Tọa lạc tại ấp Bà Chăng A, xã Châu Thới, cách trung tâm huyện Vĩnh Lợi khoảng 05km về hướng tây. Đền thờ Bác Hồ, xã Châu Thới đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1998.
Di tích được xây dựng trên một khuôn viên đất rộng 9.300m2 với các kiến trúc chính như: Ngôi Đền thờ Bác, Nhà trưng bày, Hội trường và phòng làm việc, khu nhà ở và khu vườn được trồng nhiều loại cây do khách đến thăm viếng Đền thờ và trồng cây lưu niệm. Đặc biệt, trong khuôn viên di tích không thể thiếu được hồ sen - là một loại hoa luôn gắn với hình ảnh quê hương và tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quang cảnh lễ cắt băng khánh thành công trình trùng tu, tôn tạo Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Châu Thới
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khắc khoải một tâm niệm là khi đất nước thống nhất, Nam - Bắc một nhà, Bác sẽ vào thăm đồng bào miền Nam. Hai tiếng “miền Nam” đối với Người không ngày nào không nghĩ đến. Bác đã từng nói tự đáy lòng mình “miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”. Khi Bác tuổi đã cao, sức đã yếu, giữa lúc chiến sự ở miền Nam ác liệt, Bác chỉ khẩn thiết yêu cầu tổ chức bố trí để Bác được vào thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam.
Đồng bào miền Nam nói chung và Bạc Liêu nói riêng, dù chưa một lần được đón Bác vào thăm nhưng tình cảm của đồng bào luôn hướng về Người với nổi nhớ mong da diết. Chỉ mong sao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, đồng bào Miền Nam đón Bác vào thăm.
Nhưng mong ước chưa được thỏa nguyện thì nhân dân cả nước, nhân dân Bạc Liêu vô cùng đau đớn khi nhận được tin Bác Hồ kính yêu đã từ trần vào lúc 9 giờ 47 phút, ngày 02/9/1969. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã để tang Bác, Huyện ủy Vĩnh Lợi mượn ngôi nhà của gia đình ông Trần Văn Tến, đây là nhà tẩm liệm các liệt sĩ hy sinh để tổ chức lễ truy điệu Bác vào lúc 17 giờ ngày 3/9/1969. Sau lễ truy điệu Bác Hồ, ngôi nhà trở thành nhà tưởng niệm Bác. Đồng thời, Huyện ủy Vĩnh Lợi phát động các xã trong huyện xây dựng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đầu năm 1971, địch dã tâm đưa quân lính đến đốt nhà tưởng niệm Bác Hồ. Hành động của địch đã bị nhân dân địa phương lên án và vô cùng căm phẫn. Tháng 4/1971, Huyện ủy Vĩnh Lợi giao cho Xã ủy Châu Thới chỉ đạo cho lực lượng du kích phối hợp với địa phương quân đánh Đồn địch ở Tân Tạo (xã Châu Hưng), phá ấp chiến lược, lấy sắt và dây chì gai đem về xây dựng Đền thờ Bác trên nền nhà tưởng niệm Bác (cũ). Khi sườn nhà được làm xong thì địch hay tin cho lính từ Vĩnh Hưng đến phá Đền thờ. Chúng bắt chị em phụ nữ ấp Bà Chăng chở vật liệu về Vĩnh Hưng. Nhân lúc địch sơ hở, chị em phụ nữ chở vật liệu quay lại cất giấu, chờ thời cơ xây dựng đền thờ Bác Hồ.
Ngày 15/4/1972, Xã ủy Châu Thới họp Ban Chấp hành mở rộng, quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đền thờ Bác Hồ tại khuôn viên đất Chùa ông Hai Kiệm - ấp Bà Chăng A (là vị trí đền thờ hiện nay) và thành lập Đội bảo vệ trong và sau khi xây dựng Đền thờ Bác.
Ngày 25/4/1972, Huyện ủy Vĩnh Lợi, xã Châu Thới long trọng tổ chức lễ khởi công xây dựng Đền thờ Bác Hồ. Sau 24 ngày đêm, vất vả bí mật, có lúc phải ngừng thi công vì địch càng quét, bắn phá, ngôi Đền thờ Bác đã được xây dựng hoàn tất bằng các vật liệu kiên cố với diện tích 18,24m2 và khuôn viên rộng 6.000m2. Ngày 15/9/1972, Xã ủy Châu Thới đã làm lễ khánh thành Đền thờ nhân kỷ niệm 82 năm ngày sinh nhật Bác. Đồng thời, Huyện ủy chỉ đạo cho các lực lượng du kích, lực lượng địa phương quân Vĩnh Lợi và Đội bảo vệ Đền thờ bằng mọi giá, dù có phải hy sinh tính mạng cũng phải bảo vệ an toàn Đền thờ Bác Hồ.
             Thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn tại Đền thờ Bác Hồ                                                             (ảnh Đền thờ  lúc chưa trùng tu)
Sau khi ngôi Đền thờ Bác Hồ được khánh thành, địch thường xuyên huy động các phương tiện đánh phá như: Pháo 105 ly từ Vĩnh Hưng bắn vào, máy bay địch từ sân bay Sóc Trăng đến bắn phá. Đặc biệt tháng 3/1973, địch dùng 04 máy bay trực thăng đến bắn phá Đền thờ Bác, 04 chiến sĩ bảo vệ Đền thờ rất kiên cường, dũng cảm dùng súng M16 dụ máy bay địch ra khỏi khu vực Đền thờ để bắn, không để máy bay địch bắn phá Đền thờ. Sư đoàn 21 địch tại thị xã Bạc Liêu nhiều lần đưa hàng tiểu đoàn bộ binh vào đánh phá Đền thờ Bác Hồ của Đảng bộ và quân dân Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi đến ngày miền Nam gải phóng 30/4 đất nước được thống nhất.
Từ ý nghĩa lịch sử, giá trị nhân văn, tấm lòng của Đảng bộ và quân dân tỉnh Bạc Liêu đối với Bác. Năm 1998, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng ngôi Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi là di tích lịch sử cấp Quốc gia, đây là niềm tự hào của Đảng bộ và quân dân tỉnh Bạc Liêu nói chung và của huyện Vĩnh Lợi nói riêng.
Từ năm 1998 đến nay, tỉnh Bạc Liêu đã nhiều lần đầu tư cho hoạt động trùng tu ngôi đền thờ và tôn tạo, xây dựng nhà trưng bày, nhà đón tiếp khách, hoa viên cây cảnh… Năm 2010, UBND tỉnh phê duyệt dự án trùng tu Đền thờ Bác Hồ giai đoạn 1 với số vốn 35 tỷ đồng. Dự kiến vào năm 2015 sẽ đầu tư  trùng tu giai đoạn 2 với số tiền 23 tỷ đồng.
Đền thờ Bác Hồ sau khi được trùng tu
Ngày nay, tại Đền thờ Bác Hồ, xã Châu Thới thường xuyên mở cửa đón khách đến thăm viếng. Đặc biệt, hàng năm luôn tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân ngày sinh của Bác (19/5), ngày Bác đi xa (02/9), nhiều cơ quan, ban ngành của tỉnh, huyện thường xuyên tổ chức đoàn vào thăm viếng Đền thờ và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, báo công với Bác, phát động trồng cây, tổ chức kết nạp Đảng và nhiều hoạt động thiết thực khác…

Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới, vừa là di sản văn hóa tinh thần của người dân ở địa phương, vừa là di tích lịch sử cấp quốc gia, là điểm sáng để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của ông cha ta cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Du Lịch Độc Thân

Nhiều người xem

 
Top