Rừng tràm Trà Sư
Vị trí: Xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cách TP. Châu Đốc khoảng 20km và cách biên giới Việt Nam – Campuchia 10km.
Đặc điểm: Là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, nơi sinh sống của nhiều loài chim nước, động vật hoang dã và thủy sinh vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.




Từ thị xã Châu Đốc, rẽ trái khoảng 17km đến thị trấn Nhà Bàng thuộc huyện Tịnh Biên. Từ đây, đi theo đường tỉnh lộ 948 đến Km số 6, du khách tiếp tục rẽ trái đi theo một con đường nhỏ dài khoảng gần 4km là đến rừng tràm Trà Sư.


Tại trạm tiếp đón, du khách có thể thuê những chiếc xe đạp đôi để tận hưởng thú vui cưỡi xe đạp thăm thú rừng tràm. Đoạn đường này chỉ dài khoảng 5 – 6km. Phía trên là màu xanh của ngọn tràm, bên dưới mương nước thỉnh thoảng nghe tiếng cá vẫy đuôi tạo nên những âm thanh là lạ. Đến khi con kênh dài với dòng nước mát lành và dãy rừng tràm xa tít, ngăn ngắt màu xanh hiện ra trước mắt, du khách sẽ không đi bằng xe đạp được nữa mà phải dùng ghe, xuồng nhỏ để dễ dàng len lỏi giữa các con rạch khám phá khu rừng. Ngồi trên xuồng, nhè nhẹ từng nhịp chèo khua trên dòng nước, ngắm hàng chục loài chim hót véo von trên ngọn tràm, du khách sẽ ngỡ như đang lạc vào xứ sở thần tiên. 

Du khách đến rừng tràm Trà Sư, mỗi lúc lại thêm ngỡ ngàng và thích thú, vì được nhận ra bao điều kỳ diệu của thiên nhiên mà cây rừng đang gìn giữ trong sắc lá và hương tràm ngào ngạt. Với diện tích gần 850ha, rừng Trà Sư là nơi trú ngụ của 70 loài chim thuộc 13 bộ và 31 họ, trong đó có 2 loài chim quý hiếm đã được ghi vào sách Đỏ Việt Nam là giang sen (Mycteria leucocephala) và điêng điểng (Anhinga melanogaster). Đối với loài thú đã thống kê được 11 loài thuộc 4 bộ và 6 họ. Các bộ có số loài nhiều nhất là dơi (15 loài) và gặm nhấm (4 loài), trong đó có loài dơi chó tai ngắn quý hiếm cũng đã được ghi vào sách Đỏ Việt Nam. Riêng bò sát, ếch, nhái cũng có tới 25 loài, 2 bộ, 10 họ, trong đó có cả rắn hổ mang, cạp nong. Ngoài ra, rừng còn có 10 loài cá xuất hiện quanh năm và 13 loài chỉ xuất hiện vào mùa lũ, trong đó có 2 loài cá có giá trị khoa học và đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng là cá còm và cá trê trắng. Không chỉ phong phú về động vật, Trà Sư còn là nơi tụ họp của 140 loài thực vật thuộc 52 họ và 102 chi, trong đó có 22 loài cây gỗ, 25 loài cây bụi, 10 loài dây leo, 70 loài cỏ, 13 loài thủy sinh, 11 loài sinh cảnh, 78 loài thuốc và 22 loài cây cảnh. 

Chính sự đa dạng và phong phú về tài nguyên khiến rừng tràm Trà Sư trở thành điểm đến lý tưởng đối với các nhà nghiên cứu và những người ham mê khám phá thiên nhiên hoang dã. Mùa nước nổi là quãng thời gian thích hợp nhất để đến với rừng tràm. Du khách đi thuyền xuyên rừng sẽ được ngắm cánh rừng biếc xanh bạt ngàn mênh mông, nở đầy những bông hoa tràm trắng tinh khiết trong nắng sớm, hương tràm thoảng đưa nhẹ nhàng khiến tinh thần trở nên thư thái, lâng lâng. Tưởng như tất cả những sắc màu tụ tập về đây, sóng sánh trong sắc nước. Những cây thủy liễu uốn mình mềm mại trong làn nước trong, vài ba chú cá bơi lội tung tăng và ánh mặt trời không ngừng nhảy múa trên mặt nước phản chiếu những sắc màu kì lạ. Lúc thì màu xanh ve chai, khi thì bạc lấp lánh, có nơi lại ửng vàng màu hổ phách. Thật khó biết ẩn trong màu nước ấy chứa bao nhiêu loài thuỷ sinh, nào những chiếc lá lấm tấm màu tím lạ lẫm; nào những thân tràm lắt lay bông trắng trong màn nước dập dờn; nào rừng sen lá xanh thắm, bông đỏ tươi khoe nở; những khóm bông điên điển vàng rập rờn như đàn bướm; thảm rong đuôi chồn sóng sánh uốn mình trong sóng nước với những đoá hoa nhỏ xíu ánh vàng màu nắng; hay những thảm bèo tai tượng ôm kín các gốc tràm mọc san sát nhau… Vừa ngắm cảnh đẹp, du khách có thể vừa tự tay hái các loại rau muống, rau dừa, điên điển… trước khi đi sâu vào rừng khám phá thế giới của các loài chim. 

Mỗi ngày ở rừng Trà Sư đều có một khoảng thời gian rất sống động. Đó là khi ánh nắng bắt đầu nhạt dần chỉ còn sót lại những sợi tơ vàng óng xuyên qua rừng cây thì cũng là lúc đàn chim trú ngụ trong rừng tràm bắt đầu bay về tổ. Từng bầy, từng bầy xuất hiện dày đặc khu rừng với sinh hoạt tự nhiên như không hề biết đến sự có mặt của con người. Cò trắng lấp ló sau những cành cong; diệc, cồng cộc mổ nhau chí chóe sau gốc cây tràm; chích, le le chao liệng khắp cánh rừng rồi đáp nhẹ xuống những thân tràm; những chú dơi quạ - có con nặng 3kg sải cánh dài tới 1m - móc chân vào cành cây buông thõng mình từ trên cao xuống. Mỗi loài một hình dạng và màu sắc khác nhau: trắng, đen, xanh ve chai, lốm đốm, khoang…Trong những tổ chim trên cành cao, du khách có thể nhìn thấy những chú chim non kêu chiếp chiếp chờ đợi chim mẹ mớm mồi hay những đôi chim uyên ương đang âu yếm rỉa lông, tỉa cánh cho nhau. Tiếng chim ríu rít trong bản hòa tấu không ngừng. Tưởng như tất cả các loài cùng đồng thanh hát bài hát ca ngợi thiên nhiên tươi đẹp, ca ngợi cuộc sống bằng những giai điệu nồng nàn, làm cho du khách phương xa cũng cảm thấy gần gũi với khung cảnh thiên nhiên nơi đây. Ngoài ra, du khách cũng có thể trèo lên tháp canh cao 14m nằm giữa rừng, dùng ống nhòm để quan sát, và nếu may mắn sẽ thấy hàng vạn con cò trắng bay về tổ như tấm vải trắng khổng lồ phủ trên nền rừng xanh.



Chiều càng xuống sâu, không gian càng bát ngát mênh mông. Tại những chiếc lán bên bìa rừng, du khách có thể vừa thưởng thức những món ăn đặc sản tươi ngon của vùng sông nước Nam Bộ như cá linh nướng, cá lóc hấp bầu, gà nướng muối ớt, cá lóc rừng cuốn lá sen nướng trui, cua đồng chấm mắm me, bông điên điển bóp giấm… trong một không gian mát rượi gió quê, vừa thả hồn theo tiếng ca vọng cổ ngọt lịm của những cô thôn nữ. Tất cả không gian ở đây, từ âm thanh, ánh nắng đến món ăn miệt vườn dân dã đều có những hương vị rất riêng mà không phải nơi nào cũng có được. 

Ngoài những giá trị phong phú về mặt tài nguyên thiên nhiên, rừng tràm Trà Sư còn chứa đựng những yếu tố văn hóa độc đáo của cộng đồng dân cư sống ven rừng. Quanh rừng Trà Sư có khá nhiều đồng bào Khơ-me và Kinh sinh sống với nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống như dệt thổ cẩm, nấu đường thốt nốt, chưng cất tinh dầu tràm, nuôi ong lấy mật… 

Nếu một lúc nào đó du khách có nhu cầu muốn phiêu lưu trong chốn rừng hoang, muốn tạm thời quên hết lo âu của cuộc sống bộn bề, muốn một mình sống với thiên nhiên, hãy đến rừng tràm Trà Sư với biết bao điều thú vị đang đón chờ để có thêm nhiều kỷ niệm đẹp trong cuộc sống. Đây là vùng đất lạ mà quen, bởi con người nơi đây luôn thân thiện và hiếu khách, sẽ mang lại cho du khách cảm giác như đang dạo chơi trong chính không gian của riêng mình.

Du Lịch Độc Thân

Nhiều người xem

 
Top