời sinh) vốn là một hang đá lớn nằm trong lòng núi Thới Lới, hình thành từ nham thạch của núi lửa thời tiền sử. Ngay trước chùa có hồ sen hình bán nguyệt và những cây bàng biển cổ thụ hàng trăm năm tuổi với hình thù kỳ quái và tượng Phật bà Quan Thế Âm hướng ra biển Đông. Từ phía tượng Phật bà men theo các bậc thang đi xuống ta có thể thấy những bãi đá san hô lớn hòa chung với nước biển màu xanh ngọc óng ánh.
Lối vào chùa Hang, đảo Lý Sơn - iVIVU.com
Lối vào chùa Hang, đảo Lý Sơn
Đập thủy điện: Con đường từ chùa Hang đi lên đập thủy điện ôm sát vào những vách núi cao được rải nhựa khá đẹp. Từ đường nhựa đi sâu vào trong đập thủy điện có khoảng 200m đường đất gập ghềnh, và vì đang là mùa khô nên nước trong hồ thủy điện cũng thấp đi một nửa so với bình thường. Đứng trên đập nước nhìn sang hai phía, một bên là biển trời bao la xanh ngút tầm mắt, một bên là hồ thủy điện nằm trũng trong lòng núi, bạn mới cảm thấy sức mạnh của con người cải tạo thiên nhiên thật vĩ đại biết bao.
2. Núi Giếng Tiền: Quan Âm Phật Đài (chân núi) – Chùa Đục (đỉnh núi) – Miệng núi lửa cũ
Quan Âm Phật Đài: Nếu đường đến chùa Hang luôn có những biển chỉ dẫn đường đi thì chùa Đục không có bất cứ một biển chỉ đường nào. Cứ đi thẳng mãi đến khi kịch đường dừng trước Quan Âm Đài. Ngay phía trước của Quan Âm Đài là một thềm đá san hô rộng chừng 1 cây số vuông với độ nông sâu khác nhau gọi là bãi Đục. Nước ở đây trong vô cùng, có thể nhìn thấy cả đáy, và dù là ngay ở sát bờ, vẫn có thể thấy dưới chân mình một vài chú cá, thi thoảng là cả đàn cá nhỏ bơi lội tung tăng.
Quan Âm Phật Đài, đảo Lý Sơn - iVIVU.com
Quan Âm Phật Đài uy nghiêm hướng ra biển Đông
Chùa Đục: Sau khi hỏi thăm được biết chùa Đục nằm phía lưng chừng của đỉnh núi Giếng Tiền, phía trên của Quan Âm Đài. Từ phía tượng Phật bà Quan Âm đi thêm hơn 100 bậc thang mới sẽ tới chùa Đục. Từ chùa, nhìn theo hướng tượng Quan Thế Âm ra biển có thể thấy rõ được cảnh đại dương hùng vĩ với những đoàn thuyền đậu san sát nhau.
Miệng núi lửa cũ: Bạn nhớ leo lên tận đỉnh Liêm Tự để nhìn thấy miệng núi lửa bây giờ là cả một cánh đồng cỏ xanh hình lòng chảo.
3. Âm Linh Tự (trên đường đi Chùa Đục), Đình làng An Hải, Tượng đài Hải đội Trường Sa (trên đường đi Chùa Hang)…

Lộ trình gợi ý

Ngày 1: Đảo lớn Lý Sơn: Cầu tàu – Chùa Hang – Đập thủy điện – Đỉnh Thới Lới – Chùa Đục – Đỉnh Giếng Tiền – Âm Linh Tự
Ngày 2: Đảo Lý Sơn – Cảng Sa Kỳ
–    Nên ở lại thêm 1 ngày để đi tàu sang đảo bé lặn biển ngắm san hô.

Thông tin thêm

1. Nghỉ trên Đảo Lý Sơn:
–    Các nhà nghỉ Bình Yên, Mỹ Linh, Thủy Thạch hoặc Khách sạn Lý Sơn ngay đối diện cổng chào. Ở trên đảo chỉ có điện từ 17 – 23 giờ hàng ngày, thời gian còn lại người dân dùng máy phát điện.
2. Di chuyển trên Đảo Lý Sơn:
–    Bạn có thể thuê xe máy tại các nhà nghỉ. Xăng được bán trong các chai nhỏ ở khắp nơi trên đảo.
–    Đi từ Đảo lớn – Đảo bé: Tàu khởi hành từ 8 giờ sáng và quay về vào 14 giờ cùng ngày.
–    Vé đi Lý Sơn – Cảng Sa Kỳ được bán từ 6 giờ 30 sáng đối diện cổng chào Huyện đảo Lý Sơn.
3. Các món ăn ngon nên thử khi đến Lý Sơn:
–    Kem được bán trên xe đạp quanh đảo rất ngon và rẻ (3.000vnđ/chiếc). Kem thơm mùi sữa và dừa.
–    Bún vịt đối diện Âm Linh Tự – Chỉ bán từ đầu giờ chiều đến 17h.
–    Hải sản các loại như: ốc cừu, ốc mặt trăng, ốc tượng, ốc bàn tay và các loại chế biến với tỏi. Có thể ăn các loại hải sản tại quán hướng ra biển: Đi từ cầu tàu vào rẽ tay trái, sau đó đi tầm 200m rẽ vào ngõ nhỏ bên tay trái (có thể hỏi người dân để được chỉ đường vì quán ăn nằm trong nhà dân không có số nhà cụ thể). Nên đi ăn sớm tầm 18h.
Ốc mặt trăng - iVIVU.com
Ốc mặt trăng – đặc sản đảo Lý Sơn
–    Cháo nhím biển, các loại ốc tại đèo trên đường lên chùa Hang, cách chùa hang 100m. Chỉ bán buổi tối đến khuya.
–    Ngoài ra có thể đặt các nhà nghỉ nấu cơm, nhất là cơm trưa.
4. Tỏi ở Lý Sơn mỗi năm chỉ có một mùa, kéo dài từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau

Du Lịch Độc Thân

Nhiều người xem

 
Top