Nhà cổ Huỳnh Phủ (xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) với nhiều họa tiết, điêu khắc bằng gỗ được xem là có một không hai ở miền Tây. Công trình được xây dựng ròng rã 14 năm mới hoàn thành và được thế hệ con cháu giữ gìn hơn một thế kỷ qua.





Đến nhà cổ Huỳnh Phủ, du khách như lạc vào một “biệt phủ” xưa để ngắm nhìn những hoạt tiết, nghệ thuật điêu khắc gỗ tài hoa của ông cha ta thời trước. Người sở hữu ngôi nhà cổ độc đáo đáo này là ông Huỳnh Ngọc Thu, 58 tuổi (cháu đời thứ 6 của ông Huỳnh Ngọc Khiêm (còn gọi Hương Liêm (1843 - 1927) - người đã làm nên công trình kiến trúc điêu khắc gỗ rất độc đáo này).
Kể về gia tộc danh giá của mình, ông Thu cho biết: “Hồi xưa ông cụ xây nhà tên Khiêm nhưng không biết do phạm húy hay trùng tên vua chúa gì đó nên gọi là Liêm; khi ông tham gia chính quyền, làng xã thời đó nên gọi là Hương Liêm. Ông là người từ Huế dẫn vợ và 9 người con vào vùng đất Bến Tre này khai khẩn đất hoang rồi lập nghiệp đến nay đã hơn 1 thế kỷ”.
Ngôi nhà cổ nhìn từ bên ngoài
Ngôi nhà cổ nhìn từ bên ngoài
Kế bên là ngôi nhà nhỏ để tiếp khách
Kế bên là ngôi nhà nhỏ để tiếp khách
Theo ông Thu, nhờ ông cụ siêng năng làm ăn và mùa màng thuận lợi nên gia đình tích tụ hơn 2.000 mẫu ruộng. Khi trở thành địa chủ giàu có trong vùng, ông Hương Liêm về quê cũ ngoài Huế thuê thợ vào Bến Tre xây công trình kiến trúc này mất 14 năm (từ năm 1890 đến1904) mới hoàn thành. Ngôi nhà có nền cao, bao bọc xung quanh là tường bằng xi măng theo kiến trúc Pháp nhưng bên trong toàn gỗ quý từ vách, cột, kèo, các phiến gỗ lớn được chạm khắc…
Cửa gỗ bên ngoài cũng làm rất cầu kỳ
Cửa gỗ bên ngoài cũng làm rất cầu kỳ
Mặt trước ngôi nhà được chạm khắc tinh vi
Mặt trước ngôi nhà được chạm khắc tinh vi
Bên trong ngôi nhà có 48 cây cột tròn bằng gỗ quý
Bên trong ngôi nhà có 48 cây cột tròn bằng gỗ quý
Công trình xây dựng độc nhất này mất thời gian dài nên cũng có nhiều câu chuyện truyền miệng được dân làng kể lại cho đến ngày hôm nay. Khi đó cánh thợ mộc đến đây làm việc hồi còn trẻ tới lớn vẫn chưa xong nên được ông Hương Liêm lo cưới vợ rồi lập nghiệp tại vùng đất này luôn; hay chuyện thợ cưa gỗ ăn bưởi bỏ hạt ngoài vườn đến khi cây bưởi lớn ra quả mà công trình xây dựng vẫn chưa xong...
Xung quanh ngôi nhà toàn làm bằng gỗ
Xung quanh ngôi nhà toàn làm bằng gỗ
Mái nhà được lợp ngói cổ có nơi lấy ánh sáng tự nhiên
Mái nhà được lợp ngói cổ có nơi lấy ánh sáng tự nhiên
Hiện tại, mỗi ngày bà Lê Thị Hai (vợ ông Thu) là người đảm nhiệm thắp nhang, quét dọn khu nhà cổ của tổ tiên và kiêm thêm nhiệm vụ hướng dẫn viên cho khách du lịch. Bà Hai cho biết: “Ngôi nhà được xây dựng trên diện tích trên 500m2 (rộng khoảng 17m, dài 25m) với 48 cây cột tròn bằng gỗ căm xe, gỗ lim và cất theo kiểu nhà xuyên trính, hình chữ nhật, ba gian hai chái và hai liễm đôi theo kiểu chái bắt vần với liễm được sơn son thếp vàng. Toàn bộ gỗ ở mặt trước ngôi nhà được điêu khắc tinh vi với hình hoa, cỏ, động vật quen thuộc quen thuộc ở địa phương như: tôm, cá, nai, hươu, chim, gà, rồng, phụng… Kế bên còn 1 ngôi nhà nhỏ dùng để ông cụ tiếp khách, uống trà, uống rượu và chỗ nghỉ ngơi cho khách ở xa”.
Những phiến gỗ được chạm khắc tinh vi
Những phiến gỗ được chạm khắc tinh vi
Bên trong ngôi nhà còn bộ trường kỷ cẩm thạch được nhập từ Pháp về mà thời điểm năm 1980 được trả giá 40 lượng vàng nhưng gia chủ vẫn không bán. Ngoài ra còn một số bộ phản, giường gỗ, lư đồng… được các thế hệ con cháu giữ gìn suốt mấy đời qua. Theo bà Hai, du khách thích nhất khi đến tham quan ngôi nhà là ngắm nhìn bộ liễn và những con vật, cành hoa trên phiến gỗ quý được chạm, khắc hết sức công phu. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài và biến cố của lịch sử nên nhiều món đồ cổ có giá trị trong ngôi nhà đã bị thất lạc.
Để giữ gìn ngôi nhà cổ, vợ chồng ông Thu cất quán nước bên hông làm kế sinh nhai và tiện việc mở cửa cho khách du lịch vào tham quan. Ngoài ra, bà Hai còn canh tác mấy công đất trồng rau ở phía sau ngôi nhà cổ. Năm 2011, nhà cổ Huỳnh Phủ và khu mộ vợ chồng Hương Liêm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Do công trình xuống cấp nên được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre đầu tư trùng tu, phục dựng lại với kinh phí 25,2 tỷ đồng và mới hoàn thành vào năm 2015.
Khu gian thờ được chạm khắc, sơn son thiếp vàng rất độc đáo
Khu gian thờ được chạm khắc, sơn son thiếp vàng rất độc đáo
Ông Thu cho biết: “Trước đây có nhiều vị đại gia từ nơi khác cũng đến đây trả giá mấy chục tỷ đồng rồi dỡ đi nơi khác nhưng gia đình kiên quyết không bán vì đây là tài sản quý giá mà tổ tiên đã bỏ rất nhiều công sức gầy dựng cho thế hệ con cháu”.
Bộ trường kỷ quý giá được nhập từ Pháp về hơn 100 năm trước
Bộ trường kỷ quý giá được nhập từ Pháp về hơn 100 năm trước
Một số món đồ cổ còn lại ở gian thờ ông bà tổ tiên
Một số món đồ cổ còn lại ở gian thờ ông bà tổ tiên
Chiếc giường làm bằng gỗ quý
Chiếc giường làm bằng gỗ quý
Hiện tại, ngôi nhà cổ độc đáo này nằm ở vùng sâu của huyện ven biển Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) nhưng mỗi ngày cũng có vài chục khách du lịch thích khám phá đến tham quan. Đến ngôi nhà cổ này, gia chủ sẽ hướng dẫn tận tình nhưng phí thì “ai cho bao nhiêu tùy thích” nên du khách không chỉ thích kiến trúc độc đáo mà còn cả cung cách phục vụ nhiệt tình bởi lớp hậu duệ của gia tộc danh giá này.

Minh Giang
Nguồn: dantri.com.vn

Du Lịch Độc Thân

Nhiều người xem

 
Top