Mandalay - theo tiếng Phạn là “thành phố của những viên ngọc”, được thành lập vào năm 1857. Hai năm sau, Hoàng đế Mindon (1808-1878) vốn là vị vua rất sùng đạo, đã dời đô từ Amarapura về Mandalay và quyết tâm biến nơi này thành “kinh đô Phật giáo” của Myanmar. Dù chỉ là thủ đô trong 26 năm (1861-1885) nhưng Mandalay đã để lại nhiều dấu ấn văn hóa đặc sắc.
Mandalay - theo tiếng Phạn là “thành phố của những viên ngọc”, được thành lập vào năm 1857. Hai năm sau, Hoàng đế Mindon (1808-1878) vốn là vị vua rất sùng đạo, đã dời đô từ Amarapura về Mandalay và quyết tâm biến nơi này thành “kinh đô Phật giáo” của Myanmar. Dù chỉ là thủ đô trong 26 năm (1861-1885) nhưng Mandalay đã để lại nhiều dấu ấn văn hóa đặc sắc.
Mandalay ở miền trung Myanmar, cách Yangon 716 km về phía Bắc. Thành phố xinh đẹp nằm bên bờ sông Ayeyarwady thơ mộng, dưới chân ngọn đồi cùng tên. Từ Yangon, nếu đi đường bộ bằng các loại xe khách cà tàng, phải mất gần 2 ngày. Tốt nhất là đi bằng máy bay, hơi đắt nhưng tiết kiệm được thời gian. Trong thế chiến thứ II, người Anh (Myanmar là thuộc địa của Anh từ năm 1885-1948) đã đưa các tù binh Ấn Độ đến xây dựng và phát triển thêm thành phố. Lúc đó, người Ấn Độ chiếm hơn 30% dân số Mandalay. Từ những năm cuối thập niên 1980, do tình hình chính trị tại Trung Quốc nên người Hoa từ Vân Nam và Tứ Xuyên ồ ạt tràn xuống Mandalay làm ăn, nắm giữ các vị trí kinh tế quan trọng của thành phố. Ước tính, người Hoa hiện chiếm hơn 40% dân số. Do cộng đồng người Hoa, Ấn chiếm hơn 70%, người Mandalay trở thành thiểu số nhưng dấu ấn văn hóa mà tổ tiên họ để lại thật đáng nể.
So với nhiều cố đô khác trên thế giới, Mandalay có nhịp sống chậm hơn, không sôi nổi xô bồ mà tĩnh lặng, êm đềm, thoáng chút buồn hoài niệm. Ở đây có nhiều chùa đẹp, tiêu biểu hơn cả là chùa Mahamuni, còn có các tên gọi khác là Payagi, Big Paya, Rakhang Paya. Chính điện chùa được vua Bodawpaya xây dựng năm 1784. Điểm nhấn của chùa là pho tượng cổ có nguồn gốc từ Mrauk U. Niên đại của pho tượng được cho là vào thế kỷ I sau Công nguyên. Có người cho rằng, tượng Phật được tạc dựng vào khoảng 500 năm trước Công nguyên, lúc Đức Phật ghé thăm vùng Rakhang. Theo tiếng Myanmar, Mahamuni nghĩa là “nhà hiền triết vĩ đại”. Tất cả phật tử Myanmar phải đến viếng chùa Mahamuni ít nhất một lần trước khi nhắm mắt.
Tương truyền, thế giới có 5 tượng Phật lột tả được thần khí của Đức Thích Ca lúc còn sống. 2 tượng ở Ấn Độ, 2 tượng trên Thiên đàng và 1 ở Mandalay. Năm 554 trước Công nguyên, Đức Phật Gautama trên đường đến Dhanywadi đã dừng chân tại thị trấn Khaukrak để giảng kinh cho vua Myanmar lúc đó là Sanda Thurija và Hoàng hậu Sanda Mala cùng 1.600 người. Sau buổi thuyết pháp, vua Sanda Thurija đề nghị Đức Phật cho tạc tượng Ngài để mọi người thờ cúng. Đức Phật Gautama đã ngồi dưới gốc cây bồ đề đúng 7 ngày. Trên chín tầng mây, 2 Đức Phật Sakka và Visakamma liền sáng tạo trên khuôn mặt Phật Gautama hình ảnh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni như lúc Ngài còn sống. Khi tượng Phật bằng gỗ quý, cao 4m, được thỉnh vào chùa, nhiều hiện tượng kỳ diệu đã xảy ra. Nước để tắm tượng Phật mỗi sáng không hề chảy xuống chậu đặt bên dưới. Thật ra, nước để tắm tượng chỉ vừa đủ ướt. Lễ tắm tượng được tổ chức vào mỗi sáng sớm, trước lúc mặt trời mọc, kéo dài khoảng 45 phút. Chủ trì là vị sư cả, thành kính lấy nước từ giếng sạch nhất thành phố dùng khăn lau mặt Phật một cách tỉ mỉ, cẩn trọng. Chung quanh, các tu sĩ, phật tử cùng tham dự, tay cầm những vòng hoa lài thơm ngát, miệng lâm râm khấn nguyện trang nghiêm.
Các phật tử kể rằng, nước chứa trong bồn để tắm Phật quanh năm không hề biến đổi chất lượng. Vào buổi tối, những người mộ đạo chân thành có thể thấy 6 đạo hào quang trên mặt Phật. Khoảng trống đại sảnh chùa có thể giãn nở để chứa số lượng phật tử đến khấn nguyện. Các lá cây chung quanh đều hướng về mặt Phật và chim chóc không bay ngang tượng Phật. Các tảng đá phía trước chùa là những vệ sĩ bảo vệ... Vua Sanda Thurija còn thể hiện sự sùng đạo và sức mạnh quyền lực của mình bằng cách dát vàng lên tượng Phật. Truyền thống này vẫn còn đến ngày nay. Do vậy, các tượng Phật ở Myanmar ngày càng lớn vì không ngừng được dát vàng, nhưng chỉ có đàn ông mới làm việc đó. Phụ nữ, thường ngồi cầu nguyện và nhờ đàn ông dát vàng vào tượng Phật giùm mình. Tôi cứ băn khoăn mãi về chuyện “trọng nam khinh nữ” này...
Do quá nổi tiếng và linh thiêng nên tượng Phật Mahamuni bị di dời liên tục. Dưới vương triều Bagan (1044-1077), vua Anawratha định đưa tượng về Bagan nhưng không thành công. Dưới vương triều Konbaung, tượng được dời về Amarapura - ngoại ô của Mandalay bởi Thái tử Thado Minsaw (1762-1808). Lúc này do tượng Phật được đắp bằng vàng quá lớn nên không thể đưa lọt vào chùa, phải rời thành mấy đoạn rồi mới nối ráp lại. Năm 1879 và 1884, tượng bị hư hại nghiêm trọng do cháy lớn. Năm 1996, tượng Phật bị đục thủng bụng để tìm vàng...
Chùa Kuthodaw đang lưu giữ tuyệt tác Phật bảo độc nhất vô nhị của thế giới. Đó là bộ kinh Tam Tạng bằng tiếng Pali, khắc trên 730 phiến đá cẩm thạch cực kỳ sắc sảo. Mỗi phiến rộng 1m, cao 1m50, dày 0m30, kín đặc chữ cả 2 mặt, mỗi mặt có 80-100 dòng. Mỗi tờ sách độc đáo này được đặt trong những bảo tháp, xếp thành 3 hàng. Năm 1857, vua Mindon muốn lưu lại vĩnh cửu 15 quyển sách của Tipitaka bằng cách tạc kinh thư lên đá. Nhà vua đã huy động gần 2.500 điêu khắc gia kiêm nhà sư, lao động cật lực suốt 6 tháng để thực hiện công trình. Riêng đội ngũ biên tập lên đến hơn 200 nhà sư. Năm 1900, bản in từ những tờ sách đá đầu tiên được xuất bản với 38 chương, mỗi chương dày 400 trang. Nếu đọc miệt mài mỗi ngày 8 tiếng, phải mất 450 ngày mới đọc hết. Đây là quyển sách lớn nhất, nặng nhất, kỳ công nhất, chẳng có thư viện nào chứa nổi. Quyển sách duy nhất chỉ có thể đứng và đi vòng quanh để đọc chứ không thể nằm, ngồi; để trong nhà không có cửa chẳng sợ mất cắp. Toàn bộ kinh Tipikata gồm 3 tạng kinh Phật bằng chữ Pali nguyên thủy. Kinh Vinaya gồm 11 “tờ”, kinh Sutta gồm 410 “tờ” và kinh Abhidhamma 208 “tờ”. Trước đây, chữ trên sách đá được khắc bằng mực vàng ròng. Trên mỗi trang sách đều có trang trí đá quý và hoa văn bằng vàng. Thời gian người Anh xâm lược Myanmar, mọi thứ đều bị mất và hỏng, chỉ còn lại những dòng chữ phai mờ. Dù nỗ lực trùng tu, quyển sách vĩ đại nhất thế giới chỉ được khôi phục phần nào vẻ đẹp ban đầu. Những hàng chữ vàng được thay bằng mực đen làm từ cánh kiến, muội đèn và tro rơm.
Tới Mandalay, du khách không thể bỏ qua chương trình ngắm hoàng hôn trên cầu gỗ U Bein ở ngoại ô. Đây là chiếc cầu dài và cổ nhất thế giới làm toàn bằng gỗ, loại gỗ tếch - còn gọi là giá tỵ, bền dai và chịu nước. Cầu xây dựng từ năm 1849, mang tên U Bein, thư ký thị trưởng thành phố Amarapura. Cầu dài 1.200m, bắc qua hồ Taungthaman gồm 1.086 cây cột chống, 482 nhịp và hàng ngàn tấm ván; được dỡ từ các ngôi nhà ở Sagaing và Inwa để làm phương tiện qua lại. Có thể đi du thuyền xem cá heo nước ngọt trên sông Ayeyarwady hoặc đến chiêm ngưỡng chuông đồng Mingun 90 tấn, nặng nhất thế giới... Mandalay còn có cung điện Hoàng gia - theo tiếng Myanmar là Mya Nan San Kyaw - nghĩa là “cung điện Hoàng gia vĩ đại bằng vàng”, “Hoàng cung Ngọc lục bảo nổi tiếng” thiết kế theo phong cách Myanmar với hình mỏ neo. Cung điện có tượng Phật bằng ngọc bích - là 1 trong 5 tượng Phật quý hiếm nhất thế giới hiện nay. Ở Myanmar nói chung và Mandalay nói riêng, chỗ nào có đỉnh cao nơi ấy có chùa, có tháp. Từ trên máy bay, những tháp vàng hoặc bạc óng ánh, nổi bật giữa màu xanh và làng quê yên bình. Myanmar rất hiếm nhà cao tầng. Số lượng chùa và tháp ở đây nhiều hơn bất cứ nơi nào. Nếu đem số vàng bạc châu báu trong các chùa ra phát cho từng người, có lẽ Myanmar là quốc gia giàu có.
Mấy ngày ngắn ngủi ở Mandalay, tôi như lạc vào thế giới cổ tích Phật giáo của cố đô Myanmar. Tôi nghiệm ra rằng, sự sung túc về vật chất chưa chắc đã đem đến sự giàu có cho tâm hồn. Người dân Mandalay, dù còn nghèo khó nhưng lại giàu lòng hiếu khách và sự mộ đạo. Nhất định tôi sẽ trở lại để có dịp hiểu hơn về cố đô Mandalay - miền cổ tích Phật giáo kỳ thú. Giữa tháng 4 này, người dân Myanmar đang nô nức chuẩn bị đón Tết cổ truyền Thingyan với phong tục té nước, giống như tết Songkran của người Thái, Chol Chnam Thmey của người Khmer, Bunmi May của người Lào...
Xem thêm các bài viết về Myanmar: