Rắn đồng là đặc sản nhưng không phải ai cũng có được. Bởi vì, phải có người dân địa phương làm "căn cứ" và tổ chức mọi thứ để trải nghiệm đời sống của người dân miền lũ.
Quan trọng là phải chọn được đồng sạch để tắm và đảm bảo được khâu hậu cần. Vì thế, phải tìm được nhà người quen, bạn bè hoặc may mắn gặp một nhóm tắm đồng địa phương thì xin gia nhập.
Nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể di chuyển theo hướng Châu Đốc dọc theo kinh Vĩnh Tế về Tịnh Biên, rồi vô Vĩnh Gia, Lạc Quới… để cảm nhận con nước lũ tràn đồng.
Khu vực đập Tha La, Trà Sư có nhiều hàng quán chỉ mở cửa vào mùa nước để bán các món ăn từ nước lũ mang về, như cá linh, tôm sông, ốc lác… với giá bình dân.
Chỉ cần 100.000 đồng/khách là đủ no một bụng đầy tôm, cua, cá.
Đồng biên giới tràn nước. Hoạt động khai thác rất sôi nổi. Có thể gởi xe nhà dân rồi theo xuồng đi đánh bắt, giăng lưới trên đồng.
Không cần liên hệ trước, cứ đi trên đường dọc tuyến kinh, sông, hễ gặp ai đi thì xin đi theo, họ rất sẵn lòng. Sau chuyến đi, bạn còn được mời dùng bữa và lai rai với những thức ăn vừa khai thác được.
Nếu có thể thức sớm, ngay đầu cầu Trà Sư mùa này luôn nhóm chợ từ bốn đến trước sáu giờ sáng mỗi ngày. Hàng tấn cá tôm vừa khai thác trong đêm được tập kết tại đây để bủa đi các chợ, mang đặc sản vùng lũ đến với thành thị, nhà hàng.
Trà Sư lúc này cũng đẹp hơn. Nước trong rừng lên cao, sen, súng và bèo đầy mặt nước. Cá tôm tự nhiên đổ về đây nên chim chóc ra ăn rất nhiều.
Đi xuồng ba lá vào sân chim để chiêm ngưỡng đời sống hoang dã của rừng rậm là "món" không bao giờ chán đối với du khách. Khi trở ra, được thưởng thức các món ăn dân dã từ sông nước được chế biến kiểu quê, ăn hoài không thấy no.
Đặc biệt, tới An Giang là phải ngắm lúa. Mùa này, những đồng lúa và đồng nước đan xen nhau tạo những mảng màu lạ mắt.
Đứng trên núi Sam, núi Cấm, núi Tô và đồi Tà Pạ sẽ ngắm được toàn cảnh mà bao nghệ sĩ nhiếp ảnh đã phải mê mệt và gặt hái được không ít giải thưởng lớn từ những mảng màu tự nhiên này.
Theo Nguyễn Thành (Báo Cần Thơ), ảnh Dandensg.blogspot
Du lịch, GO!