Cách đây 4-5 năm gì đó khi nghe nhắc đến Bali, mình nghĩ ngay đến bom, khủng bố và sóng thần:D, đồng thời cũng biết hòn đảo này nổi tiếng là thiên đường du lịch. Báo chí hay đăng tin diễn viên Holywood này làm đám cưới ở Bali, tỉ phú kia đi nghỉ ở Bali… cao sang dễ sợ:) Vậy mà cũng có ngày mình đi Bali, hi hi, và thấy Bali hiện tại không nguy hiểm chút nào, và cũng không quá cao sang cho những người mê du lịch mà không phải đại gia:)


Vì là lần đi thứ hai nên mình không bỡ ngỡ mấy. Nhưng nhớ lại lần đi đầu tiên khi tìm hiểu về kinh nghiệm du lịch bụi ở Bali trên internet, mình đã không tìm kiếm được nhiều. Theo mình đoán hình như số người Việt Nam đến Bali còn khiêm tốn và không ở lâu (mình hay hỏi các nhân viên khách sạn, nhà nghỉ, quán ăn, nhân viên bán vé điểm tham quan mà mình đến là đã gặp người Việt Nam nào tới đây chưa, mới có một nơi trả lời là có, còn lại toàn lắc đầu). Không chắc là đoán đúng vì biết đâu bà con ăn nghỉ ở những nơi cao cấp quá, làm sao mình biết được:) Vì vậy các kinh nghiệm nhỏ mình chia sẻ sau đây chủ yếu cho các bạn yêu thích du lịch bụi, ngân sách vừa phải, thích tự sắp xếp chuyến đi, có thời gian lang thang hơi dài và ưa thử thách mạo hiểm một chút.
1. Visa: 


Với các bạn đi chơi ít hơn 30 ngày thì không cần quan tâm đến visa, vì cũng như nhiều nước Đông Nam Á khác Indonesia miễn visa cho thời gian du lịch 1 tháng.

Đi hơn 30 ngày thì phải đi làm visa rồi! Thủ tục cũng khá đơn giản. Nhưng khả năng được duyệt thì khá hên xui:) Đặc biệt phụ nữ hay bị hỏi han đủ thứ (đi qua đó làm gì? Đi chơi sao đi lâu vậy? Đi với ai? Nếu có đi với ai thì quan hệ như thế nào?v.v…) do cái thành kiến ngu ngốc là các cô gái VN xuất ngoại đi làm nghề xấu. Các bạn ở Sài Gòn nộp hồ sơ tại lãnh sự quán Indonesia số 18 Phùng Khắc Khoan, Q1 :
– Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng trên 6 tháng
– Các vé máy bay đi và về (quan trọng để họ quyết định nhanh vì thấy bạn không có ý định ở lại)
– Đơn xin cấp visa (do nhân viên lãnh sự phát)
Đối với vé máy bay, đặc biệt là vé chuyến về, nếu bạn e là mua vé rồi mà không được duyệt như vậy sẽ mất tiền huỷ chuyến hoặc đổi ngày, thì bạn lấy xác nhận đặt vé và trình cho nhân viên lãnh sự. Sau đó nếu ổn rồi thì hẵng mua:)
Phí cấp visa là 45$, thời gian cấp 1 tuần lễ

2. Vé máy bay :


Không có chuyến bay thẳng từ Việt Nam đến Bali mà phải quá cảnh hoặc ở Kuala Lumpur (Malaysia) hoặc ở Jakarta (Indonesia)

Mình toàn quá cảnh ở Kuala Lumpur. Để có giá rẻ nên đặt trước 3 tháng, giá tốt có khi chỉ khoảng 3,5tr cho 1 chiều Việt Nam- Malaysia – Bali (đi với Air Asia http://www.airasia.com)
Nếu không mua được vé bay đi Bali ngay trong ngày đến Kuala Lumpur thì bạn có thể đặt phòng khách sạn Tune của Air Asia ngay tại sân bay KLCC nghỉ một đêm, chờ hôm sau bay tiếp. Còn không thì có thể về trung tâm Kuala Lumpur chơi mấy ngày nhỉ:)?

À, đi chơi rồi ra về cũng phải trả tiền cho người Indo nữa :) Nếu bạn bay ra khỏi Indonesia từ Bali thì bạn phải nộp 150.000 rupiah tại sân bay. Không chấp nhận các loại tiền khác nghe. Do đó, nhớ để dành tiền rupiah mà hồi hương nhé! Nhưng nếu bay ra khỏi Indonesia từ Jakarta thì chỉ trả có 50.000 rupiah thôi. Bạn tính toán mà mua vé chặng Bali-Jakarta-Hà Nội hoặc Sài Gòn sao cho có lợi nhất nhé
3. Đổi tiền


Tỷ giá đồng rupiah là 1IDR ~ 2.4 VND

Bạn mang USD và đổi sau đó ở Bali cũng được, nên đổi tiền ở điểm đổi tiền của ngân hàng được uỷ quyền vì tỷ giá tốt hơn, ví dụ như điểm đổi tiền của công ty PT Dirgahayu Valuta Prima màu xanh (xem hình) Tỷ giá tham khảo hiện nay 1USD ~ 9.460 rupiah ( nếu những tỷ giá này không thay đổi lớn thì đổi tiền ở Bali lời hơn chút chút nhỉ?)
Tỷ giá ngoài các điểm đổi tiền chợ đen cho 1USD thường dao động từ 9.000-9.200 rupiah

Tờ 10.000 rupiah với 100.000 rupiah hao hao giống nhau. Cẩn thận kẻo trả tiền nhầm đó:)

br />;

20121208-181902.jpg

4. Rút tiền qua ATM


Tờ Rupiah có mệnh giá lớn nhất là 100.000

Có hai loại máy ATM dành cho thẻ quốc tế : Loại chỉ có tiền 100.000 rupiah và loại chỉ có tiền 50.000 rupiah
Mỗi máy cho rút tối đa 30 tờ
Nghĩa là nếu bạn rút tiền từ máy 50.000R bạn chỉ có 1,5trR, có thể không đủ và bạn phải rút thêm, phải trả phí ngân hàng nhiều hơn. Đáng tiếc là loại máy này chiếm đa số. Nhưng nếu bạn đi ngắn ngày và không quan trọng phí rút tiền thì không sao:)
Các máy có tiền mệnh giá 100.000 R chủ yếu có ở Kuta, Denpasar và Ubud. Mình chỉ rút tiền từ ngân hàng CIMB NIAGA, và mình biết các vị trí sau:
– Tại Ubud: có ATM của CIMB NIAGA nằm trên Jalan (đường) Raya Ubud, phía bên trái nếu đi về hướng chợ Ubud
– Denpasar: ATM của CIMB NIAGA nằm trên Jalan Veteran
Có nhiều vùng khác không có ATM, nên bạn cần để ý rút tiền ở 3 điểm trên trước khi đi nhé

20121211-235235.jpg
5. Phương tiện di chuyển


a. Xe hơi

Ít thấy hãng taxi chính thức ở Bali, hầu hết là các tài xế tư nhân tự hoạt động. Đi ngoài đường bạn sẽ thấy họ cầm bảng “transport” và mời mọc tới tấp. Bạn cũng có thể thuê xe để tự lái nữa.
– Giá đi từ sân bay Ngurah về trung tâm Kuta khoảng 50.000 rupiah
– Giá đi từ sân bay về Ubud dao động từ 150.000- 200.000rupiah
– Giá đi từ Kuta về Ubud khoảng 150.000 -200.000 rupiah
– Giá thuê một xe tự lái dao động từ 200.000 – 500.000 rupiah/ngày (tuỳ loại xe)
…tuỳ vào khả năng trả giá của bạn
Thuê xe đi chơi bạn nên liên hệ từ khách sạn, nhà nghỉ nơi bạn ở vì họ có tài xế riêng hoặc họ sẽ giới thiệu những tài xế tốt, giá tốt, an toàn hơn là bạn kêu xe ở bên ngoài. Đa phần các nhà nghỉ khách sạn ở Bali đều có khách quen hàng năm, do đó họ sẽ giúp đỡ bạn rất nhiều để bạn còn quay lại vào những năm sau

b. Xe đạp: 

Xem phim Ăn, Cầu nguyện, Yêu các bạn sẽ thấy nhân vật nữ đạp cái xe thật cổ điển, duyên dáng. Nhưng mà chỉ để đi vòng vòng ở mấy khu phố nhỏ ở các trung tâm thì được, còn nếu đi các khu khác có lẽ cô ấy phải dắt bộ hơi nhiều. Dốc, đồi, đồi và dốc lên xuống giống như chơi rolling coaster:) Vì vậy các tiệm cho thuê xe đạp hầu như chỉ có loại xe thể thao 7 gear (nhờ vào 3 mức điều chỉnh ở tay trái, bạn có thể có 21 tốc độ khác nhau) giá cho thuê dao động từ 20.000-30.000 rupiah/ngày

Xe đạp rất tuyệt để dạo quanh các ngôi làng, vi vu qua mấy cánh đồng êm ả hoặc bạn có thể dùng nó để đi thăm các thắng cảnh xa xôi khác, thử thách lòng kiên nhẫn và sức bền của bản thân.

c. Xe máy:

Phương tiện thân quen và thuận tiện cho các bạn trẻ yêu phượt nhỉ? Loại xe máy thông dụng ở Bali là xe Vario của hãng Honda, giống y chang xe Click ở Việt Nam mình. Xe này đủ mạnh để đi đường trường. Giá thuê xe theo ngày là 30.000-50.000 rupiah, theo tháng là 500.000 rupiah/tháng. Người chủ sẽ giao cho bạn một bản copy chứng nhận sở hữu (?), bạn sẽ phải trình cái này nếu cảnh sát hỏi thăm (nghe ghê quá)

Nhưng cái quan trọng nhất để đi xe là bạn phải có bằng lái quốc tế. Cảnh sát giao thông (CSGT) Bali rất thích huýt còi chặn người đi đường tìm lỗi, tìm cách doạ phạt để nhận hối lộ (thấy quen quen hả), đặc biệt là đối với người nước ngoài. Trên xa lộ, đường lớn hễ cứ thấy mắt xanh mũi lõ đi xe máy thế nào họ cũng ngoắc vào lề. Người Việt Nam tuy da vàng mũi không lõ (hi hi) nhưng nếu có dáng dấp phượt phượt không giống Bali thì cũng có nguy cơ cao lắm. Nếu không có bằng lái họ sẽ doạ đưa xe về đồn, giữ giấy tờ…v.v.. Và sau đó là gợi ý nộp tiền trực tiếp cho họ thì ok, khoảng 50 dollar gì đấy. Do đó, tốt nhất là có bằng lái và đi xe đúng luật bạn nhé! Còn làm thế nào để có bằng lái Quốc tế thì mình sẽ có một bài riêng, không phức tạp đâu.
Trong trường hợp bạn có đầy đủ bằng lái, giấy tờ xe, đội mũ bảo hiểm cẩn thận, đi xe đúng luật thì một số cảnh sát sẽ giả bộ nghiêng ngó cái xe, phán là đèn xe bạn không đủ sáng, phanh không tốt, giấy xe hết hạn và gợi ý bạn nộp tiền hoặc doạ đưa bạn về đồn. Bạn không nên quá sợ mà đưa tiền, cứ bảo xe này tôi thuê, tôi không biết các vấn đề đó, và đưa cho họ số điện thoại của chủ xe để nói chuyện. Gần 100% họ sẽ cho bạn đi :) Họ chỉ có ý định lấy tiền từ các khách du lịch không muốn rắc rối, nộp tiền cho yên chuyện thôi.
Chiều đi xe theo kiểu Anh, đi ở bên trái.
Đổ xăng: các trạm xăng được thiết kế thông minh và thuận tiện: chia rõ khu vực dành cho xe máy và ô tô. Người ta thiết kế lối vào đổ xăng dành cho xe máy hẹp, chỉ đủ chỗ cho một xe. Do đó, dù không muốn cũng phải sắp hàng chờ đến lượt, tránh được tình trạng chen chúc lộn xộn thường thấy ở các cây xăng Việt Nam. Mình được lưu ý là yêu cầu đổ xăng theo tiền (10.000 rupiah là đầy bình), không kêu đổ xăng theo lít, hoặc bảo đầy bình, vì có thể sẽ có gian lận, không biết có phải vậy không?
6. Nhà nghỉ, khách sạn:


Không khó để tìm nhà nghỉ khách sạn ở Bali. Nghĩa là không đến mức phải đặt phòng trước qua các trang web nhưbooking.com hay agoda.com v.v… Giá phòng ở các trang này mắc hơn nhiều so với giá thật, bởi vì chủ nhà nghỉ khách sạn phải trả phí và hoa hồng cho các website này. Ví dụ như một người bạn của mình đi nghỉ tại Tabana, cô ấy trả 200.000 rupiah/đêm trong khi đó một người khách Nhật book trước qua mạng phải trả đến 50 dollar/đêm.

Bạn có thể bay đến Bali, lang thang một chút là có phòng ở ngay. Giá một phòng tươm tất, sạch sẽ, quạt máy, nước nóng, giường lớn trong mùa cao điểm là 200.000 -250.000 rupiah/đêm; mùa thấp điểm khoảng 100.000-150.000 rupiah/đêm. Nếu họ có hồ bơi thì mắc hơn một chút. Đôi lúc đồng giá với phòng máy lạnh. Dĩ nhiên là không thiếu những resort lộng lẫy tiện nghi với giá từ 300$-800$/đêm.
Mùa cao điểm là từ tháng 3-tháng 9 (đặc biệt vào tháng 7-8 người Úc sẽ ùn ùn kéo qua Bali, rất đông đúc)

Mùa thấp điểm từ tháng 10- tháng 2 ( mưa nhiều)

Nếu bạn lo lắng không có phòng mùa cao điểm, bạn cũng có thể book qua mạng nhưng tốt hơn là website trực tiếp của resort, nhà nghỉ, khách sạn. Một trang web thú vị để book phòng là airbandb.com. Rất nhiều người nước ngoài có nhà riêng để nghỉ tại Bali, họ sẽ cho thuê trong thời gian không ở đó. Giá sát thực tế và có lịch nêu rõ những lúc phòng trống.
7. Ăn uống: 


Tạm gác những nhà hàng lớn sang trọng mắc tiền, những tiệm ăn Nhật Bản, Ý, Pháp…một bên, Bali có vô số hàng quán ngon miệng, hương vị vừa lạ vừa quen (văn minh lúa nước với nhau), giá bình dân (từ 10.000 rupiah-70.000rupiah), phong cách phục vụ hiền hoà, chân chất dễ thương

Các món ăn Indo hay gặp nhất là nasi goreng (cơm chiên), nasi campur (cơm thập cẩm), cap cay (rau xào), gado-gado (rau xào trộn xốt đậu phụng), pelecing kangkung (rau muống luộc kèm sốt cà chua đặc biệt)… Món đậm chất Bali là pepes ikan (cá ướp hỗn hợp gia vị Bumbur bọc lá chuối nướng), món sang trọng là Bebek bengil (con vịt bẩn – không biết tại sao họ gọi vậy :), chưa tìm hiểu) một kiểu vịt quay… Bạn chớ coi thường các warung (quán ăn) nhỏ nhỏ giản dị nhé, trong vậy nhưng lại rất nổi tiếng và ngon vô cùng:). Đừng quên thử các món ăn đường phố nhé (các loại bánh làm từ đậu xanh, đậu đỏ, bột gạo, nước dừa…). Ôi, đừng mang theo nước mắm hay mì gói vì sợ ăn không quen đồ ăn của người ta nhé, bởi vì bạn đang đi khám phá, cớ gì lại không khám phá luôn văn hoá ẩm thực:)
Nếu bạn ở Ubud vài ngày, mình khuyên bạn nên chọn khu vực Tebesaya (jalan Sukma) để trọ. Rất yên tĩnh và thể hiện rõ nhất cuộc sống thường nhật của văn hoá đạo Hindu. Ở đó có warung của Mama Badri, mà hầu như khách ba lô Nhật nào cũng ghé tới, bởi vì Mama và thức ăn ngon tuyệt của bà được đánh giá rất cao ở Lonely Planet Nhật. Ở đó có thể tình cờ bạn sẽ ngồi ăn với vài người nổi tiếng mà rất giản dị, mà qua chuyện trò làm quen bạn mới phát hiện ra…
Xem thêm
Ẩm thực Bali
Ăn vặt ở Bali

8. Các điểm đến:


– Kuta: sôi động và bị thương mại hoá tối đa. Phù hợp để mua sắm, đi bar, cũng là nơi dân lướt sóng tìm đến. Với nhiều khách lữ hành, Kuta là thảm hoạ, là thất bại của Bali vì sự ồn ào, hào nhoáng của nó :) Thông thường người ta hay đến thăm đài tưởng niệm các nạn nhân vụ đánh bom năm 2002.

– Các ngôi đền:
Uluwatu – ngôi đền trên vách đá ở Jimbaran
Goa Gajah – elephant cave gần Ubud
Ulum Danu Bretan- ngôi đền bên hồ ở Bedugul
Đền Tanah Lot
Đền dơi Gua Lawah ở Padang Bai
– Ubud: trung tâm của nghệ thuật, điêu khắc, hội hoạ, các điệu nhảy truyền thống, điểm đến của các nhà văn, hoạ sĩ, yogi.. Nổi tiếng thế giới với các trung tâm yoga và thiền
– Ngôi làng cổ Tanganan tại Candidasa
– Lặn biển ở Padang Bai, Candidasa, ngắm cá heo ở Amed, Lovina
– Thăm hồ Batur và núi lửa Batur
– Leo và khám phá núi lửa Batur và Agung
– Xem các buổi rước lễ của người Bali tại các ngôi đền trung tâm các làng
… Và rất rất nhiều nơi hay ho thú vị khác bạn sẽ tình cờ phát hiện ra trên đường đi hoặc qua câu chuyện của các người bạn Tây balo mới quen dọc đường 

Xem thêm:
Kinh nghiệm đi Bali

9. Mua sắm:

Bali nổi tiếng với đồ thủ công mỹ nghệ (đồ trang trí chạm khắc từ gỗ, trái dừa, xương bò, đồ bạc, vải batik, tranh vẽ, vòng tay chuỗi hạt…). Để mua sắm đa phần người ta tập trung về:
- Kuta, Denpasar: nơi tập trung các shop hàng hiệu

– Ubud: chợ trung tâm Ubud có tất cả hàng mỹ nghệ

– Tampak Siring: sản phẩm thêu móc
– Chợ thủ công mỹ nghệ Sukawati: tuyệt vời để đi mua đồ làm quà, giá rẻ hơn các nơi còn lại rất rất nhiều

Dù mua ở đâu, đặc biệt ở các chợ, bạn phải dũng cảm trả giá nhé, giảm phải 70% đấy. Mình mua cái áo ở chợ Ubud, giá đưa ra là 165k rupiah, mình mua nó chỉ với 30k (vẫn còn hớ nghe bà con)
Khá là dài dòng, nhưng mà mình vẫn còn thấy thiếu thiếu gì đó. Hy vọng là hữu ích chút chút. Nếu bạn nào có kinh nghiệm gì hay hơn thì góp ý nghe… Mình vẫn mong được gặp bạn Việt Nam ở Bali:
Xem thêm
Điểm mua sắm ở Bali

Du Lịch Độc Thân

Nhiều người xem

 
Top