Những khối nham thạch đa dạng, một miệng núi hình lòng chảo rộng mênh mông, chung quanh là triền dốc cao thoai thoải tựa đấu trường khổng lổ thời La Mã... là vết tích núi lửa để lại trên đảo Lý Sơn ngày nay. 

< Miệng núi lửa trên đỉnh Giếng Tiên, tựa đấu trường khổng lổ thời La Mã.

Từ cảng Sa Kỳ - Quảng Ngãi, sau gần một giờ đồng hồ vượt biển, chúng tôi đặt chân tới Lý Sơn. Núi cao sừng sững, xóm làng yên tỉnh bên bờ biển trong xanh, lặng nhìn thấy đáy và những cơn gió mát lạnh thổi lên từng hồi đã làm dịu bớt sự oi bức của nắng hè.


< Tượng phật Bà dưới chân núi Giếng Tiên, thắng cảnh bậc nhất ở Lý Sơn.

Xa xưa, Lý Sơn là điểm tập kết của những trai tráng khỏe mạnh ở khắp mọi  nơi theo lệnh các triều đại phong kiến nhà Nguyễn hàng năm lập đội quân Hoàng Sa gồm 70 xuất.
Cứ tháng 2 âm lịch, đội quân nhận lệnh ra tận Hoàng Sa, Trường Sa canh giữ, đồng thời khai thác hải vật mang về nộp cho triều đình. Dần dần mới lấy người An Vĩnh, An Hải sung vào làm lực lượng chủ lực.



< Bình minh trên đảo Lý Sơn nhìn từ đỉnh núi Thới Lới.

Vào ngày xuất binh, mỗi người lính - ngoài trang bị vũ khí, lương thực - còn được làng xã, người thân sắm 2 chiếc chiếu, 7 sợi dây mây, 7 thanh tre và một thẻ bài ghi tên tuổi, quê hương, đơn vị... để hàng ngày sử dụng trải nằm nghỉ ngơi. Nếu chẳng may chết vì ốm bệnh, đói lạnh, thì dùng chiếu để bó chôn. Mà khi đã ra đi thì hầu hết đều bỏ mình, nên hàng năm vào ngày 20 tháng 2 âm lịch, làng xã tiến hành lễ cúng (Khao Lề) thế lính Hoàng Sa.



< Cổng trời hình thành từ dòng nham thạch trong núi lửa tuôn trào và được mài giũa bởi gió, biển theo thời gian năm tháng.


Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn.
Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây.


Theo trục đường xuyên đảo về phía Tây, chúng tôi đến tượng Phật Bà Chùa Đục dưới chân núi Giếng Tiền, leo tiếp 200 bậc thang thì tới đỉnh núi lửa đã tắt lâu năm. Cho đến tận bây giờ không tài liệu nào cho biết thời kỳ núi lửa hoạt động. Song, vết tích chưa kịp phân hủy của nó đã để lại kết quả rất ngoạn mục: những khối nham thạch mang nhiều hình dạng, một miệng núi hình lòng chảo rộng mênh mông, chung quanh là triền dốc cao thoai thoải tựa đấu trường khổng lổ thời La Mã.



< Một góc đảo Bé.

Thời khắc bình minh trên Lý Sơn là cảnh đẹp tráng lệ, đầy sức hấp dẫn. Tuy nhiên, muốn chiêm ngưỡng mặt trời xuất hiện đúng lúc ở biển Đông phải mất nhiều công sức. Chúng tôi phải rời thị trấn lúc 4 giờ 30 sáng, rồi cưỡi xe máy vượt nhiều con dốc dài dựng đứng để lên đỉnh núi Thới Lới, vừa kịp mặt trời như khối cầu lửa trồi từ từ lên khỏi mặt biển, lan tỏa sắc màu đỏ càng lúc càng rạng rỡ. 



< Bãi Hang, một trong những bãi tắm trên đảo Bé còn đậm nét hoang dã.

Đặc biệt, núi Thới Lới có 2 miệng núi lửa rộng lớn và chung quanh nó hiện vẫn còn tồn tại nhiều tảng đá lớn nhỏ nằm ngổn ngang do núi lửa phun trào xưa kia.

Cùng với núi đảo, Lý Sơn còn nổi tiếng  bởi những công trình nghệ thuật kiến trúc độc đáo đã được công nhận di tích quốc gia như Âm Linh Tự và mộ lính Hoàng Sa được xây dựng thế kỷ XVII, là nơi thờ tự đội hùng binh Hoàng Sa; cụm di tích Đình Làng An Hải xây dựng năm Minh Mạng nguyên niên (1820) - một công trình kiến trúc lâu đời nhất còn được giữ gìn trên đảo; di tích Chùa Hang dưới chân núi Thới Lới được con người tạo nên cách đây 400 năm, bằng chứng cụ thể về quá trình khai phá và xây dựng đảo của người Đại Việt.



< Bãi Hang trên đảo Bé cảnh vật thật tuyệt vời.

Ngày cuối cùng, tôi theo thuyền chợ qua đảo Bé thuộc xã An Bình, cách 7 km về hướng Bắc. Khác với Lý Sơn, địa hình núi non dàn trãi đan xen vùng đồng bằng còn đảo Bé toàn là đồi thấp nên không thể có mạch nước ngầm.


< Ruộng bậc thang trồng tỏi trên đảo bé gợi nhớ ruộng bậc thang trên Tây Bắc.

Con đường xuyên đảo dẫn ra những bãi tắm cuối thôn xóm cho chúng tôi một góc nhìn hoàn toàn khác về đảo Bé. Vùng đất khô hạn này lại nằm lọt thỏm giữa những rặng dừa xanh muớt, chốc chốc theo gió đong đưa trong buổi trưa hè rực nắng đã khiến khách phương xa không tránh khỏi ngẩn ngơ, rung động.



< Chiều về, thủy triều xuống. Sau khi lượm ốc, bắt nhum trên bãi cạn trẻ em giúp bố mẹ lấy muỗng vớt thịt và gạch con nhum để kịp sáng mai mang ra chợ bán.

Một thế giới ghềnh đá xù xì, đen bóng, được hình thành từ dòng nham thạch trong núi lửa tuôn trào rồi rắn lại giăng khắp bờ cát trắng tinh nằm thoai thoải như hòa lẫn với màu xanh của đại dương.
Còn trên biển mấy chiếc thuyền thúng đang quây lưới chặn bắt đàn cá cơm làm tung nước trắng xóa. Tất cả đã tạo lên bức tranh tuyệt tác vừa sinh động lại rất thanh bình, vừa hoành tráng lại quá lãng mạn mơ màng.

Du Lịch, GO! - Theo Vietnamnet

Du Lịch Độc Thân

Nhiều người xem

 
Top