Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ mà còn là nơi được giới khoa học quan tâm đặc biệt, bởi nơi đây có những loài san hô lần đầu tiên được tìm thấy ở Việt Nam. Việc nuôi trồng và phục hồi thành công những rạn san hô ở đây cũng mở ra hướng nghiên cứu mới cho việc phục hồi các rạn san hô đã bị xâm hại trên các vùng biển Việt Nam.
Ấn tượng đảo xanh
Cách Di sản thế giới đô thị cổ Hội An chưa đầy 20 hải lý, nhưng trước đây, Cù Lao Chàm vẫn khá hoang sơ. Năm 2009, khi được UNESSCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới, Cù Lao Chàm nhanh chóng trở thành một địa danh du lịch biển nổi tiếng của miền Trung và được giới khoa học quan tâm.
Mùa hè năm 2010, chúng tôi theo một đoàn du khách Nhật Bản tham gia cuộc thi bơi vượt biển từ đảo Cù Lao Chàm vào Cửa Đại nên có dịp được biết đến vẻ đẹp đầy ấn tượng của hòn đảo hoang sơ này. Lúc bấy giờ, ông Lê Vĩnh Thuận, Trưởng phòng truyền thông của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, Tp. Hội An và Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã có kế hoạch xây dựng Cù Lao Chàm thành một địa điểm du lịch biển lý tưởng nằm trong tam giác du lịch nổi tiếng của xứ Quảng cùng với Thánh địa Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An. Vì thế, chính quyền địa phương mở các lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch như nấu ăn, làm dịch vụ lưu trú, đưa đón du khách bằng thuyền, hướng dẫn lặn biển… cho gần 3.000 người dân sinh sống trên đảo để làm kế sinh sống mới, thay cho nghề khai thác tài nguyên biển như trước đây.
Đầu năm 2014 này, chúng tôi trở lại Cù Lao Chàm. Gặp lại ông Thuận, ông hồ hởi cho biết, Cù Lao Chàm đã thành công với việc xây dựng đảo xanh thành một địa điểm du lịch biển hấp dẫn với nhiều loại hình như: lặn ngắm san hô, tắm biển, thưởng thức ẩm thực địa phương, khám phá vẻ đẹp hoang dã của các bãi biển tự nhiên…
Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm thuộc xã đảo Tân Hiệp (Tp. Hội An) bao gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ nằm trong hơn 5000ha diện tích mặt nước. Ảnh: Lê Ngọc Thảo
Vào mùa hè, mỗi ngày Cù Lao Chàm đón hơn 3500 du khách đến tắm biển và thăm thú cảnh đẹp tự nhiên. Ảnh: Trần Thanh Giang
Ở Cù Lao Chàm có khoảng gần 200 ca nô cao tốc của người dân địa phương chuyên phục vụ du khách đi khám phá các vẻ đẹp hoang sơ quanh đảo. Ảnh: Trần Thanh Giang
Cù Lao Chàm có nhiều bãi tắm đẹp như bãi Chồng, bãi Hương, bãi Làng... Ảnh: Hoàng Quang Hà
Du khách lặn ngắm san hô ở biển Cù Lao Chàm. Ảnh: Hoàng Quang Hà
Du khách nước ngoài tham gia hoạt động môi trường, lặn bắt các loại cầu gai hại san hô để bảo vệ các rạn san hô dưới biển Cù Lao Chàm. Ảnh: Hoàng Quang Hà
Chúng tôi được anh Huỳnh Đức, cán bộ Khu bảo tồn biển hướng dẫn đi tham quan trên đảo. Vốn là ngư dân chuyên lặn bắt tôm hùm, bào ngư và khai thác san hô mang về nung vôi làm vật liệu xây dựng. Huỳnh Đức tâm sự rằng: “Ngày mới thành lập Khu bảo tồn biển, dân đảo chúng tôi hoang mang lắm vì Ban quản lý đã khoanh vùng bảo vệ, cấm không cho đánh bắt thủy sản thủy sản ở các rạn san hô. Dân chúng tôi xưa nay chỉ quen dùng thuyền nhỏ đánh bắt thủy sản ở các rạn san hô ven đảo, bây giờ không được đánh bắt nữa, đi làm nghề phục vụ du lịch liệu có sống nổi không?”.
Đến thời điểm này, điều lo lắng của Huỳnh Đức đã có câu trả lời, bởi Cù Lao Chàm giờ đã nổi tiếng gần xa đối với du khách và trở thành địa điểm du lịch biển nổi tiếng của miền Trung. Gia đình Huỳnh Đức bây giờ đều làm dịch vụ du lịch, vợ anh đã bỏ nghề đi thúng chai chuyển sang làm nghề nấu ăn phục vụ du khách. Còn cậu con trai thì chuyển sang làm nghề vận chuyển du khách đi tham quan quanh đảo bằng thuyền và hướng dẫn lặn ngắm san hô.
"Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thuộc xã đảo Tân Hiệp (Tp. Hội An) gồm có 8 hòn đảo lớn nhỏ. Ngoài hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú, Cù Lao Chàm còn có nhiều dấu tích cổ của người Việt như tàu cổ bị đắm, giếng cổ, đền đài, miếu mạo… cho thấy từ thế kỷ XV, hoặc thậm chí sớm hơn, nơi đây đã từng là điểm qua lại và neo đậu của các thương thuyền quốc tế trong hành trình “con đường tơ lụa” trên Biển Đông". |
Vào mùa hè, có ngày hơn 3.500 khách nước ngoài ra Cù Lao Chàm tắm biển và lặn ngắm san hô. Vì thế, cứ theo như cách tính đơn giản của Huỳnh Đức thì mỗi người dân trên đảo phục vụ hơn một du khách nên nguồn thu nhập chắc chắn sẽ cao hơn nhiều so với nghề đi biển như trước đây.
Chúng tôi theo chân một đoàn du khách Pháp ra bãi Hương tắm biển. Ở đây, tôi bắt gặp các anh Nguyễn Quang, Nguyễn Tung, Trần Cúc, những cư dân trên đảo đang hướng dẫn du khách cách tập làm ngư dân bằng cách quăng lưới kéo cá. Nhiều khách du lịch nước ngoài lần đầu tiên được làm quen với cách đánh cá của ngư dân Cù Lao Chàm nên tỏ ra vô cùng thích thú. Anh Quang bảo: “Mấy cái lưới này trước là đồ nghề đi biển, nay bọn tôi đem ra phục vụ khách du lịch. Khách nước ngoài rất thích khi được chúng tôi đưa đi chèo thuyền thúng, câu cá và đánh lưới…”
Trên một chiếc thuyền được trang bị các phương tiện lặn biển chuyên nghiệp, Huỳnh Đức đưa chúng tôi đến Mũi Đá Trắng, nơi được mệnh danh là “thiên đường dưới đáy biển” ở Cù Lao Chàm, để tham quan vẻ đẹp huyền ảo của những rạn san hô. Rạn san hô ở Mũi Đá Trắng rộng khoảng 30ha, là điểm lặn ngắm san hô lý tưởng nhất ở Cù Lao Chàm. Dưới độ sâu chừng 5 mét, qua chiếc kính lặn, ẩn hiện trong làn nước trong xanh là cả một thế giới đầy màu sắc của các loài động, thực vật biển, trông như chốn thủy cung huyền bí.
Sau tour lặn biển, Huỳnh Đức tiếp tục đưa chúng tôi đi ngắm vẻ đẹp của những bãi biển còn giữ được nguyên vẻ hoang sơ như Bãi Làng, Bãi Chồng, Bãi Hương… Ở đây luôn tấp nập tàu thuyền đưa du khách đi lặn ngắm san hô.
Ngồi bên mạn thuyền, cúi nhìn chăm chú vào những rạn san hô ẩn hiện trong làn nước biển trong xanh, Huỳnh Đức tâm sự: “Bỏ được nghề khai thác san hô nung vôi chuyển sang làm công tác bảo tồn biển, tôi như trả được món nợ với biển của quê hương. Ở Khu bảo tồn biển này, chúng tôi đã làm hồi sinh những rạn san hô tuyệt đẹp, giúp Cù Lao Chàm trở thành một điểm du lịch lặn ngắm san hô hấp dẫn nhất ở Việt Nam”.
Bảo tồn và phát triển
Bà Trần Thị Hồng Thúy, Giám đốc Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, năm 1996, các nhà khoa học đã điều tra và phát hiện được ở đây có 135 loài san hô với 35 giống, trong đó có 6 loài mới tìm thấy lần đầu ở vùng biển Việt Nam. Ngoài ra kết quả điều tra còn cho thấy nơi đây có 202 loài thủy sản và 4 loài tôm hùm. Các rạn san hô ở Cù Lao Chàm phân bố chủ yếu ở phía Tây và Tây Nam đảo Hòn Lao và xung quanh các đảo nhỏ với tổng diện tích khoảng 165 ha mặt nước nhưng đều bị hư hại do người dân khai thác để nung vôi. Trước thực trạng đó, Khu bảo tồn đã phối hợp với các chuyên gia của Viện hải dương học Nha Trang triển khai dự án nuôi cấy phục hồi lại các rạn san hô để phục vụ các hoạt động du lịch và bảo tồn các nguồn gien quý hiếm tại vùng biển này.
Thế nhưng, chuyện trồng phục hổi lại những rạn san hô đã chết dưới đáy biển ở Cù Lao Chàm cũng lắm gian truân. Năm 2006, khi bắt đầu dự án trồng, cấy mới san hô, các cán bộ của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã gặp không ít thất bại. Lúc bấy giờ, Huỳnh Đức, Trần Giòn, Võ Hữu Sinh… được hướng dẫn lặn xuống biển tách các mẫu san hô đem về trồng lại ở các vùng đã bị khai thác nhưng một thời gian sau san hô đều bị chết hoặc bị sóng biển cuốn trôi. Không nản chí, các anh tiếp tục trồng đi, trồng lại nhiều lần nhưng rồi công sức vẫn đổ ra biển vì san hô lại bị đánh bật bởi sóng lớn. Khi đó, Huỳnh Đức mới nghĩ rằng, trồng san hô dưới biển cũng như trồng cây ở trên đất liền, phải ươm giống cho cây khỏe mạnh phát triển tốt rồi mới đem gieo trồng đại trà.
Các cán bộ Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm phối hợp với các chuyên gia của Viện hải dương học Nha Trang tổ chức khảo sát, nghiên cứu, đánh giá quá trình phục hồi và trồng mới san hô ở Cù Lao Chàm. Ảnh: Khu BTB Cù Lao Chàm
Các cán bộ Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm triển khai khoanh vùng khu vực biển Rạn Mè để làm vườn ươm san hô. Ảnh: Khu BTB Cù Lao Chàm
Kiểm tra tiến độ sinh trưởng của san hô được ươm trồng dưới đáy biển thuộc khu vực Mũi Đá Trắng. Ảnh: Khu BTB Cù Lao Chàm
Trước khi đem trồng, san hô được ươm trong các khung ươm đặt dưới biển. Ảnh: Hoàng Quang Hà
Hệ thống khung ươm san hô dưới đáy biển Cù Lao Chàm. Ảnh: Khu BTB Cù Lao Chàm
Anh Lê Vĩnh Thuận, cán bộ Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tách các mẫu san hô để đưa vào ươm trồng. Ảnh: Khu BTB Cù Lao Chàm
Các cán bộ Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thả rùa biển bị mắc lưới về lại với môi trường biển. Ảnh: Khu BTB Cù Lao Chàm
Thả tôm hùm về lại với biển tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Ảnh: Khu BTB Cù Lao Chàm
Huỳnh Đức nêu ý tưởng và được lãnh đạo Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đồng ý cho làm thì điểm. Anh và các đồng nghiệp đã chọn được vùng biển thuộc Rạn Mè, Bãi Tra và Bãi Mần là nơi lặng sóng, khuất gió thuận lợi cho việc làm vườn ươm. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của các chuyên gia Viện hải dương học Nha Trang, các anh đã thiết kế khung nuôi để có thể ươm giống san hô được nhiều và thuận lợi cho việc chăm sóc. Kết quả thật bất ngờ, san hô sau khi ươm đem trồng đã phát triển rất tốt.
Tính đến hết năm 2013, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã phát triển được 30 khung ươm trồng san hô phục vụ đắc lực cho việc trồng phục hồi thành công 165 ha diện tích rạn san hô bị hư hại. Đặc biệt, từ kết quả trồng phục hồi thành công các rạn san hô bị hư hại, các cán bộ và nhà khoa học của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã tiến hành thành công việc trồng mới 146 ha diện tích rạn san hô ở khu vực biển Cù Lao Chàm, nâng tổng diện tích các rạn san hô ở đây lên 311 ha diện tích mặt nước.
Bà Trần Thị Hồng Thúy cho biết, việc phục hồi và nhân rộng thành công rạn san hô đã tạo môi trường thuận lợi cho nhiều loài thủy sản sinh trưởng và phát triển, trong đó có nhiều loài quý hiếm như bào ngư, tôm hùm xanh…
Đây chính là thành công lớn trong công tác bảo tồn biển của Việt Nam. Từ kết quả này các nhà khoa học sẽ tiến hành nhân rộng ở các Khu bảo tồn biển khác của Việt Nam như: Nha Trang, Kiên Giang, Vườn Quốc gia Bái Tử Long (Quảng Ninh), Vườn Quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận).
Một số hình ảnh tuyệt đẹp về san hô và các loài sinh vật biển ở Cù Lao Chàm
Ảnh: Tư liệu Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm
Ảnh: Tư liệu Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm
Ảnh: Tư liệu Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm
Ảnh: Tư liệu Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm
Ảnh: Tư liệu Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm
Ảnh: Tư liệu Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm
Ảnh: Tư liệu Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm