Tôi tin rằng sự so sánh một sa mạc cát vùng Trung Đông với miền núi cao Tây Bắc này chẳng hề bất hợp lý chút nào.
Khi người ta biết tạo ra cái mà người ta không có và làm giàu trên đó thì sao ta cứ mãi nghèo trên sự giàu sang mà tự nhiên đã rất ưu ái ban cho?
Dubai - biến cát thành vàng
Hơn 15 năm trước, Dubai chỉ có đặc sản là cát và cái nóng kinh hồn của sa mạc khô cằn. Còn giờ đây, Dubai đang là “Manhattan của Trung Đông”, với những tòa nhà xuyên mây, những khu trượt tuyết trong nhà, những hòn đảo nhân tạo, khách sạn dưới lòng biển và cả những khu vui chơi giải trí xuyên lòng đất.
Buổi ăn chiều đầy lãng mạn trong chạng vạng sa mạc.
|
Dubai luôn chứng minh cho cả thế giới thấy thành phố này có thể biến điều không thể thành có thể. Thiên nhiên không ban cho thành phố bên biển này những hòn đảo, và Dubai tạo ra cụm đảo nhân tạo Palm - "kỳ quan thứ 8 của thế giới". Và trên đó là những kiệt tác nghỉ dưỡng như Atlantis với hơn 1.500 phòng, có những phòng xa xỉ có một không hai trên thế giới.
Tuyết trên sa mạc là thứ mà có nằm mơ cũng không ai dám nghĩ đến, vậy mà Dubai đã tạo nên một khu trượt tuyết trong nhà ngay giữa sa mạc mang tên Ski Dubai, với đủ sườn dốc, dốc nhảy tuyết và cáp treo.
Tuyết thật, trắng đến nhức mắt, những dốc dựng đứng, dốc thoai thoải, cáp treo lướt trên đầu. Chưa hết, nếu bạn chẳng thích trượt tuyết thì có thể ra công viên vui mùa đông để xem chim cánh cụt diễu hành trên băng.
Ai bảo miền hoang mạc Dubai chỉ có thể nở ra hoa xương rồng? Dubai đã chứng minh cho thế giới thấy họ có thể trồng hoa trên cát, ngay trong khu vườn diệu kỳ Dubai Miracle. 45 loại hoa từ khắp nơi trên đã tạo nên những lâu đài hoa, thuyền hoa, tàu hoa, cối xay gió hoa… Khung cảnh ấy, chưa có quốc gia nào được thiên nhiên ưu đãi làm được.
Dubai Miracle Garden. Ảnh: Baby Globetrotters.
|
Dubai xây dựng cho mình hình ảnh của một thành phố hào nhoáng, xa hoa, với những tòa nhà chọc trời, những khách sạn dát vàng, những khu mua sắm lớn nhất thế giới và bao la hàng hiệu, để du khách có thể lái một siêu xe trong mơ, và đi tàu điện trong những toa tàu xa xỉ hơn khoang hạng nhất của các hãng hàng không hàng đầu thế giới, hoặc vui chơi tại các công viên giải trí đẹp như cổ tích.
Chắc có người sẽ bảo, có bột mới gột nên hồ. Nhưng nếu biết trong khoảng 100 tỷ đô la thu nhập của thành phố sa mạc này, thu nhập từ dầu mỏ chỉ chiếm khoảng 6% đến 7%, dễ hiểu Dubai không hề ăn bám vào tài nguyên thiên nhiên.
Tây Bắc - sao mãi nghèo trên sự giàu sang
Một thảo nguyên Mộc Châu với những đồi chè xanh chạy dài mướt mải. Từ đỉnh dốc Cun nhìn xuống, thung lũng Mai Châu giống như một bức tranh của một họa sỹ thiên tài, vàng óng là lúa chín, xanh mướt của cây rừng, trắng muốt hoa mai hoa mận, vàng rực mùa hoa cải, thấp thoáng những nếp nhà sàn nhỏ xinh, ẩn hiện trong khói lam chiều…
Những thửa ruộng bậc thang Mù Căng Chải đẹp kỳ vĩ như miền cổ tích.
|
Mùa thu, những thửa ruộng bậc thang Mù Căng Chải (Yên Bái) đẹp kỳ vĩ như miền cổ tích. Người ta ví chúng như những cung đàn, nốt nhạc trên các sườn núi.
Những cung đường quanh co, nhiều hiểm nguy và đầy thách thức đã đưa đèo Mã Pí Lèng, Khau Phạ, Pha Đin hay Ô Quy Hồ thành những con đường huyền thoại, bởi từ những con đèo này nhìn xuống, sự hùng vĩ của non nước mây trời Tây Bắc khó có thể diễn được thành lời.
Thấp thoáng những nếp nhà sàn nhỏ xinh, ẩn hiện.
|
Sa Pa được coi là viên ngọc của Tây Bắc. Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành công viên địa chất toàn cầu… Thác Bản Giốc, Cửu thác Tú Sơn với thác Thượng Uyển trên độ cao 1300m giống như một “vườn thượng uyển”, Thác Bạc… rồi sông Đà, sông Lô… núi liền sông, khí hậu quanh năm mát mẻ, văn hóa truyền thống của người dân tộc từ các bản làng cực kỳ phong phú.
Họp chợ cũng là một nét văn hóa đặc sắc của Sapa.
|
Xét về tiềm năng du lịch, Tây Bắc là “mỏ vàng” của thế giới, chứ không phải chỉ của Việt Nam.
Ấy vậy mà bao nhiêu năm qua, người dân tộc ở Tây Bắc vẫn “nghèo bền vững” trên cái gia tài khổng lồ ấy. Cả hai chục năm nay, du lịch Tây Bắc vẫn chỉ đón những anh Tây ba lô, và mấy du khách mang danh “phượt thủ”.
Khách đi tour cũng chỉ ghé qua thăm thú chỗ này chốn kia ở Tây Bắc, chứ mấy người lưu lại đây lâu, trừ phi lên Sa Pa nghỉ dưỡng?
Trẻ em vùng cao và trò chơi dân gian.. thu hút ống kính du khác.
|
Tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp thu hút khách du lịch đến vùng Tây Bắc” ngày 15/4/2016 tại Hà Nội, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Bắc Hoàng Thị Hạnh cho biết: “Năm 2015, số khách du lịch đến Tây Bắc đạt 8,9 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 1,6 triệu lượt với doanh thu khoảng 20.190 tỷ đồng.
Tuy có tăng, nhưng quy mô khách chỉ chiếm từ 5% - 7% so với cả nước.” Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp chiếm tỷ trọng không đáng kể, do đó hiệu quả kinh tế du lịch chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Chưa kể, hệ thống sản phẩm du lịch Tây Bắc, theo ông Hoàng Tuấn Anh- Nguyên Bộ trưởng Bộ VHTTDL- thì “còn đơn điệu và rời rạc”.
Quay trở lại với Dubai, tôi dám chắc nếu “ông Dubai” mà có cái kho vàng của Tây Bắc, chắc họ đã biến Mộc Châu thành một xứ sở hơn cả cao nguyên Genting từ lâu rồi, chắc họ đã biến những làng bản nghèo xơ xác kia thành những làng resort trên núi thơ mộng, để người địa phương phục vụ khách nghỉ thắng cố, rượu ngô, và nhảy múa hội hè trong đêm lửa trại, để du khách có thể nghỉ dưỡng và vẫn thấm đẫm cái văn hóa bản địa độc đáo của người dân miền núi…
Không, thậm chí còn tuyệt vời hơn thế nữa ấy chứ, biết đâu họ sẽ mang tuyết lên Sa Pa, Mẫu Sơn, và tạo nên một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết có một không hai trên thế giới? Họ sẽ không đợi đến mùa tam giác mạch mà sẽ khiến các thung lũng nở hoa bốn mùa… hoặc là sẽ tạo nên những ngôi làng bên sông suối đẹp hơn cả ngôi làng Giethoorn (tỉnh Overijssel) của Hà Lan.
Năm 2015, số khách du lịch đến Tây Bắc đạt 8,9 triệu lượt.
|
Thôi thì, biết là mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng cứ hy vọng một ngày, nàng công chúa Tây Bắc sẽ được đánh thức bởi một hoàng tử, mang tới cho nàng công chúa ngủ quên một cơ hội trở thành Dubai chẳng hạn.
Theo Tuổi Trẻ