Biển Long Thủy (thường gọi là Mỹ Á) là nơi có nhiều dừa xanh bóng mát, có dãi cát biển làm bãi tắm tuyệt vời cho du khách.
Đi về hướng Bắc, cách trung tâm thành phố Tuy Hoà-Phú Yên khoảng 10 km đường ôtô, nằm gần kề Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã An Phú, thành phố Tuy Hoà. Long Thuỷ đã từ lâu được xem là bãi tắm đẹp nhất Phú Yên. 
Bãi biển nơi này được kết hợp hài hoà độc đáo của phong cảnh thiên nhiên, cùng với những rặng dừa xanh rợp bóng kéo dài trên bờ biển cát mịn. Bãi có cát trắng phau phau trải dài theo mép nước. Nước biển ở đây trong xanh, đáy thoai thoải, trải dài dưới bóng dừa xanh mát. 
Rừng dừa Mỹ Á hết sức thơ mộng, có thể ru hồn khách lãng du trong những đêm trăng thanh gió mát. 



Cách bờ không xa có cụm đảo còn hoang sơ như đảo Hòn Chùa có diện tích khoảng 0,22 Km2 và 2 đảo nhỏ là Hòn Dứa và Hòn Than. Khu vực quanh các đảo này có những rạn san hô có diện tích khoảng 100 ha. 
Ngoài biển Long Thủy có các Cù Lao Hòn Chùa, Hòn Than, Hòn Dứa …, trong đó: Hòn chùa rất thích hợp cho đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Có thể tổ chức các dịch vụ: lặn biển, câu cá, lướt ván và các trò chơi thể thao trên biển … 

Đi qua Hòn Yến vào xã An Chấn, có chợ Ma Liên nổi tiếng, có Gành ông Gành Bà. 

Từ xa xưa Mỹ Á, Long Thủy đã gợi nhiều cảm hứng cho ca dao Phú Yên.

- Ai về Mỹ Á chi lâu
Để em ôm chiếc thuyền câu đợi chờ.

- Muốn về Mỹ Á ăn dừa
Sợ e sóng lớn nó đùa lộn vô.

- Lấy chồng Phú Cốc sợ beo
Lấy chồng Mỹ Á hồn treo cột buồm

Làng Long Thuỷ xưa có tên là Mỹ Á, thuộc xã An Phú, huyện Tuy An, nay thuộc TP Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Từ trung tâm thành phố theo đường Hùng Vương ra QL1A, đi khoảng 7km đến khu vực đồi Thơm, rồi xuôi theo hướng Đông, đến sát bờ biển. Còn đi theo đường Độc Lập ra hướng Bắc thì chỉ 5km.

Làng Long Thuỷ nằm sát biển, có bãi tắm rất đẹp cùng tên. Phía Bắc làng giáp thôn Ma Liên, Mỹ Quang xã An Chấn, huyện Tuy An. Phía Nam giáp ranh phường 9 còn mặt Đông là biển cả mênh mông. Long Thuỷ nổi tiếng có dừa xiêm uống nước rất ngọt, mát. Vườn dừa Long Thuỷ rợp bóng mát, quanh năm che phủ cả thôn.

Biển Long Thuỷ (xưa gọi là Mỹ Á) quanh năm lộng gió, một loại gió hiu nhẹ từ biển thổi vào nên không khí rất trong lành. Ngoài khơi có hòn Chùa án ngữ trước mặt, cách bờ khoảng trên dưới 7 km nên bãi biển nông, thoai thoải… Lớp cát vàng mịn trên bãi rất sạch sẽ để du khách tắm biển, tổ chức vui chơi ngoài trời, cắm trại dã ngoại…

Phía giáp với Mỹ Quang có con suối nhỏ xuất phát từ các thôn Phú Phong, Phú Thạnh, Phú Qúi chảy qua cầu Đồng Nai rồi lặng lờ tuôn ra biển Mỹ Á. Con suối này không có tên gọi nhất định, lúc thì gọi là lạch Phú Quý, lúc gọi lạch Đồng Nai, lạch Mỹ Á… Suối không rộng, có thể nhảy từ bờ bên này sang bờ bên kia ở chỗ đoạn cầu Đồng Nai, nhưng ra gần cửa thì nới khoảng cách hai bờ ra xa hơn. Mực nước trong suối lúc cao nhất cũng chỉ tới thắt lưng, nhưng nước trong leo lẻo, thấy từng đàn cá lội; hai bên bờ lại có hàng dừa cao nghiêng mình soi bóng. Đến Long Thuỷ, du khách còn được thưởng thức nhiều đặc sản như nước dừa xiêm, mực hòn Chùa, cá thu Mỹ Á....cùng nhiều loại hải sản khác.

Ca dao có câu:
Muốn ra Mỹ Á ăn dừa
Sợ truông cát nóng, sợ đường đá dăm
Cát nóng đưa dép anh mang
Đá dăm em lượm còn than nỗi gì?

Về tên gọi Long Thuỷ, có truyền thuyết kể rằng, ngày xưa, đất Phú Yên bị hạn hán nhiều năm liền khiến dân chúng rất lầm than cơ cực vì không có nước để gieo trồng. Người dân lập đàn cầu mưa bao lần mà không được. Một trưa nọ, không rõ từ đâu có hàng ngàn hàng vạn con cóc vàng tràn về các nơi trai đàn, hòa giọng cùng tiếng trống sấm tạo thành âm thanh thôi thúc, bức bách. Thế là trời bỗng tối sầm, gió thổi ào ào, mây vần vũ, sấm chớp vang động. Từ trong những lằn chớp và mây đen kia bỗng xuất hiện con rồng khổng lồ, đầu chúc xuống biển hút nước rồi bay cuộn lên phía núi Chóp Chài, vươn thẳng lên không trung phun nước làm mưa. Những nơi rồng phun nước thẳng xuống, do áp lực quá mạnh nên tạo thành sông (sông Ba, sông Cái…), nhẹ hơn thì thành hồ ao. Nhờ vậy nên người dân có nước để gieo trồng, cày cấy. Khi rồng chúc đầu hút nước, đầu rồng nhằm vào biển Long Thủy nên có tên gọi như ngày nay. 

Một câu chuyện khác lý giải như sau, bữa nọ, hai cha con họ Trần đi biển. Sau khi kéo lưới lên thuyền, vừa gỡ cá xong, chưa kịp quay vào bờ thì từ ngoài biển Đông bỗng đâu mây đen ùn ùn kéo đến, sà thấp sát mặt biển. Hai cha con trông thấy con rồng đen khổng lồ thò vòi dài từ trên cao hút nước biển. Rồng đen chưa bay lên phun nước thì bỗng đâu con rồng khác màu đỏ lao tới, giương nanh vuốt ra tranh với rồng đen hút nước. Hai con tranh nhau làm cho mặt nước hõm xuống, nước cuộn thành vòi bốc lên cao, sôi réo ầm ầm. Sóng cao chục trượng ập vào bờ, mưa xối như trút. Thuyền của cha con ông họ Trần bị đập văng lên bờ. Nhưng may là không ai bị thương vong. Sau này dân xứ này lập miếu thờ. Từ đó hai rồng thôi cuộn xoáy, tranh giành hút nước mà chỉ làm mưa, mưa đến chín chiều vào tháng Tư tháng Năm âm lịch hàng năm.

Du Lịch Độc Thân

Nhiều người xem

 
Top